Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2009

Thành Đồng Tổ Quốc


Danh hiệu vẻ vang Thành đồng Tổ quốc

13:27 | 21/09/2009

Ngày này (23-9) cách đây 64 năm, nhân dân Nam Bộ và nam Trung Bộ đã thay mặt nhân dân cả nước, mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quyết tâm bảo vệ thành quả của Cách mạng tháng Tám.
Ngày 23 tháng 9, quân Pháp được quân Anh, quân Nhật yểm trợ, bắt đầu nổ súng xâm lược đánh chiếm Sài Gòn, rồi sau đó đánh rộng ra các tỉnh ở Nam Bộ và nam Trung bộ. Chúng cũng đưa quân lên chiếm đóng Phnôm Pênh, thủ đô Căm pu chia, chiếm thị xã Pắc Xế ở Hạ Lào nhằm thực hiện nhanh chóng âm mưu khôi phục chế dộ thuộc đia của chúng ở miền nam Đông Dương. Tất cả bọn phản cách mạng đều nhảy ra làm tay sai cho Pháp.
Trên đất nước ta chưa bao giờ có nhiều kẻ thù như vậy. Chính quyền nhân dân lúc này còn non trẻ, còn thiếu thốn đủ thứ và gặp khó khăn chồng chất. Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời chưa có nước nào trên thế giới công nhận. Lực lượng vũ trang cách mạng chưa phải là quân đội chính quy có trang bị vũ khí, kỹ thuật hiện đại. Các chiến sĩ phần lớn xuất thân từ giai cấp công nhân, nông dân và tiểu tư sản, nhiệt tình yêu nước và ý chí căm thù quân xâm lược rất cao, nhưng kinh nghiệm chiến đấu còn ít ỏi. Nền kinh tế của đất nước vốn đã nghèo nàn, lạc hậu, lại bị Pháp, Nhật vơ vét xác xơ, bị chiến tranh và thiên tai tàn phá, tài chính kiệt quệ. Vận mệnh của cách mạng Việt Nam, của dân tộc Việt Nam đứng trước thử thách vô cùng nghiêm trọng. Chính quyền dân chủ nhân dân có thể bị lật đổ. Nền độc lập dân tộc vừa giành được có thể bị thủ tiêu. Nhân dân ta có nguy cơ trở lại cuộc sống nô lệ.
Thực tế lịch sử chứng minh bên cạnh những khó khăn, nhân dân ta còn có những thuận lợi lớn. Cách mạng tháng Tám thành công đã đem lại cho cách mạng Việt Nam thế và lực mới. Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thật sự là một nhà nước độc lập tự do. Nhân dân ta sau hơn 80 năm nô lệ dưới ách thực dân đã trở thành người làm chủ đất nước, “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng , tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập.” Đảng ta đã đánh giá đúng tình hình, sáng suốt lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn hiểm trở, đấu tranh thắng lợi với giặc ngoài, thù trong, giữ vững chính quyền cách mạng, từng bước xây dựng chế độ mới đưa cách mạng vững bước tiến lên.
Trước hành động tấn công đánh chiếm của thực dân Pháp, ngày 23-9 xứ uỷ Nam Bộ họp hội nghị mở rộng khẩn cấp tại phố Cây Mai (Chợ Lớn). Đồng chí Hoàng Quốc Việt, uỷ viên thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng thay mặt Trung ương dự hội nghị. Hội nghị đã phân tích tình hình, âm mưu cướp nước ta một lần nữa của thực dân Pháp và chủ trương phát động nhân dân kiên quyết kháng chiến chống xâm lược.
Chiều 23-9, đồng bào Sài Gòn-Chợ Lớn triệt để tổng đình công không hợp tác với giặc. Chợ ngừng họp, xe ngừng chạy, các hiệu buôn, nhà máy đóng cửa. Bàn ghế, giường tủ được đưa ra đường dựng ụ chiến đấu. Trong không khí sôi sục căm thù, các chiến sĩ tự vệ công nhân, tự vệ thanh niên, các đội xung phong công đoàn, cảnh sát chiến đấu, công an xung phong cùng toàn thể đồng bào, với mọi thứ vũ khí có trong tay, dũng cảm đánh trả bọn xâm lược. Nhiều nhà máy, kho tàng của địch bị đánh phá. Điện nước bị cắt. Các đội vũ trang đột nhập sân bay Tân Sơn Nhất, bến cảng Sài Gòn phá huỷ máy bay, đốt cháy tàu Pháp, chặn đứng nhiều cuộc tiến công. Cuộc chiến đấu của nhân dân Sài Gòn-Chợ lớn làm cho bọn Anh, Pháp lâm vào tình trạng khốn đốn. Chúng sống trong một thành phố bị bao vây, không điện, không nước, không tiếp tế, luôn bị quân dân ta tập kích tiêu hao, tiêu diệt. Cuối tháng 10, có quân tăng viện từ Pháp sang, lại được quân Anh, Nhật phối hợp, với lực lượng mạnh hơn ta gấp bội, giặc Pháp phá vỡ vòng vây Sài Gòn-Chợ Lớn, đánh rộng ra chiếm các đường giao thông, các tỉnh lỵ ở Nam Bộ và một số vùng thuộc các tỉnh cực nam Trung Bộ.
Ngày 25-10, hội nghị xứ uỷ mở rộng do đồng chí Hoàng Quốc Việt chủ trì đã họp tại Thiên Hộ, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho. Các đồng chí Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng và một số đồng chí khác vừa từ nhà ngục Côn Đảo trở về đã tham dự hội nghị. Hội nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm chỉ đạo kháng chiến, biểu dương tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân dân Nam Bộ. Hội nghị quyết định phương hướng giải quyết những vấn đề cấp bách như chấn chỉnh tổ chức và tăng cường sự lãnh đạo của đảng bộ về mọi mặt, trước hết là lãnh đạo lực lượng vũ trang, kiên trì giữ vững và đẩy mạnh cuộc kháng chiến làm thất bại âm mưu đánh nhanh, giải quyết nhanh của thực dân Pháp. Hội nghị chủ trương lập ra các uỷ ban kháng chiến của khu, xây dựng cơ sở bí mật trong vùng địch tạm chiếm, khôi phục chính quyền của ta ở những nơi bị tan vỡ. Sau hội nghị các cán bộ và đảng viên trung kiên của đảng bộ vượt qua mọi khó khăn gian khổ, kiên trì đi sâu, bám sát quần chúng, gây dựng lại phong trào, phát triển cơ sở chính trị và cơ sở vũ trang.
Đồng bào cả nước theo dõi từng giờ tình hình chiến sự ở Nam Bộ. Trong thư gửi đồng bào Nam Bộ ngày 26-9 Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ cuộc kháng chiến ở Nam Bộ được Chính phủ và đồng bào cả nước ủng hộ. Người biểu dương những tấm gương chiến đấu dũng cảm của quân và dân Nam Bộ, nêu rõ quyết tâm của toàn dân ta "thà chết tự do còn hơn sống nô lệ". Người khẳng định: "Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của toàn dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa".
Đảng, Chính phủ và Mặt trận Việt Minh phát động trong cả nước một phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến ở Nam Bộ và nam Trng Bộ, đồng thời tích cực chuẩn bị đối phó với âm mưu của Pháp mở rộng chiến tranh ra cả nước. Hàng vạn thanh niên nô nức lên đường chiến đấu. Hầu hết các tỉnh ở Bắc Bộ và bắc Trung Bộ đều thành lập các chi đội gửi vào nam giết giặc (Chi đội có biên chế tương đương 1 trung đoàn). "Ngày Nam Bộ", "Phòng Nam Bộ" là những hình thức tổ chức phong phú nhằm quyên góp thuốc men, quần áo, vũ khí chi viện cho cuộc kháng chiến ở miền nam. Phong trào Nam tiến cùng với phong trào nhân dân cả nước ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ chứng tỏ ngay từ khi bắt đầu xâm lược Việt Nam một lần nữa, giặc Pháp đã vấp phải sức mạnh của nhân dân cả nước đứng lên đánh giặc.
Cuộc kháng chiến ở Nam Bộ và cực nam Trung Bộ đã cho Đảng ta những kinh nghiệm đầu tiên về tổ chức và chỉ đạo kháng chiến, về xây dựng và lãnh đạo lực lượng vũ trang, về tiến hành chiến tranh du kích và xây dựng cơ sở chính trị ở vùng sau lưng địch. Cuộc chiến đấu ấy đã cổ vũ mạnh mẽ lòng yêu nước và căm thù địch của nhân dân cả nước. Nó chứng minh một chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Một đạo quân dù tối tân đến đâu cũng chẳng làm trò gì được trước thái độ cương quyết của cả một dân tộc".
Tháng 2 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ tặng đồng bào miền nam danh hiệu vẻ vang Thành đồng Tổ quốc./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét