Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2009

NHẬP THẾ




NHẬP THẾ

Truyện ngắn của NGUYỄN KHOA ĐĂNG



....Giờ đây, ông đã nghỉ hưu. Thỉnh thỏang ngồi giờ lại những trang sách cũ, chẳng cần ai chỉ giáo ông cũng nhận ra văn ông như thế là rất nhạt, là thiếu hơi thở cuộc sống.
Giờ đây, hơn lúc nào hết, ông thấy cần thiết phải thay đổi các trang văn của ông. Không như một vài nhà văn khi gần đất xa trời họ sám hối, họ nói trước đây viết theo lệnh người khác, bây giờ mới được trở về chính họ, ông khó gì để sám hối nên không quan tâm đến điều đó. Có chăng ông sám hối là ngày xưa, ông không muốn sống như mọi người, không nói tiếng nói của số đông, không thở hơi thở của mọi người nên ông trở nên xa lạ ngay trong khu nhà ông ở, con đường hàng ngày ông vẫn đi qua. Ông thấy ông cần phải nhập cuộc, nhập thế. Nhưng nhập như thế nào được, khi mà lâu nay ông tròn trĩnh như một viên bi? Ông cùng vợ vào Sài Gòn sống với người con gái ông, lấy chồng trong đó…tuy biết rằng, ông không hợp với sinh họat của mảnh đất này.

Vào Sài Gòn đã lâu nhưng ông vẫn chưa dám đi chơi tối. Phần vì mắt ông kém hơn trước, phần vì ông không thuộc đường phó chi chít dọc ngang như ở đây. Thành ra phải cả đến năm sau ông mới ra khỏi nhà. Hôm ấy ông đi viếng đám ma. Lúc đi ông chở vợ nhưng lúc về ông về một mình. Vợ ông phải ở lại để bớt phần cô quạnh cho tang gia. Lúc về ông chọn con đường để tắt để đi, những tưởng sẽ ngắn hơn, nào ngờ lại gặp rắc rối. Quãng đường ấy vắng người đi lại nhưng sao lại rất nhiều những cô gái thập thò, ẩn hiện sau những gốc cây. Mà ai cũng phấn trát đầy mạt như sắp lên sân khấu biểu diễn. Họ làm gì thế nhỉ? À, hình như họ là gái làm tiền. Phải tiếp cận xem sao! Có vào hang mới bắt được cọp chứ. Muốn có được những tác phẩm để đời như “Làm đĩ”, “Số đỏ”, hẳn không thể lướt qua những chỗ như thế này!
Đang loay hoay chưa biết “nhập cuộc” ra sao thì ông giật mình vì có người vừa nhảy lên yên xe của ông. Ông ngóai lại. Ôi một cô gái. Cô gái lúc đầu còn ôm chặt ngang lưng ông, sau thì đưa hẳn tay nắm chặt lấy bộ hạ của ông trong lúc miệng thúcgiục rối rít:
“Đi không anh? Đi đi!”. Thì ông chẳng đang “đi” là gì ! Phải đến khi cô gái ấy rằng “đi” , rằng “dù” là thế nào ông mới ngộ ra và thẳng thừng tù chối một phần vì sợ, phần nữa vì không có tiền. Biết có năn nỉ nữa cũng không có hiệu quả nên cô gái đành nhảy xuống nhưng cũng còn kịp rút từ túi quần của ông chiếc ví . Rút xong cô ta chạy ra xa, đứng dưới bóng đèn dường, mở ví kiểm tra. Mấy đứa choai choai tưởng vớ được món xộp từ đâu ùa tới định chia phần. Ông chỉ còn cách mếu máo van xin: Làm gì còn tiền ! Có trăm ngàn bạc thì phúng đám ma mất rồi. Cho tôi xin lại cái ví đi. Mất giấy tờ thì khổ tôi lắm.
Đám choai chả biết vì thương ông hay vì thấy không kiếm được gì ở ông bèn ném cái ví đánh vèo xuống dưới chân ông, kèm theo câu chửi đổng: “Mẹ kiếp, trông tướng bậu sang trọng tưởng lắm tiền ”.

Ông gọi cuộc bị gái điếm bóp “bộ hạ” rồi móc ví tiền là “cuộc nhập thế số 1”. Còn cuộc nhập thế 2, thì phải vài năm sau, nhưng là chuyện của ngày hôm nay.
Trưa hôm ấy, đang lúc trời nắng to, ông về nhà vì có người ở xa gửi cho mấy trái xòai nhờ ông đem về cho vợ con. Mọi ngày vào giờ này, ông thường ở lại cơ quan. Lúc đi ngang chỗ nhà chờ xe búyt gần lăng Lê Văn Duyệt ở đường Đinh Tiên Hòang, ông nhìn xéo sang thì thấy có một người phụ nữ khỏang hơn 30 tuổi, tuy da hơn đen nhưng dáng vẻ còn mặn mòi lắm, đang đứng chờ ở đó. Đúng lúc đó không hiểu vì lý do gì quai giỏ xách lại bị đứt làm rớt xuống đường mấy trái xoài. Người phụ nữ đen dòn ấy lập tức chạy ra giúp ông lượm lên. Xong xuôi, ông nói lời cảm ơn. Hình như người phụ nữ này chỉ chờ có thế để năn nỉ ông: “Anh về đâu?” (ái chà, gần 70 rồi mà vẫn còn người gọi bằng anh).
- Tôi về nhà ở quận 12.
- Có đi qua bến xe Miền Đông không anh?
- Không qua! Nhưng cũng giúp cô được một nửa quãng đường!
- Vậy thì tốt quá!.
Cô gái lên xe của ông, áp bộ ngực không lấy gì làm nhỏ lên lưng ông. Đã lâu ông mới có được cảm giác bồi hồi, rừng rực ấy. Cái lần đứa con gái làm điếm bất thình lình nhảy lên ôm eo ông, ông cũng không có được cảm giác này. Tấm thân gần 70 năm của ông rạo rực như có luồng điện chạy qua. Chuyến này về nhà mà viết về nhục dục chắc văn ông không bị khô cạn như hồi ông mô tả đứa con ở bị ông chủ xoa mông nữa đâu. Ông tủm tỉm cười. Ông vui nên đến chỗ rẽ lúc nào không hay. Ông cho cô gái xuống đường. Bỗng ông thấy cô nhăn mặt kêu đói. Đến lúc này ông mới kịp hỏi cô gái ở đâu đến và vì sao bị đói như thế. Cô cho biết tên là Hương, quê ở Quảng Trạch (Quảng Bình) vào Sài Gòn là để sau đó lên Sông Bé (cô gái này vẫn gọi Bình Dương là Sông Bé, chứng tỏ ít tiếp xúc với xã hội, ông nghĩ). Cô lên đó là để đòi món nợ mấy chỉ vàng mà người bà con ở đấy còn thiếu nợ của mẹ cô ngày trước. Còn chuyện cô bị đói từ mấy hôm nay là do không có tiền mua cơm. Ông thấy thương cô quá, hai con mắt cứ cay xè.

Ông tấp xe vào cái quán bên đường gọi một tô phở. Ông không ăn vì lát nữa còn về ăn với vợ. Người nhà hàng hỏi cô muốn ăn phở tái hay phở chín, cô cứ đớ mặt ra, vì chẳng hiểu “tái” với “chín” có nghĩa là gì. Cử chỉ ấy càng làm ông thấy thương hơn và càng cảm thấy cuộc nhập cuộc của mình không hòan tòan vô ích. Ăn xong, ông về, không quên đưa cho Hương mấy ngàn để uống nước.
Hai giờ chiều vẫn theo con đường cũ, ông trở về cơ quan. Đi qua chỗ ngã ba buổi sáng, ông có ý nhìn xem Hương còn đây không thì thấy Hương từ trong quán chạy ra, mệt mỏi nói:
- Em vừa dùng số tiền anh cho lúc nãy để điện về Sông Bé. Bà ấy bảo em cứ chờ ở quầy bán vé bến xe, đúng 6 giờ chiều, con trai bà đi làm về sẽ đem xe đến đón. Vậy bây giờ tính sao hả anh?
- Sao là sao?
- Em không còn tiền đi xe ôm đến bến xe nữa! Hay là đã thương thì thương cho chót, anh chở em đến đó.
Ông không thể từ chối. Hương lại lên xe ngồi sau lưng ông. Bộ ngực đồ sộ ngọ ngoậy sau lưng lại làm ông rạo rực. Đi được một quãng bỗng Hương hỏi: “Có chỗ nào tắm được rồi sau đó ngả lưng được vài tiếng đồng hồ, anh cho em đến đó đi”. Nghĩ đến cơ thể con gái đàn bà mà ba bốn hôm không tắm thì thật là một cực hình, ông đưa cô đến khu nhà trọ cho thuê theo giờ mà có lần đi ngang qua ông thấy nhan nhản những tấm biển mời chào, ở xung quanh bến xe.
Ông thuê cho Hương một phòng với cái giá 40 ngàn đồng một giờ. Người quản gia đòi giấy chứng minh nhân dân. Hương nói không có làm ông phải bỏ giấy của ông ra. Đó cũng là lý do vì sao ông không thể để Hương ở lại để đi ngay được. Nhận từ người quản gia, chiếc chìa khóa kèm theo cái rơ mốt máy lạnh và ti vi, Hương nói với ông:
- Anh lên phòng chờ em tắm xong, chúng mình ngồi nói chuyện với nhau một lúc.
Lúc đầu ông đã định từ chối, sau thấy ngồi ở dưới phòng chờ này thật bất tiện xưa nay chẳng ai làm thế bao giờ, với lại ông cũng đang muốn nhập cuộc mà, ông lại vui vẻ củng Hương lên phòng.

Vào phòng, trong khi ông mặc nguyên bộ quần áo nghiêm trang ngồi xuống cái ghế kê sát giường ngủ thì Hương sau khi âu yếm vuốt đầu ông coi ông như một đứa trẻ, đã mở túi du lịch lấy ra bộ quần áo mới rồi kiễng chân chạy vào toalet giội nước ào ào. Lát sau Hương ra. Ông giật mình khi thấy lúc này không phải là cô Hương đen đúa mệt mỏi nữa mà là một cô gái hồng hào căng tràn sức soáng, trong bộ đồ mỏng khêu gợi. Hương nằm vật xuống giường trong khi ông vẫn ngồi như đóng đinh trên chiếc ghế bên cạnh. “Nói điều gì cầu cạnh trong lúc người ta đang cần đến mình đều bị cho là gạ gẫm, là việc không nên”, ông nghĩ thế, nên vẫn giữ tư thế ngồi im như đang thiền. Bỗng từ phía sau cô xoay người rồi ôm chặt lấy lưng ông, hổn hển:
- Anh! Em là gái quê. Từ khi lớn lên đến giờ chỉ suốt ngày ở ngòai đồng, tối về với bố mẹ. Xóm em ở nhỏ lắm, chỉ cần một người lạ buớc vào nhà là cả xóm biết ngay. Vì thế đến nay ngòai 30 tuổi rồi mà em có biết hơi thở, mùi vị đàn ông là gì đâu. May mà lần này ông trời xui bảy làm sao em được gặp anh. Đừng khinh em!

Ông đẩy Hương ra rồi đứng vụt lên. Ông không thể phản bội vợ ông, phản bội những gì đã thành nếp trong ông từ bé. Hương sợ hãi lồm cồm bò dậy. Rồi cô khóc, khóc nức nở. Nước mắt ướt đẫm cả lưng áo ông khi cô gục đầu vào đấy.
Hai người ra khỏi phòng. Ông móc hết tiền trong túi đưa cho cô được 515 ngàn đồng để cô làm lộ phí đi tiếp. Ông còn nói với Hương, sáng mai, khỏang 9 giờ, nếu xong việc ở Sông Bé, cô lại đến bến xe này, ông sẽ đưa ra ga Hòa Hưng để cô lên tàu về bắc. Ông còn đưa cho cô tấm cạc-vi-dit nói là đề phòng khi hai người không tìm được nhau.

Đúng hẹn, sáng hôm sau ông đến bến xe miền Đông thì đã thấy Hương đứng chờ sẵn ở đó. Mới nhìn ông thóang nhận ra vẻ khác thường trên khuôn mặt vốn hiền từ của cô nhưng ông không tiện hỏi. Đi được một quãng bỗng cô nói như ra lệnh:
- Ra ga anh phải mua vé cho em về Bắc đấy!
Ông ngỡ ngàng nhưng cũng nhận ra sự thật nên đành thú nhận:
- Cô biết đấy, tôi làm gì còn tiền. Hôm qua có bao nhiêu tôi cho hết cô cả rồi.
- Không có tiền thì đi vay! Sáng nay không nghe lời ông dụ dỗ, chờ đến chiều cho người nhà chở từ Sông Bé ra ga thì tôi đâu bị giật túi xách, mất hết cả tiền ông cho lẫn vàng người ta trả nợ như thế này. Tôi bắt đền ông!
- A, cô này hỗn nhỉ? Định làm tiền tôi phải không? Được rồi để tôi đưa cô vào đồn công an xem ai đúng ai sai!
Ông xuống xe, hù dọa. Cô gái mặt câng câng thách thức:
- Thì ông cứ việc! Đến đâu tôi cũng chả sợ. Tôi chỉ cần nói thế này, thử hỏi người ta tin ông hay tin tôi. Tôi bảo chiều qua, ông dẫn tôi thuê phòng ngủ với tôi nhưng chưa trả tiền. Ông nên nhớ nhà trọ người ta còn ghi tên ông và số giấy chứng minh vào sổ đó nghe!
Mấy người hiếu kỳ tò mò đứng xúm lại bên ông và cô gái. Ông sợ quá. Ông vốn hay sợ mà! Thôi đưa quách tiền cho nó xong đi. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Nhưng chết nỗi lúc này túi ông không có tiền. Thế là ông chỉ biết dắt xe vào tiệm cầm đồ gần đó “cắm” chiếc điện thọai di động lấy 1 triệu đồng, đưa cho Hương:
Cầm lấy, cút đi, quân lừa đảo! Vĩnh biệt!

*
Nhưng nào có vĩnh biệt được.
Sáng hôm sau ông đến cơ quan trong tâm trạng chưa hết bàng hòang . Không ngờ ông lại phải gặp lại Hương khi cô đang chờ sẵn ông ở cổng. Ông định trốn mặt thì bị Hương nhìn thấy, chạy lại đón đầu. Sững sờ một lát rồi Hương nói gần như khóc:
- Em đến đã trả anh số tiền anh cho. Em không cần đến nữa. Chiều qua lúc em ra đến ga thì người nhà từ Sông Bé chạy đến báo tin cái túi du lịch bị cướp giật dọc đường ấy, công an vừa tìm thấy. Chiểu theo giấy tờ trong đó họ trả lại cho người nhà của em. Rất may tiền anh cho hôm trước vẫn còn nguyên vẹn, đủ cho em đi về. Cả mấy chỉ vàng người ta trả cho mẹ em cũng vẫn còn nguyên.
Ông nhất định không chịu nhận lại số tiền Hương đưa lại. Những tưởng sau đó lòng ông yên . Nhưng không, ông không thể nào yên được khi ông chưa xác định được cô gái tên Hương kia là người thế nào? Là quân lưu manh hay người tử tế? Màn kịch kia do cô dựng nên hay sự thực là như thế. Ôi nhập thế, nhập cuộc. Cứ tưởng “nhập” là “vào” mà nào nó có vào cho đâu. Thật chẳng đơn giản chút nào. Phải làm gì nữa nhỉ?

Xin mạn phép nhận xét:
Nhà văn Ng Khoa Đăng viết sự thật, có gì đó như là ngụ ngôn thờì hiện đại ! Thời của thật, giả lẫn lộn, người ta toàn nói thật thì lại tưởng người ta giả rối, lừa đảo ! Chắc rằng gặp người lừa đảo chuyên nghiệp, nói giả lại tưởng nói thật ! Thời nay,tháng 09/ 2009, có vô vàn kẻ lừa đảo chuyên nghiệp đã thành nghề và đang học nghề và sẽ ra nghề nay mai !

1 nhận xét:

  1. Thời của chúng ta, thời của thật, giả lẫn lộn !
    Đối với hàng hoá, đôi khi chúng ta cũng bị mua phải hàng giả, vậy muốn biết có phải là hàng giả hay không, ta phải so sánh với hàng thật !
    Đối với con người thì thưa bạn : Sông sâu còn có người dò, lòng người nham hiểm ai đo cho tường !
    Người ngay thật, tính tình đôi khi nóng nảy nhưng không có nhiều mưu sâu hiểm độc bởi vì họ biết rằng: Mưu sâu thì hoạ càng sâu ! Người ngay thật thường chịu thương, chịu khó, vất vả mấy cũng không hề nản chí ! Người ngay thật thường đổ rất nhiều mồ hôi và nước mắt cho sự nghiệp, cho sự sống, cho sự giúp đỡ mọi người, của mình, mà không hề kể công ! không màng Danh Lợi ! Người sẵn lòng giúp bạn ( Bố, mẹ, vợ, con, anh, em....)
    Kẻ giả dối ăn nói ngọt ngào, dễ nghe, hay dựa vào hiểu biết, không phải để giúp mà là để lừa mọi người dân vô tội ! Tham quyền, tham danh, không phải để mang lại cơm no, áo ấm cho dân lành, mà để bóc lột họ ! Họ thường giầu có hơn người thường rất nhiều lần ! Họ ác lắm ( Vi phú bất nhân, vi nhân bất phú ! )
    Mạn phép, có đôi lời lạm bình, xin cảm ơn bạn đã đưa ra câu hỏi ! ( Trân trọng )

    Trả lờiXóa