Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

TRỞ THANH TỶ PHÚ

Anh Trần Văn Dương Con đường trở thành tỷ phú của một người từng đi tù 10.07.2013 | 08:08 Khi còn là một nam sinh của trường huyện, Trần Văn Dương (SN 1965) trú tại xã Đức Long, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) luôn được thầy cô, bạn bè quý mến vì hiền lành và học giỏi. Tuy nhiên, khi học kỳ hai lớp 11 chưa khép lại, mọi người sửng sốt khi nghe tin Dương bị bắt vì tham gia một vụ cướp cùng ba học sinh khác. Cái giá mà Dương phải trả giá là 7 năm tù giam. Ra tù, vượt qua mặc cảm, Trần Văn Dương đã không ngừng phấn đấu và trở thành ông chủ một trang trại rộng lớn, mang lại tiền tỷ cho gia đình. Vụ cướp từ 20 năm trước... Năm 1983, chàng trai Trần Văn Dương khi đó đang là nam sinh lớp 11 của trường THPT Đức Thọ (Hà Tĩnh). Cũng như bao học trò khác, Dương luôn cố gắng học hành thật giỏi để làm vui lòng cha mẹ và nung nấu ước mơ trở thành một người có ích cho xã hội. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng với nỗ lực của bản thân, Dương luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, được thầy yêu, bạn mến. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời gian mang tính bước ngoặt của cuộc đời cậu học trò nghèo. Do còn quá trẻ, lại bị bạn bè xấu rủ rê nên Trần Văn Dương đã cùng với 3 người bạn khác tổ chức cướp của tại xã Đức Lạc (Đức Thọ) và bị công an bắt. Giấc mơ đèn sách tan vỡ và cũng từ đây Dương bước vào cuộc sống tù tội. Anh Dương tại buổi phát biểu kinh nghiệm về phương thức làm kinh tế của mình. Tưởng chừng như tất cả đã sụp đổ đối với Trần Văn Dương khi phải đối diện với bản án 7 năm tù giam. Quãng thời gian ngồi bóc lịch ở trong tù giúp Dương có cơ hội suy nghĩ thấu đáo về mọi chuyện. Hình ảnh bố mẹ già còm cõi nuôi con ăn học đã khiến ước mơ làm giàu lại thôi thúc trong anh. Từ đây, phạm nhân Trần Văn Dương bắt đầu lao động chăm chỉ, chấp hành tốt mọi nội quy. Bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi của mình, phạm nhân trẻ tuổi này được xét đặc xá ra tù trước thời hạn 2 năm. Ra tù, Dương trở về quê nhà với tâm lý nặng nề bởi mặc cảm của người mang tội lỗi. "Thời gian mới về, tôi cứ ở trong nhà với bố mẹ suốt ngày, không làm gì và cũng không muốn tiếp xúc với bạn bè và bà con lối xóm. Nhưng cứ như thế mãi cũng chán nên tôi nghĩ cần phải đi đâu đó và cố gắng học hỏi lấy một cái nghề để kiếm kế sinh nhai", Dương tâm sự. Nghĩ là làm, năm 1988, để xóa bỏ mặc cảm, muốn quên đi quá khứ buồn Dương xin bố mẹ vào Nam để lập nghiệp. Ban đầu anh vào làm thuê tại một trang trại sản xuất rau cho một ông chủ ở Lâm Đồng. Khi có chút vốn liếng anh tự mua đất và bắt đầu kinh doanh mặt hàng rau sạch. Mất hàng năm trời, cùng với những thất bại, Dương đã có thành công ban đầu khi rau sản xuất tới đâu được tiêu thụ hết tới đó. Thời gian làm công việc kinh doanh rau cũng là lúc chàng trai có quá khứ lầm lỡ quyết tâm học hỏi thêm các mô hình chăn nuôi gia súc. Với suy nghĩ chỉ có làm kinh doanh mới có thể làm cho cuộc đời khá lên được, nên Trần Văn Dương đã nỗ lực học hỏi không ngừng với mong muốn khi trở về quê hương mọi người sẽ nhìn anh bằng ánh mắt khác. Năm 1992, không quản đường sá xa xôi, chi phí đi lại tốn kém, Dương quyết định ra Nam Định để làm thuê rồi học hỏi cách thức và mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm. Sau 4 năm tích góp, thu nhập từ nghề trồng rau nuôi lợn, Dương đã có được số vốn hơn 20 triệu đồng. Trong thời gian này, Dương có quen với chị Nguyễn Thị Tuyết (quê Bình Định - PV), cũng là người lên Lâm Đồng làm mướn. Hai người gặp nhau, chia sẻ niềm vui nỗi buồn và không lâu sau thì trở thành vợ chồng. Khi có được chút vốn liếng và nhất là gia đình bắt đầu ổn định, anh Dương quyết định hồi hương với khát khao sẽ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình. "Trước đây tôi là người có tội, trong tôi hai chữ mặc cảm không bao giờ nguôi ngoai. Tôi muốn làm một điều gì đó để cho mọi người thấy được quá khứ của tôi chỉ là một tai nạn. Đặc biệt, sau này khi con cái lớn lên chúng thấy hoàn cảnh của bố mà noi gương", anh Dương ngậm ngùi nói. Anh Trần Văn Dương. ...Và ông chủ trang trại tiền tỷ Năm 1998, Trần Văn Dương trở lại quê hương sau nhiều năm xa cách, với ý chí làm giàu để chứng minh mình vẫn còn nhiều giá trị với cuộc đời. Có được đồng vốn, hai vợ chồng Dương đầu tư mua máy xay xát lúa, vừa phục vụ cho bà con trong xóm, vừa để chế biến nguyên liệu phục vụ chăn nuôi lợn. Lúc bấy giờ, trong tay anh mới có khoảng chục con lợn để tận dụng cám từ máy xay xát. Tuy nhiên, do còn thiếu kinh nghiệm trong chăn nuôi, nên kinh doanh rất thất thường. Anh Dương cho biết: "Nghề chăn nuôi lợn có thể mang lại lợi nhuận cao, nhưng để có thu nhập lớn cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, phải mở rộng mô hình kinh doanh". Năm 2003, anh Dương mạnh dạn vay ngân hàng, thậm chí vay nóng để mua 100 con lợn giống về nuôi. Lúc này do có được kinh nghiệm trong việc ngăn ngừa và phòng dịch bệnh nên chỉ sau 4 tháng vợ chồng anh đã lấy lại được vốn, thanh toán hết các khoản nợ. Do chăn nuôi trong vườn nhỏ hẹp, ồn ào và ô nhiễm đến hàng xóm, anh Dương có ý tưởng dời đàn lợn xa khu dân cư, mở rộng quy mô chăn nuôi thành trang trại. Giữa lúc đang ấp ủ ý tưởng xây dựng mô hình chăn nuôi trang trại, chính quyền xã Đức Long lại đang có cuộc vận động xây dựng mô hình sản xuất trang trại xa khu dân cư nên đã đồng ý cấp cho gia đình Dương 2ha đất hoang hóa chuyển đổi mục đích sử dụng thành trang trại nuôi lợn, kết hợp với phát triển thủy sản. Sau nhiều năm miệt mài, không quản ngại khó khăn, gian khổ, trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt đã mang lại cho anh Trần Văn Dương nguồn thu nhập cao và ổn định. Tổng thu nhập của gia đình anh Dương sau khi trừ tất cả các chi phí hằng năm mang lại nguồn lợi trên 200 triệu đồng. Không những làm tốt công việc kinh doanh của mình, vợ chồng anh còn nhiệt tình giúp đỡ, tư vấn cho nhiều hộ dân đang có ý định làm mô hình kinh doanh giống mình. Hiện tại, nhìn trang trại rộng lớn và quy mô của anh Dương, không ai nghĩ rằng đó là cơ ngơi của một người từng phải chịu bản án 7 năm tù giam. Quả ngọt sau trái đắng Hơn một năm trời dày công khai khẩn, cùng với các khoản đầu tư lớn, như xây dựng cơ sở hạ tầng, làm mới hệ thống ao chuồng, hệ thống xử lý bioga, vợ chồng Trần Văn Dương đã biến vùng đất hoang hóa thành trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Sau khi đầu tư xong cơ sở hạ tầng để kết hợp mô hình V.A.C, chăn nuôi vẫn là ngành chủ đạo của vợ chồng Dương. Tính đến thời điểm năm 2006, Dương đã có 4 ao cá, với sản lượng hàng năm ước tính lên tới hàng chục tấn. Ngoài ra anh còn phát triển đàn bò để tận dụng mặt bằng chăn nuôi và tăng thêm nguồn thu nhập cho trang trại. Năm 2008, vợ chồng anh Dương lại vay mượn thêm 100 triệu đồng để tăng số lượng gia súc trong trang trại. Tấm gương hoàn lương Ông Hoàng Kim Đồng, phó chủ tịch UBND xã Đức Long cho biết: "Anh Trần Văn Dương là người có hoàn cảnh và quá khứ khá đặc biệt. Sau lỗi lầm đáng quên từ thời còn học phổ thông, bằng những nỗ lực phi thường, anh đã hoàn lương và trở thành tấm gương sáng, điển hình nhất xã, luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Do được nhân dân tin tưởng, hiện nay, anh Dương được bầu làm xóm phó và là đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã 2 khóa liên tục. Với những thành tích tuyệt vời của mình, vừa qua anh Dương còn được huyện chọn đi báo cáo về tấm gương điển hình sản xuất nông thôn cấp tỉnh". Một người dân trong xã Đức Long phấn khởi cho biết: "Mặc dù có quá khứ lỗi lầm vì thiếu hiểu biết, nhưng với quyết tâm làm giàu chân chính trên quê hương mình, anh Dương đã biết đứng dậy, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để có được thành công như ngày hôm nay. Đặc biệt, anh ấy không chỉ làm giàu cho riêng mình mà còn nhiệt tình giúp đỡ nhân dân trong xã nên mọi người ai cũng tin yêu và lấy đó làm tấm gương để học tập".

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013