Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2009

5 kiến nghị với Quốc hội


5 kiến nghị với Quốc hội (21/10/2009)
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá 12 đang diễn ra, thu hút sự quan tâm của người dân cả nước. GS Nguyễn Lân Dũng đã gửi đến Đại Đoàn Kết những kiến nghị của ông với Quốc hội sau khi đã có một quá trình tiếp xúc với cử tri và nhiều trí thức quan tâm đến tình hình đất nước.

Từ kỳ họp Quốc hội trước đến nay, đất nước và nhân dân ta đã đạt được những tiến bộ đáng kể và cũng phải đối đầu với những thử thách nặng nề. Tôi đồng tình với các nhận định sâu sắc về tình hình những tháng vừa qua của Chính phủ. Chính phủ đã dự báo, đánh giá đúng tình hình, kịp thời và linh hoạt đề ra các giải pháp, chính sách phù hợp nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Trong thời gian tới, dự báo kinh tế trong nước có khả năng tiếp tục đà phục hồi, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Để khắc phục các khó khăn thách thức như nhận định của Chính phủ, sau khi tiếp xúc với cử tri và nhiều trí thức rất quan tâm đến tình hình đất nước, tôi đề nghị trong kỳ họp này Quốc hội cần làm rõ thêm 5 vấn đề sau đây:
Một là, thực trạng của nông dân nước ta hiện nay: Hiện nay 70% cư dân nước ta sống dựa vào nông nghiệp, tuy đóng góp hàng năm cho GDP đạt tới 20% nhưng Nhà nước chỉ đầu tư cho nông nghiệp có 10% tổng vốn đầu tư (mà 80% trong đó lại chỉ tập trung vào thủy lợi). Việc lấy đất nông nghiệp có chất lượng cao (đất có cấu tượng mà bà con thường gọi là “bờ xôi ruộng mật”, nhất đẳng điền) trong nhiều năm qua đã gây ra bao nhiêu tình trạng nguy hiểm cho những gia đình nông thôn không chuyển đổi được nghề nghiệp để tiếp tục sinh tồn. Mặc dù Nhà nước và các doanh nghiệp có đền bù, hỗ trợ giải quyết việc làm, nhưng 53% số hộ bị thu hồi đất có thu nhập giảm; 34,5% số hộ có điều kiện sống thấp hơn. Nguồn tài nguyên đất và nước của Việt Nam đang dần mất đi, trong khi đó lại xuất hiện dự án phát triển bể than Đồng bằng sông Hồng- một dự án mà rất nhiều nhà khoa học cho rằng có thể có mức độ ảnh hưởng rất lớn tới môi trường sinh thái và an ninh lương thực. Rừng bị phá gần hết và cảnh hàng nghìn khúc gỗ đã bị cưa xẻ trôi theo sông trong đợt mưa lũ vừa qua trông thật đau lòng. Rồi chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản luôn bị đe dọa bởi hết dịch bệnh này đến dịch bệnh khác... Nông dân đang làm chủ 70 triệu thửa ruộng manh mún nhỏ bé thì làm sao cơ giới hóa được đồng ruộng, làm sao trồng được rau có bảo đảm trong nhà lưới và không dùng thuốc trừ sâu hóa học? Nông dân không thể tiếp tục tự sản, tự tiêu như trước kia trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hai là, giáo dục và y tế thường được coi là hai đặc điểm ưu việt của chủ nghĩa xã hội, vậy mà trong thực tế giáo dục và y tế ở nước ta liên tục bị công luận phản ứng về các bất cập chậm khắc phục. Trong giáo dục, mặc dù có nhiều tiến bộ, phát động nhiều phong trào mới nhưng thực tế học sinh cấp 2 vẫn học quá nặng vì nhiều chương trình. Chương trình cấp 3 lại quá thấp vì phân ban không hợp lý nên phải học quá nhiều môn. Nên coi kiến thức phổ thông học hết lớp 10 là đủ (như trước đây) và để dành 2 năm lớp 11 và lớp 12 để phân ban sâu nhằm loại bỏ trào lưu dạy thêm, học thêm. Việc mở ồ ạt các trường Đại học, Cao đẳng khi chưa có đủ giáo viên cơ hữu và không có các phòng thí nghiệm đã làm hạ thấp hình ảnh Đại học của nước ta và sinh viên tốt nghiệp không có việc làm đúng chuyên môn. Không có lý gì một em học sinh thi được có 7 điểm 3 môn mà được tới 20 trường gọi nhập học như báo chí đưa tin. Tôi đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo cho kiểm tra thực tế đội ngũ đang giảng dạy so với danh sách đệ trình khi xin phép thành lập trường và sẽ thấy ngay sự gian dối rất đáng sợ. Về y tế thì chỉ cần đến thăm tình trạng một giường bệnh ở các bệnh viện lớn phải chứa vài bệnh nhân và nhiều bệnh nhân nghèo không thể đủ tiền điều trị là đủ thấy rõ.

Ba là, hiệu quả còn rất thấp của việc xây dựng lực lượng khoa học cũng như các kết quả thực tiễn và lâu dài của công tác nghiên cứu khoa học. Chúng ta đã chi một khoản tiền không nhỏ cho lĩnh vực khoa học và công nghệ. Tuy nhiên lực lượng khoa học còn quá mỏng, quá yếu. Tôi cho rằng cần sắp xếp lại hệ thống nghiên cứu khoa học, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn và vào các đơn vị đã có tiềm lực về cán bộ và thiết bị. Nên giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị này với sự đầu tư thỏa đáng, thậm chí chấp nhận mua bằng sáng chế của nước ngoài ... Với các đơn vị khác không nên đấu thầu (vì còn rất nhiều tiêu cực) mà chỉ nên cho vay thỏa đáng khi nhận nhiệm vụ.

Bốn là, tính thiếu gương mẫu của cán bộ các cấp, các ngành. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy việc, chạy trường, tham nhũng, hối lộ... còn nhiều. Khiếu nại, tố cáo của nhân dân chuyển qua các đại biểu Quốc hội rất nhiều nhưng việc giải quyết thấu tình, đạt lý chưa thỏa đáng. Trong khi rõ ràng những người có chức, có quyền phần lớn đều là đảng viên. Tôi rất hoan nghênh Quyết định số 158-QĐ/TW của Bộ Chính trị về Quy chế chất vấn trong Đảng nhằm cụ thể hoá những quy định trong Điều lệ Đảng. Đây là bước tiến mới trong tiến trình dân chủ hoá và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao trách nhiệm và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên. Tuy nhiên chúng ta nên ghi nhớ lời căn dặn của Hồ Chủ tịch: Đảng phải luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng (Hồ Chí Minh toàn tập,1995,tr.250)

Năm là, cần luật hóa việc tiếp thu các ý kiến phản biện, nhất là phản biện của giới trí thức yêu nước . Khoa học gia Elinor Ostrom, người vừa nhận giải Nobel kinh tế 2009 chứng minh: “Chính những người sử dụng tài nguyên sẽ định ra cơ chế sử dụng sao cho tài nguyên ấy đem lại lợi ích khả dĩ chấp nhận được cho mọi người. Ngược lại các quy định quản lý của nhà nước thường trở nên phản tác dụng do lẽ nhà nước Trung ương xa xôi với thực tế địa phương và cũng chẳng mấy uy lực ở cơ sở”. Báo Tuổi trẻ ngày 18-10 vừa qua cho rằng nhận định ấy đã “giải oan” cho các quan điểm từ cách đây 41 năm của nguyên Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú, Kim Ngọc, người mà gần đây mới được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Cuộc thảo luận về Chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội trên báo Sài Gòn giải phóng có nhiều ý kiến phản biện rất xác đáng và cần được xem xét một cách thực sự cầu thị. Chúng ta biết Trung Quốc có tới 73 triệu đảng viên, trong số này thiếu gì nhân tài, vậy mà họ đã cử hai trí thức không phải là đảng viên giữ các chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Y tế... Rõ ràng ý kiến của giới trí thức, bất kể là người ở trong hay ngoài Đảng, cần được tôn trọng đúng như tinh thần của Nghị quyết về trí thức của Hội nghị trung ương 7 và quan điểm của Hồ Chủ tịch từ những ngày đầu dựng nước.

Theo tôi trên đây là năm bức xúc cần sớm được tháo gỡ và nhờ đó có thể góp phần làm phát triển nhanh chóng sự nghiệp Đổi mới của đất nước.

GS. Nguyễn Lân Dũng ( Bài đăng trên Đại Đoàn kết điện tử 21/10/2009)

Xin mạn phép nhận xét:
Ông NLDũng có viết:" Ý kiến của giới trí thức, bất kể là người ở trong hay ngoài Đảng, cần được tôn trọng đúng như tinh thần của Nghị quyết về trí thức của Hội nghị trung ương 7 " ; Nghe ra vẫn còn thiên vị lắm ! nếu không thiên vị thì ta nói: " mọi ý kiến của bất kỳ ai, đều cần được lắng nghe và tôn trọng !";
Ông NLDũng có sự nhầm lẫn ! Tất cả số liệu ông đã dẫn chứng, chả có số liệu nào đúng đâu ! Mọi số liệu đã bị sửa chữa , không có số liệu nào đúng cả !
Vậy, nếu có đưa ra 50 điều cũng đến thế mà thôi ! ( Trân trọng !)23/10/2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét