Thứ Hai, 19 tháng 10, 2009

Sử dụng thực phẩm theo mùa


Sử dụng thực phẩm theo mùa
20/10/2009


(TNTT>) Một trong những cách thức tốt nhất để bảo vệ môi trường và tăng cường sức khỏe của con người là sử dụng thực phẩm theo mùa hoặc thực phẩm được nuôi trồng tại địa phương.
Mỗi mùa trong năm có những loại trái cây, rau củ đặc trưng. Ở miền Nam, khi mùa mưa bắt đầu là mùa chín rộ của chôm chôm, sầu riêng, măng cụt… Dưa hấu vào mùa khi Tết đến. Vụ tôm, cua bắt đầu từ tháng 4 cho đến tháng 11. Khi vào mùa, các loại trái cây rau củ, thực phẩm đều thơm ngon, ngọt lành, bổ dưỡng, tươi mát; giá cả lại rẻ hơn rất nhiều so với khi trái mùa.

Mùa nào thức nấy

Một số chuyên gia đã đưa ra các lý do mà người tiêu dùng nên lựa chọn các loại rau củ, trái cây, thực phẩm theo mùa hay được nuôi trồng tại nơi sinh sống như sau:

Trước tiên, thực phẩm, rau củ, trái cây tại nơi sinh sống hay theo mùa bao giờ cũng tươi ngon, giá lại rẻ. Thực phẩm tươi không những giữ được mùi vị thơm ngon mà còn giàu dưỡng chất.

Thực phẩm tại địa phương thường được thu hoạch ngay khi vừa chín tới, không bị hái khi còn xanh, non rồi đem ủ cho chín để vận chuyển tới các vùng miền xa xôi khác. Sử dụng thực phẩm này còn giúp người tiêu dùng tránh các tác hại từ các chất độc được sử dụng để bảo quản thực phẩm.

Mặt khác, sử dụng thực phẩm tại địa phương sẽ giúp phát triển vùng đất nông nghiệp tại đây, nhờ đó duy trì không gian mở, giúp không khí trong lành, thoáng mát, hạn chế ô nhiễm như ở đô thị và các khu công nghiệp.

Sâu xa hơn, sử dụng thực phẩm tại nơi sinh sống sẽ giúp nền kinh tế tại địa phương thêm nguồn thu đáng kể để phát triển hạ tầng, đường xá, cầu cống, nâng cao đời sống cộng đồng cũng như phúc lợi xã hội; giúp thúc đẩy nền kinh tế của đất nước.

Trái cây, rau củ nhập khẩu

Thông thường trái cây, rau củ được nhập khẩu từ nước ngoài đều được thu hoạch trước khi chín hay trước khi vào mùa để tránh bị hư hỏng và thối rữa trong quá trình vận chuyển, xuất khẩu sang nước khác. Để giúp các trái cây, rau củ này chín và kéo dài vòng đời người ta phải dú, ép chúng chín bằng khí ê-ty-len và sử dụng một số chất bảo quản cho loại thực phẩm này. Thậm chí, các trái cây, rau củ được nuôi trồng nhằm mục đích xuất khẩu còn được đem biến đổi gien cho phù hợp với điều kiện xuất khẩu. Do vậy, loại thực phẩm này thường không tươi, mới, ngon ngọt tự nhiên, giá cả lại cao hơn so với túi tiền của người tiêu dùng bình dân trong khi nguồn dưỡng chất đem lại từ các loại thực phẩm nhập khẩu này so với các loại nuôi trồng trong nước còn chưa được kiểm chứng rõ ràng. Chưa kể một số trường hợp để tiết kiệm chi phí người ta sử dụng các hóa chất độc hại để bảo quản thực phẩm, gây ra tác hại khôn lường cho người tiêu dùng. Nhẹ thì đau bụng, tiêu chảy, nặng thì ngộ độc cấp tính, lâu dài thì gây ra các loại bệnh ung thư.

Tuy nhiên, đối với một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… do diện tích đất dành cho nông nghiệp và chăn nuôi ngày một thu hẹp trước tốc độ phát triển như vũ bão của dân số, của nền công nghiệp và đô thị hóa nên việc sử dụng thực phẩm theo mùa, thực phẩm nuôi trồng tại những nơi này sẽ gặp nhiều khó khăn, đồng thời là một thiệt thòi cho cư dân sinh sống ở các đô thị.

Ngược lại, đối với những vùng có thể chăn nuôi, trồng trọt trái cây, rau củ như ở nông thôn thì việc sử dụng thực phẩm theo mùa, thực phẩm địa phương là cách tốt nhất để bảo vệ môi trường và cải thiện sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét