Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009

Tài nguyên có hạn - trí tuệ vô hạn


Tài nguyên có hạn - trí tuệ vô hạn
65% tiến sĩ là các quan chức trong các bộ, các sở, chỉ có khoảng 35% tiến sĩ tham gia giảng dạy Đại học và nghiên cứu khoa học
khảo sát về “sinh viên với nghề nghiệp” của 20 trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh, cho kết quả như sau. Chỉ có 3,1% tỷ lệ sinh viên lựa chọn doanh nghiệp Nhà nước

Cần lắm một đội ngũ hùng hậu cán bộ,
chuyên gia khoa học công nghệ - cơ sở vững chắc
để trở thành một nước công nghiệp

Trong trật tự kinh tế mới, những nước đầu tư nhiều nhất cho giáo dục là những nước có sức cạnh tranh mạnh nhất. Đầu thập kỷ 90 (thế kỷ trước) sự thần kỳ của kinh tế một số nước châu Á, còn gọi là phép lạ đã chứng minh giáo dục đi trước một bước đã mở đường cho kinh tế phát triển. Họ đã nhìn ra rất sớm “Tài nguyên có hạn - Trí tuệ vô hạn”, trí tuệ là kho tài nguyên vô tận. Ít ai dám ngờ một nước bại trận như Nhật và mấy nước mới thoát khỏi là thuộc địa như Hàn Quốc, Singapore... sự phát triển tương đối nhanh hơn các nền kinh tế phương Tây vốn đã phát triển từ lâu.

Người Nhật có tỷ lệ bằng cấp khoa học cao hơn bất kỳ nước nào trên thế giới, 68 phần trăm của tất cả các bằng đã phát ra so với 25 phần trăm tại Mỹ, Hàn Quốc có số lượng tiến sĩ tính theo đầu người cao nhất thế giới, riêng tập đoàn Deawoo năm 1990 đã thuê 1000 tiến sĩ, phần lớn tốt nghiệp ở Mỹ. Nhà doanh nghiệp và nhà khoa học là một, vì muốn nâng cao chất lượng hàng hóa hoặc hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh dứt khoát phải dựa vào khoa học - công nghệ. Nhiều trường đại học ở Hàn Quốc thuộc sở hữu của các công ty, tập đoàn.

Nhìn sang Nhật Bản và Hàn Quốc, tiến sĩ, giáo sư của nước ta về số lượng không đến nỗi kém họ là bao nhiêu nhưng khoảng cách về nhiều mặt ta thua kém họ xa. Chất lượng đội ngũ cao học không bằng họ, nhiều trường hợp ở ta học tại chức cũng được thi cao học, tốt nghiệp không khó nếu giỏi chạy chọt, lót tay. Tiến sĩ ta nhiều người chưa chứng minh là nhà khoa học chuyên nghiệp xứng đáng với học vị tiến sĩ vì họ được cấp học vị qua những cống hiến mang tính hành chính và quản lý hơn là những cống hiến mang tính khoa học mà một luận án tiến sĩ đòi hỏi. Bài báo được đăng trong các tạp chí chuyên ngành quốc tế và khu vực là tiêu chuẩn làm thước đo giá trị của tiến sĩ, giáo sư, trong tổng số các công trình nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam được đăng trong các tạp chí quốc tế và khu vực mới chỉ bằng 1 phần 5 của Thái Lan, 1 phần 10 của Singapore. Trong danh sách 500 công ty và 500 thương hiệu uy tín nhất thế giới, chưa có Việt Nam và khi mở rộng con số này lên 2000 do tổ chức Forbes xếp hạng những công ty lớn nhất thế giới, có 57 quốc gia chia nhau sở hữu các công ty lớn này. Đông Nam Á có Singapore 14 công ty, Malaysia 13 công ty, Thái Lan 13 công ty, Philippine 1 công ty. Vẫn chưa có Việt Nam. Ta xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới nhưng gạo Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu, cà phê của ta ngon nổi tiếng nhưng xuất khẩu vẫn qua trung gian là chính, vì vậy nhiều khi cà phê ta nhưng lại mang nhãn hiệu nước ngoài.

Tiến sĩ, giáo sư ta quá đông chọn con đường quản lý hành chính, tới 65% tiến sĩ là các quan chức trong các bộ, các sở, chỉ có khoảng 35% tiến sĩ tham gia giảng dạy Đại học và nghiên cứu khoa học. Khoa học công nghệ yếu kém, công nghiệp vươn lên rất chậm biểu hiện cụ thể ở nền kinh tế ta vẫn phát triển theo chiều rộng, dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô và những mặt hàng gia công mang giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh của ta vẫn chủ yếu dựa vào tài nguyên và cơ bắp. Hai ngành da giày, dệt may mang lại nguồn thu ngoại tệ mỗi năm còn hơn dầu thô vẫn nhập nguyên liệu chính là vải và da gần 80%, kể cả phụ liệu: khoen, móc, nút, chỉ, những chi tiết đơn giản từ kim loại và nhựa cũng phải nhập. Kế hoạch trồng bông đã hơn 10 năm trên đất nhân dân ta vốn từng trồng bông, 150.000 ha để có được 80.000 tấn bông sơ, đáp ứng 50% dệt may, đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nhập quá nhiều nên phần thu còn lại của ngành da, giày chẳng còn là bao, đời sống công nhân da, giày thường xuyên khó khăn.

Tư tưởng bằng cấp, tư tưởng làm quan làm cho trí tuệ Việt Nam không tập trung vào cuộc cạnh tranh kinh tế khốc liệt, chưa xây dựng được một đội ngũ hùng hậu cán bộ, chuyên gia khoa học công nghệ, vốn là cơ sở vững chắc để trở thành một nước công nghiệp. Ngày nay thế giới đánh giá một nước mạnh hay yếu không chỉ ở dân số và diện tích mà trước hết ở số công ty (tập đoàn), số thương hiệu của nước đó được cả thế giới biết đến. Công ty và thương hiệu đã làm rạng rỡ một số nước dù dân số không đông, lại nghèo tài nguyên, Hàn Quốc là một ví dụ, từ cuối thập kỷ 90 (thế kỷ trước) đã được tham gia OECD, tổ chức một số nước công nghiệp tiên tiến, sánh vai với Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật.

Bao giờ Việt Nam mới có công ty, tập đoàn, mới có thương hiệu được cả thế giới biết đến? Quá khứ anh hùng, hiện tại cũng phải anh hùng mới có thể đuổi kịp thiên hạ. Rất mong vì đây là lòng tự trọng của cả dân tộc nhưng “bao giờ” thì lại không dễ trả lời vì lực cản vẫn còn không ít. Một tin gần đây nhất làm cho chúng ta còn phải băn khoăn, một cuộc khảo sát về “sinh viên với nghề nghiệp” của 20 trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh, cho kết quả như sau. Chỉ có 3,1% tỷ lệ sinh viên lựa chọn doanh nghiệp Nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước vẫn được coi là cái xương sống của nền kinh tế ta, lại chỉ có hơn 3% sinh viên muốn đến làm việc. Không lo sao được và khi được hỏi làm cách nào các doanh nghiệp Nhà nước cải thiện được hình ảnh để có thể thu hút nhân tài, ông Hồ Đức Hùng, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế phát triển của trường đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã trả lời: “Để thu hút nhân tài và không muốn tụt hậu so với các thành phần kinh tế khác thì khu vực doanh nghiệp Nhà nước phải thay đổi toàn diện. Phải xem lại chính sách, cơ chế, nhất là việc trả lương, thưởng cho người lao động. Việc tuyển dụng và cất nhắc, nâng bậc lương, thưởng không nên lấy lý lịch làm đầu, không chú trọng hình thức bằng cấp mà phải dựa vào thực tài của người lao động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét