Thứ Năm, 5 tháng 11, 2009

Nước chúng ta




Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm lá vẫn rơi đầy

Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trong biếc nói cười thiết tha

Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về

Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu

Từ những năm đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn

Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây thằng chúa đất
Đứa đè cổ đứa lột da

Xiềng xích chúng bay không khoá được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà

Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng

Ngày nắng đốt theo đêm mưa giội
Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh

Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Giũ bùn đứng dậy sáng loà.
(1948- 1955)

Mất rừng phải trả giá ?




Thống kê sơ bộ đến 22h30 đêm qua (04/11/2009), bão lũ ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã làm 98 người chết, 20 người mất tích, 66 người bị thương, cùng với đó là nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập; nhiều ngôi nhà, trường học, trạm y tế bị hư hỏng. Hiện tại nhiều khu dân cư vẫn bị cô lập, chia cắt.

Hiện nay các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Gia Lai đang tập trung huy động các lực lượng tổ chức cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân vùng bị ngập lũ.
Phú Yên: Phú Yên được xem là địa phương bị thiệt hại nặng nhất do bão số 11. Theo thống kê sơ bộ, tỉnh đã có 69 người chết, 16 người mất tích, 20 người bị thương. Sáng 04/11, lực lượng Phòng không không quân đã huy động 03 máy bay trực thăng chở thực phẩm cứu trợ cho nhân dân các vùng bị chia cắt thuộc huyện Đồng Xuân, hiện vẫn còn một số xã thuộc huyện Tây Hòa và Phú Hòa bị chìm sâu và chia cắt.
Cũng trong sáng 4/11 tỉnh đã huy động 10 xe khách trung chuyển gần 2.000 hành khách của 04 đoàn tàu đang bị kẹt tại Phú Yên đến ga Diêu Trì. Toàn tỉnh đã sơ tán được 4.207 hộ với 16.018 người ra khỏi các khu vực nguy hiểm.
Tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 120.000 thùng mì tôm để cứu đói cho người dân các vùng bị nạn và 4.000 tấn gạo để cấp cho dân; đồng thời hỗ trợ 200 cơ số thuốc để phòng chống dịch bệnh sau lũ; hỗ trợ 550 tỷ đồng, 1.500 tấn lúa giống, 10 tấn hạt giống rau màu các loại, 120.000 liều vaccine ngừa lở mồm long móng và 50.000 lít thuốc sát trùng để khắc phục hậu quả lũ lụt.
Bình Định: là một trong hai tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất do bão số 11, thống kê sơ bộ đã có 13 người chết, 03 người mất tích, 15 người bị thương. Mưa gió cũng làm 311 nhà sập hoàn toàn, 3.549 nhà hư hỏng, nhà ngập nước 41.750 nhà. Về trường học, trạm y tế: 04 phòng học bị sập đổ, 144 phòng học bị hư hỏng, tường rào rào bị ngã đổ 1.030 m2; 05 trạm y tế bị hư hỏng. Về nông nghiệp: lúa ngã, ngập hư 4.074 ha, hoa màu hư hỏng 5.208 ha, hơn 900 tấn giống chuẩn bị sản xuất vụ Đông xuân 2010 bị ngập hư, cây công nghiệp bị hư hại 349 ha...
Hiện vẫn còn một số vùng ngập sâu và bị cô lập như xã Phước Thuận, Phước Hòa, Phước Thắng (huyện Tuy Phước), phường Trần Quang Diệu (tp. Quy Nhơn), xã An Hòa (huyện An Nhơn),...
Tổng thiệt hại ước tính lên đến 887 tỷ đồng.
UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực để thực hiện khắc phục hậu quả cơn bão số 11 trên địa bàn; tổ chức thăm hỏi và cứu trợ kịp thời các gia đình có người bị chết, người bị thương, nhà cửa bị sập hoàn toàn, nhất là gia đình thiệt hại thuộc diện chính sách; huy động các tổ chức đoàn thể giúp dân sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa bị hư hỏng do bão, lũ, sớm ổn định đời sống của nhân dân thực hiện đạo lý của dân tộc “lá lành đùm lá rách” để giúp đỡ các hộ bị thiệt hại do mưa bão gây ra; khẩn trương kiểm tra, thống kê nắm chắc tình hình thiếu đói trong nhân dân do mưa bão gây ra để thực hiện việc cứu trợ kịp thời theo quy định chung của tỉnh, kiên quyết không để người dân nào bị đói, bị rét.
Trước mắt, UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ: 50 tấn mỳ tôm, 5.000 tấn gạo, 15.000 bộ chăn, mền;3.000 bộ lọc nước; kinh phí hỗ trợ 80 tỷ đồng.
Tại Quảng Ngãi: Bão số 11 đã làm bị thương 04 người; 17 ngôi nhà bị sập hoàn toàn; 107 ngôi nhà và 09 phòng học bị tốc mái, hư hại. Do ảnh hưởng của mưa lũ khiến nhiều ha diện tích lúa bị ngã đổ, hoa màu bị hư hại và sa bồi thuỷ phá.
Ước tính tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 18 tỷ đồng.
Được biết 450 cán bộ chiến sĩ với 04 ca nô 85CV, 02 xuồng ST 660, 02 thuyền nhôm đẩy, 01 bộ vượt sông nhẹ VSN-1500, 03 xe kéo ca nô, 03 xe thiết giáp thuộc lực lượng Công an tỉnh cùng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xuống các địa bàn xung yếu để giúp dân. Tính đến 06h/03/11 toàn tỉnh đã sơ tán 1.111 hộ/4.409 người ra khỏi vùng nguy hiểm.
Hiện các tuyến đường giao thông liên xã, liên huyện bị nước lũ chia cắt trong những ngày qua đã được thông suốt. Ngành giao thông đang tập trung khắc phục những đoạn đường bị sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân qua lại.
Khánh Hòa: trên địa bàn tỉnh đã 12 người chết, 1 người mất tích, 9 người bị thương. Mưa lũ cũng làm hơn 1000 ngôi nhà bị sập, tốc mái; 35 trường học bị hư hỏng... khiến hơn 4500 hộ dân phải di dời.
Để sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các vùng ngập lụt nguy hiểm nhanh chóng di dời dân đến nơi an toàn, tổ chức nơi ăn ở và chăm lo cuộc sống chu đáo cho nhân dân nơi ở tạm.
Các vùng còn ngập lụt, vùng chia cắt tổ chức cung cấp lương thực, nước uống cho các hộ bị chia cắt.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà cũng yêu cầu tiếp tục bố trí lực lượng xung kích phối hợp với lực lượng quân đội, công an trên địa bàn tổ chức chốt chặn, kiên quyết không cho người dân qua lại các tràn, ngầm, sông suối tuyệt đối không để xảy ra trường hợp chết người và mất tích...
Đắc Lăk: Do ảnh hưởng của cơn bão số 11, từ ngày 2 đến 4-11, nhiều huyện trong tỉnh Đắk Lắk có mưa to (100 mm), gió mạnh cấp 6, giật tới cấp 9, gây thiệt hại khá lớn. Toàn tỉnh có 18 người bị thương, 107 ngôi nhà bị sập; 4.730 ngôi nhà, 280 trường học và 73 công sở bị hư hỏng, tốc mái; ước tính có hơn 4.800 ha lúa, ngô và hoa màu bị hư hại… tổng thiệt hại lên đến hơn 82 tỷ, trong đó riêng huyện Ea Kar bị thiệt hại hơn 38 tỷ .
Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, đề phòng xảy ra lũ lớn do mưa kết hợp lượng nước các công trình thủy lợi, thủy điện đang xả lũ (hồ Ea Súp thượng xả 100m³/s, hồ Buôn Joong xả 40m³/s, hồ Ea Kao xả 15m³/s; hồ thủy điện Buôn Kuốp xả 313m³/s, hồ thủy điện Buôn Tua Srah xả 150m³/s), UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo UBND cấp huyện triển khai các phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, theo dõi chỉ đạo điều tiết lũ cho các hồ chứa nước đảm bảo an toàn hồ đập. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh và Công an tỉnh chuẩn bị trang thiết bị, lực lượng sẵn sàng làm công tác cứu hộ khi cần thiết.
Hiện Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã bố trí trực 7 đồn, mỗi đồn 10 chiến sỹ và 1 chỉ huy, 1 tiểu đoàn 30 đồng chí, Bộ chỉ huy 28 đồng chí cùng nhiều trang thiết bị như xe tải, ca nô, phao, áo phao, dây thừng, bao tải và 2 đồng chí chỉ huy trực tiếp xuống chỉ đạo tại địa bàn huyện Buôn Đôn và huyện Ea Súp./.

Việt Nam đất nước ta ơi !



Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau
Mặt người vất vả in sâu
Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn
Ðất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
Ðạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.
Việt Nam đất nắng chan hòa
Hoa thơm quả ngọt bốn mùa trời xanh
Mắt đen cô gái long lanh
Yêu ai yêu trọn tấm tình thủy chung
Ðất trăm nghề của trăm vùng
Khách phương xa tới lạ lùng tìm xem
Tay người như có phép tiên
Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ
Nước bâng khuâng những bến đò
Ðêm đêm còn vọng câu hò Trương Chi
Ðói nghèo nên phải chia ly
Xót xa lòng kẻ rời quê lên đường
Ta đi ta nhớ núi rừng
Ta đi ta nhớ dòng sông vỗ bờ
Nhớ đồng ruộng, nhớ khoai ngô
Bát cơm rau muống quả cà giòn tan...