Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Teo dần quyền con người trong Hiến pháp Hoàng Xuân Phú Trong thời gian qua, nhiều người mong muốn sửa đổi Hiến pháp 1992, để bỏ hoặc thay đổi một số quy định, ví dụ như quy định về quyền lãnh đạo (được hiểu là đương nhiên) của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đối với Nhà nước và xã hội (Điều 4), và quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước quản lý (Điều 17–18). Tôi không chia sẻ kỳ vọng đó, bởi không tin rằng giới lãnh đạo hiện nay có thể sớm chấp nhận thay đổi những điều mà họ khẳng định là bất di, bất dịch. Ngược lại, tôi thuộc số những người lo rằng việc sửa đổi Hiến pháp có thể bị lợi dụng để hạn chế hơn nữa quyền con người. Và bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã cho thấy nỗi lo đó không phải là vô cớ. Thậm chí, không ngờ họ lại có thể đi xa như vậy… Trong Hiến pháp 1992, thuật ngữ "quyền con người" chỉ được nhắc một lần, tại "Điều 50: Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật." Tức là "quyền con người" được đồng nghĩa với "quyền công dân". Vậy thì những người đang tạm thời bị tước "quyền công dân" sẽ không còn được hưởng "quyền con người". Hơn nữa, sau khi định nghĩa "Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam" (Điều 49), thì "quyền con người" sẽ không còn được áp dụng cho những người đang tồn tại trên đất Việt Nam, nhưng không hoặc chưa "có quốc tịch Việt Nam". Điều này cho thấy cách hiểu về "quyền con người" trong Hiến pháp 1992 phiến diện như thế nào. Một thay đổi dễ nhận thấy trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là "quyền con người" được tách ra, được nhắc tới 8 lần, luôn đi cạnh và được đặt trước "quyền công dân". Ở chế độ mà giới lãnh đạo vốn rất khó chịu khi nghe nhắc đến "nhân quyền" (tức là "quyền con người"), thì đây là một bước tiến, muộn mằn nhưng có vẫn hơn không. Một thay đổi nữa, là "quyền công dân" cùng "quyền con người" được đưa từ Chương V (trong Hiến pháp 1992) lên Chương II (trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp). Ở Cộng hòa Liên bang Đức, "quyền con người" được đặt lên vị trí hàng đầu, trong Chương I của Hiến pháp. Ở CHXHCN Việt Nam thì Chương I của Hiến pháp được dành cho "Chế độ chính trị". "Chính trị" là một cái gì đó rất thiêng liêng, mà cũng rất bí hiểm, và càng bí hiểm thì càng… hữu dụng. Khi muốn đùn đẩy công việc, thì tuyên bố: "Cần có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị." Khi muốn làm liều, thì khẳng định: "Với quyết tâm chính trị, chắc chắn sẽ làm được." Còn khi muốn lẩn tránh trách nhiệm của bản thân, thì chỉ cần tỏ chút áy náy và "nhận trách nhiệm chính trị". Hai thay đổi kể trên là theo hướng tiến bộ, đáng được ghi nhận. Song như vậy thì mới thể hiện rằng quyền con người đã được chú ý hơn. Mà chỉ chú ý thì chưa đủ và cũng chưa chắc đã tốt. Chẳng hạn, nếu bạn được công an chú ý, thì điều đó không hẳn là dấu hiệu hay. Để đánh giá chính xác các thay đổi về quyền con người và quyền công dân, thì phải xem xét các quy định cụ thể. Bài này không nhằm mục đích đánh giá đầy đủ và toàn diện về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, mà chỉ điểm qua một số ví dụ đáng lưu ý về sự thay đổi tiêu cực hay có thể là tiêu cực, liên quan tới quyền con người và quyền công dân. Hy vọng rằng những nhận xét dưới đây sẽ có ích cho những người đang muốn tham gia góp ý kiến cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Quyền hư quyền ảo Trong "Chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân" của dự thảo sửa đổi Hiến pháp, xuất hiện một quyền mới (so với Hiến pháp 1992) là: "Điều 21: Mọi người có quyền sống." Nghĩ một cách dân dã, thì thấy điều này có vẻ ngồ ngộ. "Quyền sống" còn hiển nhiên hơn cả "quyền ăn ngủ", bởi muốn "ăn ngủ" thì tất nhiên phải "sống". Vậy mà nếu hiến định rằng "Mọi người có quyền ăn ngủ" thì ai nấy đã thấy ngây ngô. Thực ra, câu "Mọi người có quyền sống" cũng xuất hiện trong Hiến pháp của một số nước, chẳng hạn tại Điều 2 của Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức (Jeder hat das Recht auf Leben). Điều đó chứa đựng một nội dung rất quan trọng, mà hệ quả trực tiếp của nó là: Không thể có án tử hình, vì tử hình một người là xâm phạm "quyền sống" của người đó. Chấp nhận án tử hình hay không là một vấn đề nan giải, vẫn còn đang được tranh luận ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều nước vẫn duy trì án tử hình, như Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Liệu có thật là nhà cầm quyền Việt Nam muốn hủy bỏ án tử hình hay không? Nếu đúng là họ muốn hủy bỏ án tử hình, thì đây là một thay đổi rất quan trọng. Còn ngược lại, nếu họ vẫn định tiếp tục duy trì án tử hình, thì Điều 21 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp vừa thừa, vừa giả dối, và chỉ chất to thêm đống quyền hữu danh vô thực trong Hiến pháp mà thôi. Một quyền mới khác trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp là: "Điều 35: Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội." Điều này được sửa đổi từ Điều 67 của Hiến pháp 1992, quy định rằng: "Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thương binh được tạo điều kiện phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và có đời sống ổn định." "Những người và gia đình có công với nước được khen thưởng, chăm sóc." "Người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa được Nhà nước và xã hội giúp đỡ." Nghĩa là: - Chỉ đề cập đến một số đối tượng đặc biệt, đó là thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người và gia đình có công với nước, người già, người tàn tật và trẻ mồ côi; - Chỉ hứa hẹn một cách chung chung, là "được hưởng các chính sách ưu đãi", "được tạo điều kiện", "được khen thưởng, chăm sóc", "được Nhà nước và xã hội giúp đỡ"; - Chỉ đề cập đến mấy nội dung cụ thể, là "phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và có đời sống ổn định", và những thứ đó chỉ dành riêng cho đối tượng thương binh. Điều 35 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã đưa ra những bước đại nhảy vọt so với Điều 67 của Hiến pháp 1992, đó là: - Áp dụng cho mọi công dân; - Không chỉ là hứa hẹn chung chung, mà nâng lên thành "quyền được bảo đảm"; - Nội dung "được bảo đảm" không chỉ dừng lại ở mấy nội dung cụ thể, mà bao trùm lên toàn bộ "an sinh xã hội". Đây là một ý tưởng cách mạng vĩ đại, nếu họ thực tâm muốn triển khai. Tiếc rằng, nếu thực tâm thì ngây ngô, và nếu không ngây ngô thì không thể thực tâm. "Quyền được bảo đảm an sinh xã hội" là một thứ quyền vu vơ và hoàn toàn không khả thi. Thời gian qua, mới chỉ tập trung cho một số đối tượng rất chọn lọc và chỉ dừng lại ở mấy chế độ phúc lợi rất khiêm tốn, thế mà còn chưa làm tốt nổi. Vậy thì sao có thể "bảo đảm an sinh xã hội" cho mọi công dân? Lưu ý rằng chế độ "an sinh xã hội" bao gồm cả chăm sóc về y tế, trợ cấp ốm đau, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp tuổi già, trợ cấp trong trường hợp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, trợ cấp gia đình, trợ cấp thai sản, trợ cấp tàn tật, trợ cấp tiền tuất. Lấy đâu ra tiền của để thực hiện "ý tưởng cách mạng vĩ đại" ấy? "Công dân có quyền được bảo đảm", nhưng ai, cơ quan hay tổ chức nào phải đứng ra "bảo đảm"? Phải chăng cuối cùng họ sẽ phán rằng Dân phải "tự bảo đảm"? Trong thời buổi tham nhũng hoành hành từ trên xuống dưới, thì những chính sách viển vông không chỉ vô ích, mà còn rất tai hại, vì giới cầm quyền sẽ "mượn gió bẻ măng". Điều này đang diễn ra dưới nhiều danh nghĩa, ví dụ như việc xây nhà ở xịn để bán cho người nghèo ở giữa đô thị đắt đỏ. Khi đã đẻ ra một chính sách phúc lợi xã hội nào đó thì họ có cớ để vung tiền từ ngân sách, tức là tiền của Dân. Tất nhiên là không đủ để "ngập tràn thiên hạ". Lúc đó, "nước có quyền chảy vào chỗ trũng", nghĩa là ưu tiên cho "người thân" (theo nghĩa rộng, bao gồm cả những người quen thân vì tiền), và cũng không quên phần mình. Đối với các quan tham, "từ thiện" không còn là mục tiêu hành động, mà là phương tiện để vơ vét cho bản thân. Hơn nữa, khi số tiền của ít ỏi có thể dành cho phúc lợi xã hội bị vung vãi trên diện quá rộng, thì nảy sinh nguy cơ là nhiều người lẽ ra vẫn được hưởng trợ giúp sẽ không còn được hưởng nữa. Hai ví dụ kể trên cho thấy rằng: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có thể đem lại cho người dân một số quyền mới nào đó, nhưng có khi lại là những quyền hư ảo, trong khi những quyền bị cắt giảm thì lại rất thật, như sẽ trình bày trong phần tiếp theo. Điều đáng buồn là: Xu hướng giả dối vẫn được tiếp tục duy trì và phát triển trong việc xây dựng Hiến pháp. Quyền thoi quyền thóp Trong Điều 71 của Hiến pháp 1992 có quy định rằng: "Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật." (Điều 71, Đoạn 2) Điều 71 được sửa thành Điều 22 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhưng toàn bộ quy định được trích ở trên (nhằm hạn chế việc bắt người tùy tiện và yêu cầu "bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật") đã bị xóa. Trong thời gian qua, Hiến pháp đã quy định rõ ràng như vậy mà công an vẫn bắt người và giam giữ rất tùy tiện. Rồi đây, khi quy định ấy đã bị gạch khỏi Hiến pháp, thì số phận người dân sẽ ra sao? Trong Điều 74 của Hiến pháp 1992 có quy định rằng: "Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan Nhà nước xem xét và giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định." (Điều 74, Đoạn 2) Điều 74 được sửa thành Điều 31 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhưng quy định vừa được trích (nhằm ràng buộc về thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo) không còn nữa. Vốn dĩ, khiếu nại và tố cáo của công dân hay bị ngâm tôm bất tận. Đến đại công thần của chế độ gửi kiến nghị cũng chẳng được hồi âm. Vậy thì sau này, khi ràng buộc về thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo bị xóa khỏi Hiến pháp, Dân sẽ phải chờ đợi bao lâu? Đoạn thứ nhất trong Điều 72 của Hiến pháp 1992 viết rằng: "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật." Khi điều khoản trên hóa thân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp, 5 chữ "và phải chịu hình phạt" bị loại bỏ. Thành thử chỉ còn sót lại như sau: "Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật." (Điều 32, Khoản 1) Hệ quả kéo theo là: "Khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật" thì "không ai bị coi là có tội", song vẫn có thể "phải chịu hình phạt". Ở các nước văn minh thì hiển nhiên không ai "phải chịu hình phạt" khi chưa "bị coi là có tội". Nhưng ở xứ sở bất an, nơi khi được công an "mời vào" đồn thì vẫn còn mạnh khỏe, mà lúc "tiễn ra" có thể đã liêu xiêu, thậm chí có trường hợp trở thành xác không hồn, thì việc triệt tiêu 5 chữ "và phải chịu hình phạt" sẽ giúp cho công an nhân dân thêm vô tư "luyện võ" với Nhân dân. Đoạn thứ hai trong Điều 72 của Hiến pháp 1992 viết rằng: "Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh." Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, quy định này được sửa thành: "Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật." (Điều 32, Khoản 4) Nghĩa là: Từ "giam giữ" được thay bằng "tạm giữ, tạm giam". Hậu quả là: Khi đã kết án tù giam và chuyển từ trạng thái "tạm giữ, tạm giam" sang hình thức "giam giữ" để chấp hành án, thì người tù không còn được bảo vệ và người coi tù làm trái pháp luật không còn bị xử lý theo quy định của điều khoản sửa đổi. Ba nội dung bị loại bỏ được đề cập ở trên đều có chung một "tội" là: Chúng hay để Dân níu bám, nhằm tố cáo chính quyền vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Có lẽ vì vậy nên phải "kết liễu" chúng, đẩy chúng ra khỏi Hiến pháp, để… giữ gìn uy tín cho chính quyền. Ngoài ra, hai quy định sau đây cũng đã bị loại bỏ khỏi dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Điều 64 về hôn nhân và gia đình trong Hiến pháp 1992 được sửa thành Điều 39 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhưng lại bỏ đi đoạn quy định về trách nhiệm nuôi dạy con của cha mẹ và trách nhiệm chăm sóc ông bà, cha mẹ của con cháu. Điều đó cũng có nghĩa là bỏ đi quyền của con cái được cha mẹ nuôi dạy và quyền của ông bà, cha mẹ được con cháu chăm sóc. Điều 59 của Hiến pháp 1992 được sửa thành Điều 42 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhưng bỏ đi quy định: "Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí." Và nó được thay bằng một quy định chung chung trong Điều 66: "Nhà nước… quy định phổ cập giáo dục; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý…" Vậy là, theo dự thảo sửa đổi Hiến pháp, bậc tiểu học không còn hiển nhiên được miễn học phí. Quyền treo trên lửa Loài người từ khi sinh ra đã tồn tại và phát triển nhờ biết lợi dụng. Ban đầu thì sống nhờ săn bắt và hái lượm, tức là lợi dụng rừng và biển. Rồi tiến hành trồng cấy, tức là lợi dụng đất đai và ánh sáng mặt trời. Từ vận chuyển hàng hóa trên sông đến ngăn đập tạo ra thủy điện đều là lợi dụng sức nước. Từ căng buồm ra khơi đến tạo ra phong điện đều là lợi dụng sức gió… Đảng Cộng sản Đông Dương đã lợi dụng thời cơ, khi phát xít Nhật bị quân đồng minh đánh bại và chính quyền thuộc địa Pháp chưa kịp hồi sinh, để cướp chính quyền. Trong những năm tháng hoạt động bí mật, đảng đã lợi dụng sự cưu mang, giúp đỡ và che chở của những người giàu có, để rồi khi chiếm được chính quyền lại đem bao ân nhân ra đấu tố… trong cải cách ruộng đất. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đảng Lao động Việt Nam cũng đã lợi dụng tính mạng và của cải của Nhân dân cùng với sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để giành thắng lợi. "Lợi dụng" thuộc vào bản năng sống và hành động của con người. Vậy thì việc "lợi dụng" có gì sai? Lợi dụng điều kiện thuận lợi không thể bị coi là xấu, mà không lợi dụng điều kiện thuận lợi cũng chẳng phải là điều đáng để ngợi ca. Trong các nhà nước pháp quyền, hoạt động của toàn xã hội được điều tiết bằng pháp luật. Xã hội càng văn minh, càng đa dạng thì hệ thống pháp luật càng cồng kềnh và phức tạp. Dù cố gắng đến đâu đi nữa, thì vẫn luôn tồn tại những kẽ hở pháp lý và những quy định chồng chéo. Khi có kẽ hở thì công dân có quyền lách qua mà không hề vi phạm pháp luật. Khi tồn tại nhiều điều khoản chồng chéo, với những quy định khác nhau có thể áp dụng cho cùng một vụ việc, thì đương sự có quyền áp dụng điều khoản có lợi nhất cho mình. Vì vậy, ở một số nước phát triển cao vẫn công khai bày bán những cuốn sách về các mẹo tính thuế để giảm thuế. Những hành động như vậy không phải là tội lỗi, mà hoàn toàn hợp pháp. Ấy vậy mà ở CHXHCN Việt Nam lại có một loại tội gọi là "tội lợi dụng…". Kỳ khôi nhất là "tội lợi dụng sơ hở của pháp luật…". Nếu cần xử lý, thì trước hết phải xử lý những người đã tiêu tốn tiền của Dân mà tạo ra sơ hở pháp luật, chứ sao lại dồn hết trách nhiệm lên đầu những người lợi dụng sơ hở đó? Kiểu quy tội này cũng "hợp lý" như việc quan phụ mẫu mặc quần thủng… lên công đường, rồi lại phạt dân đen vì tội nhìn vào chỗ thủng. Hiến pháp 1992 có hai điều khoản "cấm lợi dụng": "Không ai được… lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước." (Điều 70, Đoạn 3) "Nghiêm cấm việc… lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác." (Điều 74, Đoạn 4) Điều gì đáng nói ở đây? Như đã phân tích ở trên, riêng hành động "lợi dụng" thì không thể coi là tội, và vì vậy không thể cấm. Để mô tả những thứ cần cấm và có thể cấm trong hai điều khoản kể trên, thì chỉ cần viết gọn lại như sau là đã quá đủ: "Không ai được… làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước." "Nghiêm cấm việc… vu khống, vu cáo làm hại người khác." Nghĩa là bỏ đi hai đoạn "lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo" và "lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo". Khi vi phạm các điều cấm vừa viết, thì dù "lợi dụng…" hay không cũng chẳng làm cho tội nặng lên hay nhẹ đi. Tức là, xét về mặt lô-gíc thuần túy thì các đoạn "lợi dụng…" là hoàn toàn thừa. Vậy thì, tại sao nhà cầm quyền vẫn cố tình cài thêm các đoạn "lợi dụng…" vào các điều khoản ấy? Phải chăng, đó là thủ đoạn pháp lý, nhằm hạn chế và cản trở những quyền con người và quyền công dân được gán sau từ "lợi dụng"? Chắc hẳn, mục tiêu mà họ nhắm tới là ngăn cản việc thực thi các quyền đó, chứ không phải những cái gọi là vi phạm, mà họ bám vào để kết tội. Từ "lợi dụng" bị lạm dụng để bắc cầu, nhằm kết nối các quyền con người với các tội, để kiếm cớ phủ định các quyền chính đáng, rồi trấn áp và trừng trị những người thực thi các quyền đó. Ví dụ: Nếu ai đó thực thi "quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo" (được quy định tại đoạn thứ nhất trong Điều 70 của Hiến pháp 1992), mà nhà cầm quyền không ưng, thì họ sẽ gán cho cái nhãn "làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước". Rồi dùng từ "lợi dụng" để bắc cầu "tín ngưỡng, tôn giáo" với cái vi phạm được ngụy tạo đó. Kết quả thu được là tội "lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước". Vậy là có thể vận dụng đoạn thứ ba trong Điều 70 của Hiến pháp 1992 và hệ quả của nó trong Bộ luật Hình sự (Điều 258) để trừng trị. Điều 70 và Điều 74 của Hiến pháp 1992 được sửa đổi thành Điều 25 và Điều 31 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trong đó vẫn duy trì hai khoản "cấm lợi dụng": "Không ai được… lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật." (Điều 25, Khoản 3) "Nghiêm cấm việc… lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác." (Điều 31, Khoản 3) Đi xa hơn nữa, họ còn đưa thêm một điều khoản "cấm lợi dụng" hoàn toàn mới vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp: "Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác." (Điều 16, Khoản 2) Với bảo bối vạn năng này, tất cả các quyền con người và quyền công dân đều có thể bị cản trở. Cái nhãn "xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác" thì quá bao la và có thể dễ dàng ngụy tạo. Trên thực tế, họ cũng chẳng cần phải mất công tìm kiếm hay bày đặt chứng cớ, mà chỉ cần nhắm mắt đưa ra kết luận mang tính quy chụp. Những ai đã từng trực tiếp chứng kiến các cuộc biểu tình yêu nước, phản đối hành động gây hấn của "bạn 16 chữ vàng", diễn ra tại Hà Nội vào hai mùa hè 2011 và 2012, thì đều có thể nhận thấy rằng: Những người tham gia biểu tình rất ôn hòa và luôn chú ý giữ gìn trật tự công cộng, để công an không có cớ trấn áp. Nếu có hỗn loạn thì lại do chính những người mang danh lực lượng giữ gìn an ninh và trật tự cố ý gây ra. Thế nhưng, nhà cầm quyền vẫn vu cho những người biểu tình tội gây rối trật tự công cộng để đàn áp. Đó là một trong những thủ đoạn đã được áp dụng trên thực tế để cản trở và trấn áp công dân thực thi quyền tự do biểu tình. Chưa hài lòng với cái lưới tà ma bao trùm kể trên, họ còn bổ sung một điều khoản "cấm lợi dụng" sau đây vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp: "Nghiêm cấm hành vi lợi dụng hoạt động văn hóa, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, truyền bá tư tưởng, xuất bản phẩm và các hình thức khác có nội dung phản động, đồi trụy, mê tín, dị đoan." (Điều 64, Khoản 4) Với quy định này, nhà cầm quyền có thêm phương tiện pháp lý để cản trở quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí… Thủ đoạn lợi dụng… từ "lợi dụng" để biến những hoạt động chính đáng và hợp pháp của công dân thành tội lỗi là như vậy. Quyền nằm dưới dao Hiến pháp 1992 có một điều rất đặc biệt, đó là: "Điều 69: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật." Đặc biệt ở chỗ nào? Nó quy định 6 quyền cơ bản của công dân, nhưng… trên thực tế thì tất cả 6 quyền ấy đều bị nhà cầm quyền cản trở. Ví dụ điển hình là quyền biểu tình. Với ràng buộc "theo quy định của pháp luật", nhà cầm quyền có thể thông qua Quốc hội để ban hành luật, nhằm hạn chế quyền biểu tình trong một khuôn khổ nào đó. Nhưng hàng chục năm trôi qua, vẫn không xuất hiện một luật nào liên quan đến biểu tình. Nhiều người, kể cả giới cầm quyền, nhầm tưởng rằng: Khi chưa có luật về biểu tình thì công dân chưa được phép biểu tình. Nhưng bài "Quyền biểu tình của công dân" đã chỉ ra rằng: Theo Hiến pháp hiện hành thì công dân luôn luôn có quyền biểu tình. Nếu đã có luật về biểu tình thì công dân phải tuân theo ràng buộc của luật đó. Khi chưa có luật về biểu tình thì công dân càng có quyền biểu tình, và quyền ấy không bị hạn chế bởi pháp luật, tức là càng tự do. Điều 4 của Hiến pháp 1992 quy định rằng: "Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật." Căn cứ vào điều khoản này thì có thể nói rằng: Việc công dân biểu tình khi chưa có luật về biểu tình còn chính đáng và hợp pháp hơn so với việc ĐCSVN hoạt động khi chưa có luật quy định về khuôn khổ hoạt động của đảng. Tại sao lại chính đáng và hợp pháp hơn? Bởì vì "Nhà nước chỉ được làm những điều pháp luật cho phép, còn Nhân dân được làm tất cả những điều pháp luật không cấm." Nhà nước được hiểu là "một tổ chức xã hội đặc biệt của quyền lực chính trị, được giai cấp thống trị thành lập nhằm thực hiện quyền lực chính trị của mình", nên ràng buộc kể trên đối với Nhà nước cũng có hiệu lực cho ĐCSVN. Hơn nữa, như ông Nguyễn Trung đã nhận định, "Đảng mới là nhà nước đích thực: Nhà nước đảng trị." Rõ ràng, Hiến pháp hiện hành không hề đề cập đến khuôn khổ hoạt động của đảng và cũng chưa có luật nào quy định về khuôn khổ đó, cho nên đảng cũng chưa có được "những điều pháp luật cho phép" để mà "được làm", để mà "hoạt động". Trong khi đó, quyền biểu tình của công dân được minh định trong Hiến pháp hiện hành và chưa có luật nào hạn chế quyền ấy, nên hiển nhiên là công dân có quyền biểu tình không hạn chế. Để ngăn cản và đàn áp biểu tình, chính quyền thường viện dẫn Nghị định Quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng số 38/2005/NĐ-CP và Thông tư số 09/2005/TT-BCA (hướng dẫn thi hành nghị định đó). Nhưng bài "Lực cản Nhà nước pháp quyền" đã chỉ ra rằng: - Nghị định số 38/2005/NĐ-CP và Thông tư số 09/2005/TT-BCA vi phạm Hiến pháp và pháp luật; - Chính phủ không có quyền ban hành nghị định để hạn chế quyền công dân; - Dù bỏ qua hai khía cạnh vừa kể, thì lời văn của hai văn bản ấy cũng không cho phép áp dụng chúng để cản trở biểu tình yêu nước, như những cuộc biểu tình ôn hòa đã diễn ra ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong hai năm 2011 và 2012. Hẳn nhà cầm quyền đã nhận ra rằng: Hiến pháp và pháp luật hiện hành không cho phép họ cản trở quyền biểu tình của công dân. Ban hành luật về biểu tình thì họ hoàn toàn không muốn, vì dù quy định ngặt nghèo đến đâu đi nữa thì vẫn sẽ "lọt lưới" một số cuộc biểu tình. Vậy phải làm thế nào bây giờ? Lợi dụng thời cơ sửa đổi Hiến pháp, họ đã sửa Điều 69 của Hiến pháp 1992 như sau: "Điều 26: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật." Điều gì thay đổi ở đây? Họ đã xóa hai từ "có quyền" trước đoạn "được thông tin" và trước đoạn "hội họp, lập hội, biểu tình". Đồng thời, họ dùng chữ "được" (vốn dĩ chỉ là một thành phần của từ "được thông tin") thay cho hai từ "có quyền" ấy. Để làm gì? Để xóa bỏ những quyền cơ bản đó của công dân. Từ chỗ công dân luôn "có quyền" (kể cả khi không có luật hoặc chưa có luật liên quan), bây giờ bị tước "quyền", và "quyền" bị hạ cấp xuống thành những thứ "được" ban phát. Mà "được… theo quy định của pháp luật" thì cũng có nghĩa là "chỉ được… theo quy định của pháp luật". Tức là công dân "chỉ được" ban phát nếu nhà cầm quyền đã ban hành "quy định của pháp luật". Khi nhà cầm quyền chưa muốn, lờ đi việc ban hành "quy định của pháp luật", thì Dân sẽ không "được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình". Đây là một thủ đoạn pháp lý tinh vi, nhằm tước đoạt quyền được thông tin và các quyền hội họp, lập hội và biểu tình của công dân. Một điều khoản khác rất đáng lưu ý trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng." (Điều 15, Khoản 2) Điều khoản này là một sáng tạo pháp lý mới mẻ của các nhà lập hiến CHXHCN Việt Nam. Chữ "chỉ" tạo ra ảo tưởng rằng: Điều khoản này nhằm hạn chế những hoàn cảnh mà quyền con người và quyền công dân có thể bị giới hạn, tức là để bảo vệ các quyền đó. Thế nhưng hậu quả của nó thì ngược lại. Vốn dĩ, việc "quyền con người, quyền công dân có thể bị giới hạn" không hề được đề cập đến trong Hiến pháp 1992. Nay điều này được nêu đích danh trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhằm hiến định hóa việc chính quyền có thể giới hạn quyền con người và quyền công dân. Danh sách "lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng" rộng đến mức có thể bao trùm mọi hoàn cảnh thông thường. Cho nên, nhà cầm quyền luôn có thể viện dẫn những lý do đó, nhằm giới hạn quyền con người và quyền công dân, bất cứ lúc nào mà họ muốn. Vì vậy, việc nhét chữ "chỉ" vào điều khoản ấy chẳng hề có tác dụng hạn chế phạm vi hành động của giới cầm quyền, mà chỉ ngụy trang, che đậy mục đích hiến định hóa ấy mà thôi. Điều khoản kể trên quy định rằng "quyền con người, quyền công dân… có thể bị giới hạn", nhưng lại không viết rõ ai và cấp nào có quyền giới hạn. Điều đó mở đường cho bộ máy cầm quyền các cấp có thể can thiệp tùy tiện vào quyền con người và quyền công dân. Như vậy, Điều 15, Khoản 2 cũng là một thủ đoạn pháp lý tinh vi, nhằm thu hẹp quyền con người và quyền công dân. Hai ví dụ kể trên nhắc nhở mọi người phải hết sức cảnh giác với những bẫy pháp lý đã được cài trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Giữ chút quyền Dân Trong tham luận trình bày tại phiên họp Quốc hội vào buổi sáng ngày 16/11/2012, Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đại biểu Quốc hội khóa XIII của Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đã "đề nghị một quan điểm, một nguyên tắc", đó là: "Thành tựu của Hiến pháp 1992 cần được bảo vệ và tiếp tục phát huy, đặc biệt nguyên tắc Nhà nước của dân, do dân, vì dân, mọi quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân, phát huy các quyền tự do cơ bản của nhân dân trên mọi mặt. Do đó, chỉ nên sửa đổi Hiến pháp 1992 nếu phát huy hơn nữa các quyền tự do, dân chủ, chú trọng đổi mới đồng bộ chính trị và kinh tế, nhờ thế tạo động lực mạnh mẽ hơn cho giai đoạn cách mạng mới. Nếu không làm được như vậy thì không nên sửa lặt vặt." Tiếc rằng, đề nghị hợp lý và sáng suốt này chưa được phản ảnh đúng mức trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Không "phát huy hơn nữa các quyền tự do, dân chủ", như Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đề nghị, mà ngược lại, dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã cắt giảm nghiêm trọng quyền con người và quyền công dân. Dân không quan tâm nhiều đến việc ghế lãnh đạo được hoán vị ra sao và quyền lực được chia lại thế nào. Họ đủ thông minh để hiểu rằng: Những tiến bộ được tung hô, như việc bỏ hiến định về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, có thể là một bước tiến trong tư duy của giới lãnh đạo và giới lý luận, nhưng sẽ chẳng tác động mấy đến thực tế cuộc sống. Khi không còn được gán cho vai trò chủ đạo, thì thành phần kinh tế nhà nước sẽ được giũ bớt trách nhiệm đối với nền kinh tế quốc dân, nhưng lại vẫn tiếp tục được hưởng mọi sự o bế và ưu tiên. Đó là lãnh địa lý tưởng cho tham nhũng, là đại lộ thông thoáng để tuồn tài sản toàn dân vào túi các quan tham. Dân quan tâm nhất là các quyền lợi thiết thân, trong đó có quyền sở hữu đất đai. Như đã trao đổi trong bài "Hai tử huyệt của chế độ", quy định trong Hiến pháp 1992 về quyền lãnh đạo mặc nhiên của ĐCSVN (Điều 4) và đất đai thuộc sở hữu toàn dân (Điều 17) là hai vấn đề tồn tại then chốt. Chúng phải được khắc phục sớm, vì Dân, vì Nước và cũng vì chính ĐCSVN. Thế nhưng, hai quy định này vẫn được dự thảo sửa đổi Hiến pháp bảo lưu, trong khi quyền con người và quyền công dân lại bị thu hẹp đáng kể. Đối với Dân, Hiến pháp kiểu này có thể trở thành bãi mìn pháp lý. Nếu dự thảo như vậy được thông qua, thì Hiến pháp có thể không còn là khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của Nhà nước và xã hội, mà trở thành cái gông cùm Nhân dân và Dân tộc. Chất lượng dự thảo sửa đổi Hiến pháp thể hiện cái tâm và tầm của các tác giả, không chỉ bao gồm những người trực tiếp tham gia soạn thảo, mà kể cả những vị ngồi trên cao để chỉ đạo và áp đặt. Nếu chỉ hạn chế về tầm, tức là do trình độ hay do sơ suất, thì Nhân dân có thể góp ý để bù lại. Nhưng những ví dụ được đề cập ở trên cho ta ấn tượng là: Những thay đổi theo hướng tiêu cực trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được tiến hành một cách có chủ ý và được tính toán kỹ lưỡng. Thậm chí, họ đã vận dụng cả những thủ thuật và thủ đoạn pháp lý tinh vi để thực hiện và che đậy mục đích đó. Khi tâm đã như vậy, thì liệu việc góp ý của Nhân dân có đủ để lay chuyển được quyết tâm sắt đá của họ hay không? Thật khó mà tin rằng họ có thể sữa chữa bản dự thảo để đưa ra một Hiến pháp thực sự tử tế với Dân. Vì vậy, để bảo vệ quyền con người và quyền công dân, thì nên tạm dừng việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Hãy đợi đến một thời điểm thuận lợi hơn, khi tầm đã đủ cao và tâm đã đủ ổn, rồi hãy thay đổi Hiến pháp một cách căn bản, theo chiều hướng tiến bộ, để có được một bản Hiến pháp thể hiện ý nguyện của Dân, do Dân và vì Dân. Hà Nội, 15/01/2013

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

PHẢN BIỆN CẦN PHẢN BIỆN !

Phản phản biện Ba Sàm Nếu gọi những ý kiến của người dân đóng góp cho chính sách, luật pháp mà nhà nước đặt ra là “phản biện” thì trong bài này xin được tạm gọi “phản phản biện” là những ý kiến từ phía nhà nước hoặc những ai thử đặt mình vào địa vị của nhà nước để trao đổi lại với những phản biện của người dân. 1- Yếu kém. Từ lâu, nhiều lần, chúng tôi đã nêu lên một thực trạng không có lợi chút nào cho nhà nước Việt Nam, đương nhiên cũng tác động dội lại làm cho dân khổ, đó là họ rất yếu trong đối thoại với người dân. Mà một lý do quan trọng là họ hầu như không có những cây viết có trình độ, thực tâm, và có phương pháp khoa học, văn minh để trao đổi, tranh luận với người dân trên báo chí của nhà nước và mạng xã hội nhằm cho dân hiểu hơn về mình, rằng có những điều khó nói, có những khó khăn chưa thể vượt qua, có những hiểu lầm do chính bộ máy yếu kém, không thống nhất đã không hoàn thành trách nhiệm của mình, v.v.. Một phần vì vậy mà không thể không thấy có những cái nhìn quá nghi kỵ, đánh giá quá xấu với toàn bộ bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị, kể cả toàn báo giới được gọi là “lề phải”. Cái “quá” ở chỗ người dân khó thấy trong lòng cỗ máy khổng lồ đó, có rất nhiều con người giỏi giang, có nhiệt tâm, âm thầm cố làm được những gì ích nước lợi dân, hoặc chí ít thì cũng bớt càng ít càng tốt những gì có hại cho dân trong công việc làm, quyết định của mình hàng ngày. Họ cần được khích lệ bằng cách nào đó! 2- Cụ thể. Vậy cái đang được gọi là “phản phản biện” của nhà nước hiện nay trước “phản biện” của dân có hình hài ra sao? Xin tạm chia nó ra làm 3 loại. Loại thứ nhất, là những bài viết chụp mũ, nói xấu vu vơ, bới móc đời tư đối tượng cần tấn công, mà thiếu lý lẽ thuyết phục và không bao giờ có tranh luận trực diện; ví như với một chủ đề nào đó, bài của “người nhà nước” và người dân phải được đăng tải công khai như nhau, được tiếp nhận đầy đủ ý kiến độc giả. Trong hàng ngũ này gần như không có một cây viết nào trong số nhà báo, nhà nghiên cứu, hàng ngũ trí thức được độc giả tin cậy, hoặc có thì lại không “dám” công khai danh tính. Thứ sản phẩm này hầu như mới chỉ có trên báo Quân đội Nhân dân, gần đây có thêm báo Nhân dân. Loại thứ hai, mới đây xuất hiện kha khá, trên các blog, trang mạng tự do, là những “độc giả” lên tiếng bảo vệ cho cá nhân lãnh đạo nào đó, cho chế độ, mà mấy hôm trước đã được ông Trưởng ban Tuyên giáo Hà Nội công khai cho biết. Cách “làm việc” và chất lượng thông tin mà những nhân vật này thực hiện là rất tệ, phản tác dụng. Loại thứ ba, đáng chú ý, đáng bàn nhất. Họ có thể nằm trong số những blogger, những cây viết tiếng tăm trên mạng, các nhà báo, nhà văn ít nhiều có được cảm tình của người đọc. Họ có thể là người có những quan điểm không giống với đại chúng, có những cảm thông chân thành với phía nhà nước trong một số vấn đề, nhưng không dễ trình bày thẳng thắn mà không sợ bị độc giả chỉ trích, quay lưng. Họ có thể là những người hôm qua còn chỉ trích nhà nước rất nhiều, nhưng hôm nay đã thay đổi, vì một lẽ nào đó. Hoặc, không như nhiều người, cũng có thể có những điều họ không tán thành với nhà nước, nhưng phần lớn là ngược lại, họ ủng hộ nhiệt thành. Trong con người họ, những thói quen, nhận thức khuôn sáo, phản tiến bộ của một thời, khó gột rửa hết ngay được. Những nhân vật trên có thể nhận được “đơn đặt hàng” chính thức từ người của nhà nước, nhưng cũng có thể họ chỉ nhận được một lời nhờ vả có tính “bạn bè”, mà đằng sau là ý muốn của cơ quan chức năng nào đó. Thậm chí, có khi chỉ vì muốn thể hiện mình “không giống ai”, không theo “tâm lý bầy đàn”, … họ liền trình diễn màn xảo ngôn, theo đúng ý đồ của kẻ khác, mà quên rằng thiên hạ giờ đây đâu có còn khờ nữa. Họ đã thiếu trách nhiệm với cộng đồng, đặt cái “tôi” của mình quá cao, quên mất một điều quan trọng mà sơ đẳng là càng có ảnh hưởng trong dân chúng, thì càng phải cẩn trọng và có trách nhiệm hơn với lời lẽ của mình. Như vậy, nghiễm nhiên họ trở thành “đội quân thứ ba” một cách vô tình mà không hay biết. Dạng cuối cùng, họ có thể là người của nhà nước, được giao trọng trách trong thời gian đầu hãy bằng mọi cách giành được sự tin yêu nơi độc giả, trở thành “người của công chúng”, để rồi dần dần lái dư luận theo hướng có lợi cho nhà nước theo cách mà đông đảo người dân không muốn, hoặc đôi lúc cần thì “xuất chiêu” trong một “phi vụ” cụ thể để tránh cho nhà nước, cho các vị lãnh đạo phải chịu một áp lực tức thời không lợi cho họ từ phía người dân, sau đó lại “thu quân”. Điểm yếu nhất của các cây viết thuộc “đội quân thứ ba” là bị thiếu đi lối viết ngay thẳng, thường phải chuyển tải ý tứ của mình bằng cách nói vòng vo, ám chỉ, “ngồi lê đôi mách”, bới móc đời tư, tung tin vu vơ, hèn hạ, tinh vi, hiểm độc, khai thác sở thích tò mò, thói thóc mách, nganh ghét, đố kỵ, nghi ngờ, cố dùng lời lẽ dung tục – tầm thường hóa đối tượng cần chỉ trích, từ đó đánh lạc hướng dư luận lao vào tranh cãi hoặc tìm hiểu, không còn quan tâm mấy tới chủ đề chính nữa, … Người đọc đôi khi khó thấy ngay “chiến thuật” này, nhưng nó chỉ dễ “sống” được ở thời báo giấy, còn thời đại Internet ngày nay thì lại nguy hiểm cho chính người viết, dễ bị lộ mặt, mất “giá” hoàn toàn. Ngay từ những ngày đầu ra đời blog này, cách đây 5 năm 4 tháng, chúng tôi luôn xác định việc đăng bài vở, điểm báo, blog và bình luận, đều hướng tới thông tin đa chiều, công bằng, cố tránh cảm tính, định kiến, ác cảm. Nhiều báo, đài, blogger, nhiều cây viết nhận được những góp ý thẳng của chúng tôi, có khi tỏ ra khó chịu và hiểu lầm, thậm chí có cả lời lẽ miệt thị đáp trả. Nhưng rồi chính họ cũng lại vẫn nhận được ở chúng tôi những lời nhận xét trân trọng khi có những bài viết hay, những ứng xử mà người khác đáng phải noi theo. Bằng cách làm đó, chúng tôi không cố công phát hiện “đội quân thứ ba” nói trên để phân biệt họ với những người khác. Tự những bài viết của họ, cùng với bình luận của độc giả và của chúng tôi, sẽ cho thấy dần họ là ai, hoặc hôm qua, có lúc họ như vậy, nhưng hôm nay đã khác rồi, theo chiều hướng tốt, hay ngược lại. Những ai có điều kiện theo dõi kỹ sẽ nhận ra điều này. Vài lo ngại, khó chịu của độc giả, hoặc chính đối tượng mà chúng tôi bình luận, sẽ được “hóa giải” bằng thực tế qua cách làm việc, xử sự của chúng tôi. 3- Thử nghiệm. Từ những đánh giá nói trên, chúng tôi từng nghĩ tới ý định lập nên một blog nữa, chỉ chuyên về “phản phản biện”, thử đặt mình vào địa vị người nhà nước, để tranh luận với những “phản biện” của người dân về nhiều vấn đề liên quan tới chính sách của nhà nước. Làm “thị phạm” một thời gian, để khích lệ những người khác cùng tham gia. Rất muốn thực hiện điều đó, trước hết vì từng lăn lộn trong cơ quan nhà nước, thấy không ít điều trong gan ruột của nó, những cái dở người dân nhìn thấy, nhưng cũng có những cái tốt, người tốt thì người dân lại khó thấy được. Những người kém cỏi, vụ lợi, thiếu công minh trong nhà nước thì cứ chiếm thế thượng phong, còn người tốt, tài giỏi, có thực tâm, thì thiếu chỗ để cất lên tiếng nói của mình. Kể cả không ít người lãnh đạo thực sự muốn thay đổi tốt lên, nhưng họ bị phong tỏa, đầu độc thông tin, họ bị dân nghi ngờ, đánh giá xấu hết thảy. Tình trạng này càng kéo dài thì “người nhà nước” và người dân càng xa cách nhau. Lực lượng “phản phản biện” mà chúng tôi muốn có này có thể coi là “đội quân thứ tư” thuộc về nhà nước, để đối thoại một cách sòng phẳng, bình đẳng, công khai với người dân, không như ba “đội quân” kia. Một “lối thoát” khác cũng đã được chúng tôi đưa ra trong cuộc Hội thảo “Tác động của truyền thông xã hội lên tác nghiệp báo chí” mới đây, với tham luận “Đặc khu Thông tin”; đã có một số độc giả thắc mắc, nghi ngờ mục đích, mà chúng tôi chưa có dịp trình bày kỹ hơn. 4- Vài ví dụ, để thử nghiệm một lối tranh luận, đối thoại ngay thẳng giữa nhà nước với người dân: - Mới đây nhất là chuyện Nghệ sĩ Kim Chi. Dễ hiểu là phía nhà nước lo ngại, với ít nhất 2 lý do. Họ sợ thái độ “bất kính” với giới lãnh đạo lây lan trong nhân dân và cán bộ, niềm tin vào đảng, nhà nước giảm sút. Họ sợ “mất giá” những loại giải thưởng, danh hiệu này nọ, “công tác tư tưởng”, tuyên truyền theo kiểu truyền thống bị thách thức. Tiếc là họ hầu như chỉ có một cách đối phó duy nhất, khi mà bà Kim Chi không phải thuộc diện “thế lực thù địch” để có thể có những bài viết công kích trên mặt báo. Thế là báo chí tự biết phải lờ đi và trên mạng tự do thì họ tìm cách giảm nhẹ hiệu ứng lan truyền, bằng cách làm cho hình ảnh bà có đôi chút lem luốc, tầm thường. “Đội quân thứ hai” đã được huy động. Còn “đội quân thứ ba” … có lẽ đã được tận dụng? Và đây là cách lập luận giả định cho “đội quân thứ tư” mà chúng tôi muốn nhà nước cần thử nghiệm: Việc bà Kim Chi coi ông thủ tướng như là người phải chịu trách nhiệm duy nhất, cao nhất cho việc “làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân” là không chuẩn xác. Ông chẳng qua chỉ là gã tài xế bị buộc phải chọn cỗ xe kỳ dị “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, mà trên đó là một đám lơ xe lười nhác, dối trá nhưng ông không thể đuổi việc được, mỗi ý định của ông đều phải xin ý kiến cả một đám chủ xe. Dẫu có ông Trời cầm lái cỗ xe đó cũng không thể cho nó đi tới nơi tới chốn. Chưa bao giờ chuyện này được đem ra mổ xẻ công khai. Rất có thể khi được “phân xử” một cách công minh, thì người chịu trách nhiệm lớn nhất cho việc “làm nghèo đất nước” này lại chính là người nắm quyền cao nhất nhưng cứ ôm khư khư cái “định hướng XHCN”, liệu có phải là ông thủ tướng nữa không?Nên bà Kim Chi đã có nhận định cảm tính, thiếu hiểu biết về cơ chế vận hành của cỗ xe này. - Một ví dụ về cuốn “Bên thắng cuộc” của Nhà báo Huy Đức đang được dư luận rất quan tâm. Thay cho lý sự nóng vội và chụp mũ của Nhà báo Đức Hiển, ta thử giả định một lập luận khác xem sao, đó là: Ông Huy Đức là một nhà báo, nhưng có được nhiều tư liệu sử, một lĩnh vực dù sao cũng xa lạ với ông, vậy tại sao ông không đem những tư liệu này trao đổi với giới sử học, cùng tìm tới một cách sử dụng hữu ích, khả dĩ chấp nhận được cho nhà nước này, từng bước làm biến chuyển những đầu óc bảo thủ, cứ muốn bưng bít sự thực lịch sử mãi? Vì chắc chắn giới lãnh đạo hiện nay cũng không được biết nhiều thông tin, những khúc mắc của lớp đàn anh mà ông Huy Đức có được và đưa ra trong cuốn sách. Nếu họ được tiếp cận theo một phương pháp khéo léo, rất có thể sẽ tốt cho họ, hơn là phải tiếp cận “thụ động” và rất sốc như hiện nay khi cuốn sách được xuất bản ở Mỹ, từ một NXB người Việt hải ngoại. Sẽ là chưa muộn để phía chính quyền và ông Huy Đức, cùng nhiều người khác đã, đang viết những cuốn hối ký, sách lịch sử gặp nhau ở một điểm chung, hơn là sự đối đầu. Còn đem nghị định nào đó ra áp dụng để xử lý hình sự, như ông thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nói, thì chỉ bế tắc thêm. - Về quan hệ với Trung Quốc. Có những khó khăn mà không dễ nói ra với mọi tầng lớp nhân dân. Thử một cách lập luận sau: Giới lãnh đạo trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua đều phải chịu một gánh nặng hậu quả ghê gớm từ những gì mà lớp đàn anh đã làm trong hàng chục năm, thậm chí có nhiều điều họ còn chưa biết, liên quan tới quan hệ Việt – Trung. Họ buộc phải thực hiện cuộc lội suối dò đường trong mối quan hệ này. Không khéo, có thể phía “bạn” chơi khăm, tung ra một loạt tư liệu động trời làm sửng sốt người dân, từ đó gây bất ổn xã hội, chỉ có lợi cho Trung Quốc. Một phần vì vậy mà người dân cứ thấy có vẻ như họ lúng túng, che đậy nhiều quyết định, thông tin quan trọng mà lẽ ra người dân phải được biết. Có lẽ họ đang âm thầm xử lý khéo léo chăng? - Về đường lối xây dựng, phát triển đất nước trong nhiều năm qua, luôn bị đông đảo người dân cho là có nhiều sai lầm. Xin gợi ý một cách nhìn nhận vấn đề theo hướng khác: Đó là thực ra chúng ta đang phải chịu cả một sai lầm “vĩ đại” của cả nhân loại từ khi khoa học công nghệ, chủ nghĩa tư bản, thậm chí cả văn minh phương Tây với đề cao tự do, phát triển năng lực cá nhân, ngày càng được coi là thứ ưu việt tuyệt đối. Chính những thứ này đã lôi cuốn cả thế giới vào một cuộc chạy đua mù quáng, tàn phá ngôi nhà chung của nhân loại, thỏa mãn nhu cầu tiện nghi vô độ của hiện tại, gây hậu quả khôn lường lên các thế hệ mai sau, đẩy toàn nhân loại ngày càng nhanh tới thời điểm diệt vong. Một cuộc tự sát từ từ, hầu như chưa có cách nào thoát khỏi. Vô tình Marx đã đúng một phần: CNTB không những “giãy chết” mà nó sẽ còn kéo theo cả nhân loại chết theo. 5- Kết. Mấy ví dụ trên để nói lên một điều rằng nếu như có những bài viết với những lập luận tương tự, được đăng trên các trang “không chính thống” thì sẽ giúp tạo nên không khí đối thoại công khai, bình đẳng, tạo sự cảm thông nhất định giữa người dân và chính quyền, mà chính quyền thì có thể tránh bị ràng buộc vào những nguyên tắc cứng nhắc nhất định của thể chế chính trị chưa thể sớm gỡ bỏ ngay được. Với phương pháp này, qua “đội quân thứ tư”, cũng là để giảm bớt dần 3 đội quân kia, là thứ “hắc ám” không phù hợp với một xã hội văn minh, dễ làm lòng dân thêm căm ghét và xa cách, cần sớm được dẹp bỏ. BS

NGƯỜI ĐEP NGỦ TRƯA !

)
Giấc ngủ trưa của Người đẹp Bình Dương at 1/15/2013 12:09:00 PM Bà Trần Thị Hài trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc năm 2007 (ảnh danlambao) Người đẹp Bình Dương nói đây có tên là Trần Thị Hài. Cô không phải là hoa khôi, hoàn toàn không phải là Miss của tỉnh năm 2012. Nhưng là một nhân vật đẹp, rất đẹp của tỉnh Bình Dương, rất nổi tiếng cả vùng Bắc Sài Gòn, đã 5 năm nay. Đẹp trong nhân cách, đẹp trong lẽ sống. Xin mời các bạn xem bức ảnh của người phụ nữ ấy kèm theo đây. Đây là bức ảnh sống động của người phụ nữ đang thét vang: «Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!»,«Đả đảo bọn bành trướng Trung Quốc!» ngay trước Sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Hà Nội, năm 2007. Vẻ đẹp của Việt Nam. Nét đẹp tuyệt vời của lòng yêu nước. Rất xứng đáng để 14 ông Vua tập thể ngắm nhìn, ngẫm nghĩ. Nét mặt hoành tráng phơi bày hết lửa phẫn nộ. Bà Trần Thị Hài năm nay 62 tuổi. Chồng bà là ông Đỗ Thành Huấn, gần 70 tuổi. Hai vợ chồng đều là đảng viên Cộng sản từ khi còn trẻ. Ông ra miền Bắc tập kết sau Hiệp định Geneve. Ông có huy hiệu 30 năm tuổi đảng, sau 1975 trở về quê hương lập nghiệp. Hai vợ chồng chí cốt làm ăn, có 3 con gái, 1 con trai, 5 cháu nội ngoại. Thế rồi bọn cường hào địa phương cướp đất của ông bà khi Bình Dương mở cửa cho tư bản nước ngoài vào đầu tư. Suốt 10 năm trời, vợ chồng ông bà gõ mọi cửa để đòi lại đất sở hữu hợp pháp của mình, nhưng bọn cường hào của đảng CS không những không trả, lại còn dọa bỏ tù về tội «gây mất trật tự trị an xã hội». Thế là ông bà cùng vất lại thẻ đảng, vĩnh biệt đảng, phát đơn tố cáo, kiện đích danh phó chủ tịch tỉnh Trần Thị Kim Vân và thẩm phán Nguyễn Minh Hoàng đã tham gia cướp đất của dân trong tỉnh Bình Dương. Hàng chồng đơn gửi cho tỉnh và trung ương đều không có hồi âm. Bà Trần Thị Hài xuống Sài Gòn, ra Hà Nội gõ cửa ba tòa quan lớn CS đều bị xua đuổi, còn bị chụp ảnh, ghi vào danh sách đen. Thế là bà gia nhập các cuộc tập trung, biểu tình chống bành trướng Trung Quốc, tiêu biểu cho sự gắn bó giữa những người bị cướp đất riêng với công dân yêu nước đau lòng vì đất nước bị ngoại xâm cướp đất chung. Tình nghĩa giữa bà Trần Thị Hài và các cô Bùi Thị Minh Hằng, Phương Bích và Phạm Thanh Nghiên trở nên thân thiết. Có lần bọn công an côn đồ xúm lại vặn tay, túm áo bà, chúng dẫm lên ống quần bà làm quần tụt ra, bà vẫn xông lên tay dương cao biểu ngữ, mặc chiếc quần lót, hét rằng: «Bay lấy quần bà chỉ đẹp mặt chúng bay, bọn mất dạy! » Cho đến cuối năm 2012 bà Trần Thị Hài vẫn bền bỉ tham gia đấu tranh không ngừng nghỉ. Ngày 27/12/2012 vừa qua tòa án Thủ Dầu Một đã triệu tập bà Trần Thị Hài đến để xét xử về tội gây «mất trật tự xã hội, gây tụ tập đông người». Trong phiên tòa không có luật sư, không có thân nhân, không có nhân dân, hầu như chỉ có chánh án và 2 vợ chồng Trần Thị Hài - Đỗ Thành Huấn, hai cựu đảng viên CS. Ngay sau khi tòa tuyên án sơ thẩm phạt bà Trần Thị Hài 9 tháng tù giam, bà ngẩng cao đầu nói với chồng «Ông về viết ngay kháng án, họ nói có 5 biên bản mà chỉ đưa ra có 2 biên bản, họ lừa dối». Hiện bà ở trong trại giam Bến Lớn. Và khi ra cửa bà nói với bà con ở ngay cổng tòa án: «Chín tháng tù như giấc ngủ trưa, ra tù tôi sẽ chiến đấu tiếp!». Một câu nói kiên định khảng khái của một cựu nữ đảng viên sau khi đảng nhe răng nhọn định xé thịt nuốt chửng mình. Một câu nói vang xa, để đời. Cụ ông Đỗ Thành Huấn, cựu đảng viên cũng kiên cường không kém. Cụ kể với một nhà báo rằng về nhà cụ ngồi viết ngay đơn kháng án, nhưng tay cụ run lên vì giận dữ và khinh bỉ cái chính quyền bỉ ổi này, cụ không thể viết nổi các chữ ở đầu đơn theo thông lệ: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc, vì trên đất nước này đảng CS đã hiến độc lập cho ngoại bang, nuốt tự do, cướp hết hạnh phúc của dân, còn gì đâu mà ghi. «Chín tháng tù như một giấc ngủ trưa» là một câu châm ngôn bất hủ của một cặp vợ chồng cựu đảng viên ném vào giữa mặt nhóm lãnh đạo CS, những kẻ cướp đất của dân, bán đất của nước. Câu châm ngôn đó sẽ có sức động viên toàn dân ta vững vàng kiên định trong cuộc đấu tranh giành lại tự do trong năm 2013 mới bắt đầu. (ST

BÌNH VỀ: NG BÁ THANH

Huỳnh Ngọc Chênh - Lan man về sự kiện Nguyễn Bá Thanh at1/15/2013 12:19:00 PM Huỳnh Ngọc Chênh Nhiều người hỏi tôi tại sao có quen biết ông Nguyễn Bá Thanh và sự kiện ông ấy ra Hà Nội đang gây ra dư luận xôn xao lại không có một chữ bình luận nào. Thấy mọi người đã viết quá nhiều nên định không viết gì thêm, nhưng bạn bè thúc ép quá nên cũng cố gắng viết đôi lời lan man về nhân vật đồng hương đang nổi như cồn nầy. Khi viết về nhân vật nầy, hay bất kỳ nhân vật nào, thì phải biết đứng từ hệ quy chiếu nào, không thể viết bừa khi chưa xác định được mình đang đứng ở đâu. Từ sau 75, tôi sống cùng quê Hòa Vang, cùng thời với Nguyễn Bá Thanh khá lâu nhưng lại không hề biết đến ông ta. Mãi về sau nầy khi vào Sài Gòn làm báo rồi được cử ra Hà Nội theo dõi viết về quốc hội thì mới quen biết ông ta- chưa thân thiết lắm nhưng cũng có thể thỉnh thoảng vào phòng ông ta ở nhà khách quốc hội, “trấn lột” một cây ba số hoặc một chai rượu gì đó nhằm sưởi ấm lòng những ngày đông rét giá xa nhà ở Hà Nội. Với cá nhân tôi, ông là người tốt. Ông có giúp đỡ tôi đôi việc khi tôi nhờ vả. Giúp tận tình. Một lần thầy giáo cũ của tôi là thầy PTK có tranh chấp nhà đất gì đó với nhà bên cạnh mà bị chính quyền quận xử ép vì có tư ý với bên kia, thầy nhờ tôi và tôi đã điện cho ông, lúc đó là chủ tịch thành phố. Ông đã giúp đỡ nhiệt tình, nghe nói đã bỏ cả thời gian xuống tận nơi thầy PTK ở để xem xét giải quyết (nhưng chuyện tranh chấp ấy có lẽ hơi phức tạp, tuy chính quyền quận hết o ép nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa giải quyết xong)… Tóm lại, ông là người tốt với tôi, tôi biết ơn ông. Nhưng đối với quê hương xã Hòa Xuân của tôi, ông chưa tốt lắm và nhất là đối với làng đạo Cồn Dầu bên cạnh làng tôi, ông bị dân ở đây kết án là người tàn nhẫn. Xã Hòa Xuân của tôi nằm sát cạnh Đà Nẵng nhưng lại bị chia cách bởi con sông Cẩm Lệ nên rất là quê mùa và khốn khó trăm bề. Dân quê tôi từ bao đời luôn mơ ước có một chiếc cầu bắt qua bến Đò Xu, nối liền với Đà Nẵng để đổi đời. Sau gần 30 năm hòa bình, cho mãi đến những năm đầu của thế kỷ 21 thì ước mơ cỏn con ấy mới chuẩn bị thành hiện thực. Cây cầu bắt qua Đò Xu được triển khai thi công. Cọc được đóng qua sông, chuẩn bị đúc đà và lao dầm. Dân quê tôi hân hoan mừng rỡ, mong ngóng từng ngày để chờ lúc cây cầu vươn ra nối đôi bờ. Thế nhưng sau đó chẳng hiểu vì sao, công trình được lệnh của ông Thanh cho ngừng lại, cọc đóng xuống rồi lại cho nhổ lên. Dân cả xã bàng hoàng thất vọng và không biết chuyện gì đã xảy ra. Mãi đến về sau nầy thì dân quê tôi mới vỡ lẽ ra. Vì có một nhóm tư sản đỏ nào đó đề nghị quy hoạch toàn xã Hòa Xuân thành một khu du lịch sinh thái nên phải ngưng ngay chuyện làm cầu để trả tiền đền bù thấp và để dễ giải tỏa dân. Sau đó thì toàn xã nhận tiền đền bù với giá rẻ mạt rồi chuẩn bị dọn đi. Lúc ấy bản vẽ của cây cầu khác bắt qua xã Hòa Xuân đã nằm trên bàn ông Thanh. Khi xe ủi bắt đầu đến ủi nhà dân, thì cây cầu cũng bắt đầu được thi công và chỉ sau một năm thì hoàn thành. Người dân Hòa Xuân nhìn chiếc cầu Hòa Xuân to đẹp bắt qua sông Cẩm Lệ, nối liền quê nghèo của mình với thành phố Đà Nẵng mà ngậm ngùi cay đắng. Té ra cây cầu được xây lên không phải để phục vụ người dân nghèo khó bao đời theo cách mạng ở đây mà để phục vụ cho dự án gọi là du lịch sinh thái, nghĩa là phục vụ cho nhóm lợi ích trùm tư sản đỏ. Đền bù người dân chỉ vài chục ngàn một mét vuông, thế mà chỉ mới phân lô trên bản vẽ, các ông trùm này đã rao bán mỗi mét vuông đến hơn 10 triệu đồng. Người dân mất nhà và mất ruộng quê tôi nay thất nghiệp đã chửi đổng lên: Khu du lịch sinh thái cái đếch họ, cũng chỉ là một tuồng “thành kính phân lô” để chia chác lợi khủng. Trong khi dân các làng khác đành lòng chịu nhận tiền đền bù rẻ mạt để dỡ nhà đi thì dân làng Cồn Dầu cương quyết không chịu di dời. Nhưng rồi bị o ép quá, họ cũng chấp nhận di dời nhưng yêu cầu được giữ lại nhà thờ đã xây dựng từ mấy trăm năm và nghĩa trang của làng đạo cũng có từ khi lập làng. Chính quyền không đồng ý, dẫn đến việc đàn áp bắt bớ … như dư luận đã biết. Ông Thanh cày trắng cả làng tôi trong đó có nhà cửa, ruộng vườn của tổ tiên giòng họ tôi khai phá từ hồi theo Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp, tiếp nối hơn 11 đời để lại, làm tôi không khỏi đau lòng thắt ruột mỗi khi về thăm quê. Nhưng tôi cố nuốt đau vào trong vì chuyện chung ở khắp mọi nơi chứ không chỉ riêng quê tôi và không phải chỉ riêng nhà tôi. Tuy nhiên việc cày trắng làng đạo Cồn Dầu bên cạnh làng tôi thì tôi thấy xót xa và mất mát cho cái chung lớn quá không thể vì cảm tình riêng với ông mà không lên tiếng ra đây. Dân Quảng Nam, phần lớn rất kiên cường, ngang bướng rồi lại cực đoan và thủ cựu nên dù có điều kiện tiếp xúc với phương Tây rất sớm và rất thuận lợi thông qua Cửa Đại- Hội An nhưng người Quảng Nam không dễ dàng gì nghe theo lời các ông cố Tây bỏ đạo ông bà để vào đạo Công giáo như ở một số tỉnh phía Bắc. Cả một vùng đất Quảng Nam rộng lớn kéo dài từ đèo Hải Vân vào đến Quảng Ngãi mà chỉ có vỏn vẹn ba làng theo đạo. Đó là các làng Trà Kiệu, Hòa Sơn và Cồn Dầu (một số xóm đạo ở Đà Nẵng là phần lớn do giáo dân từ miền Bắc di cư vào lập nên sau 1954). Ba làng đó phải được xem như là chứng tích giao lưu văn hóa giữa phương Tây và Việt Nam từ rất xưa cần phải được bảo tồn. Do vậy ngôi làng đạo Cồn Dầu quý hiếm ấy cần phải được giữ lại và chỉnh trang cho đẹp lên chứ không phải bị cày trắng một cách thô bạo và tàn nhẫn. Rất tiếc ông Thanh, hoặc chưa đủ tầm văn hóa để nghĩ ra điều này hoặc là do sự thúc bách từ lòng tham vô độ của đám tư sản đỏ mà ông Thanh phải chiều theo… Nhưng dù sao, ông là người đồng hương quen biết cũ. Do vậy hôm nay nghe tin ông ra Hà Nội nắm giữ chức tước quan trọng, có thể vào được BCT, đường quan lộ tiếp tục hanh thông thăng tiến…tôi rất mừng cho ông và chúc ông được thuận buồm xuôi gió, công việc tốt đẹp, có thêm được người hầu kẻ hạ, thêm được nhà cao cửa rộng ở Hà Nội như các quan lớn TW khác để nở mày nở mặt với tổ tiên, với bà con, bạn bè và đồng hương. Ngày xưa, một đồng hương của tôi là ngài Hoàng Diệu đã ra làm tổng đốc Hà Nội và đã để lại tiếng thơm với sử xanh nhờ cai trị dân thanh liêm và kiên cường chống giặc dù công cuộc đánh giặc giữ nước của ông thất bại. Ông là quan văn tay yếu chân mềm, triều đình Huế lại cử ông làm tổng đốc giữa tình thế dầu sôi lửa bỏng, nắm trong tay cả một lực lượng chính quy đông đúc để trấn thành nhưng lại bị ảnh hưởng tư tưởng đầu hàng của triều đình, nên giặc Pháp kéo ra chỉ một nhúm vài trăm thằng, bắn vài phát đại bác, quân ông đã bỏ chạy tán loạn, chỉ còn lại một mình nên ông phải treo cổ tuẫn tiết. Trong khi đó, chỉ với một toán quân ô hơp từ miền núi kéo về, Lưu Vĩnh Phúc và Hoàng Tá Viêm đã đánh một trận tiêu diệt gọn đoàn quân vừa chiến thắng của giặc Pháp, trong đó có cả chủ tướng Henry Rivière. (Điều nầy cho thấy quân Pháp hồi đó không ghê gướm lắm, nhưng triều đình Huế quá khiếp nhược, chỉ lo tính chuyện đầu hàng để tồn tại, làm tiêu tán tinh thần chiến đấu của quân đội- “Triều đình” bây giờ nhớ lấy đó làm gương) (Wikipedia) Một đồng hương nữa của tôi là ông Nguyễn Tường Tiếp, ra Bắc làm quan không lập nên danh phận gì nhưng ông để lại những người cháu nội hết sức tài hoa là các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam… đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền văn học mới, để lại tiếng thơm cho muôn đời. Sau năm 1945, một vài đồng hương khác của tôi có ra trung ương làm lớn nhưng cũng chỉ là những cái bóng mờ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng tiếng tăm lừng lẫy là do có được từ thời hoạt động trong phong trào Duy Tân với các cụ Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp… rồi bị đày đi Côn Đảo, chứ không phải có được trong giai đoạn ra tham gia chính phủ Hồ Chí Minh. Những ông BCT sau nầy chẳng thấy ai có đóng góp gì lớn để lưu dấu ấn kể cả ông Võ Chí Công làm đến chức chủ tịch nước. Có một ông rất sắc sảo, ra Hà Nội đóng góp vào sự nghiệp đổi mới thời Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh nhưng rồi lại bị cho về vườn nửa chừng do sự nghiệp đổi mới bị chựng lại sau khi ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười đi dự hội nghị quy phục Thành Đô. Đó là ông Hồ Nghinh. Ông là một người cộng sản rất nho học và uyên bác. Ông mà tiếp tục được thì hy vọng sẽ làm rạng danh cho đất Quảng. Nhưng đấy là giả dụ vậy thôi vì những người trí thức uyên bác như ông hay như cụ Huỳnh, dễ gì tồn tại được trong hệ thống độc đảng này. Bây giờ thì đồng hương Nguyễn Bá Thanh ra, chưa biết ra sao? Chưa biết ra sao, nhưng trước khi ra đã tạo nên dư luận xôn xao từ trong nước ra đến nước ngoài với nhiều luồng ý kiến khác nhau như vậy thì cũng tự hào lắm rồi, hiếm có người như ông. Nhưng đó là suy nghĩ lan man về ông Thanh trên hệ quy chiếu cá nhân riêng tư và ở góc độ đồng hương cục bộ của tôi. Cần phải nhìn ông Thanh ở hai hệ quy chiếu khác nghiêm túc hơn. Hệ quy chiếu từ bên trong hệ thống và hệ quy chiếu từ bên ngoài hệ thống. Nhìn từ trong hệ thống, ông Thanh là một người làm chính trị có năng khiếu bẩm sinh, là một sản phẩm đích thực và trọn vẹn do chế độ nầy tạo thành với cái mác “100% made in/ by Đảng” .Ông thuộc thế hệ con cái của gia đình có công với cách mạng, được gởi ra miền Bắc học hành. Ông tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp, sau 75 về lại quê nhà, bắt đầu sự nghiệp chính trị bằng chức chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, rồi từ đó từng bước đi lên cho đến cương vị ngày nay. Nếu ông không có bản lĩnh chính trị, không giỏi đấu đá nội bộ thì e khó tồn tại ở cái ghế chủ tịch thành phố Đà Nẵng chứ đừng nói đến chuyện đi lên như ngày nay. Nhưng cũng vì những chuyện đấu đá quá mạnh tay với các đồng chí của mình mà ông đã chậm một bước lên trung ương. Ông là một người hoạt động thực tiễn năng nổ, dám nói, dám làm, vừa có tính quyết đoán lại vừa biết cách thuyết phục mọi người nên đã làm thành công nhiều việc gây tiếng vang lớn. Chủ trương đổi đất lấy hạ tầng không phải mới mẻ, nhiều nơi đã làm rồi, được thì ít mất thì nhiều, nhưng khi tới tay ông, ông đã làm cho Đà Nẵng nhanh chóng bật lên để từ một thành phố bé nhỏ đìu hiu trở thành một thành phố bề thế và xinh đẹp. Ông vượt qua các thách thức là nhờ phần lớn vào thành công này bên cạnh tài năng đấu đá của ông. Vì làm từng đoạn, tùy vào tình hình tài chính, nên quy hoạch Đà Nẵng có những khiếm khuyết nhất định. Nhưng đứng trên toàn cục mà nói thì làm được như vậy là khá lắm rồi. Khác Nguyễn Bá Thanh thì cũng khó có ai làm được và làm nhanh gọn dứt điểm như thế. Không đến nỗi như giáo sư Phạm Toàn nói là “không có Thanh thì Đà Nẵng còn đẹp hơn”. Tuy nhiên vì thành phố đi lên nhờ vào đất đai là chính nên bây giờ khi thị trường nhà đất đang xì hơi, doanh nghiệp bất động sản cạn vốn và có nguy cơ phá sản vì không bán được hàng, ngân sách thành phố khô kiệt và đang gặp rất khó khăn. Mới đây thành phố phải chủ trương bán trái phiếu để vay tiền từ xã hội nhằm cứu nguy trước mắt. Nhưng rồi tiếp theo nữa, tình hình nhà đất cứ đóng băng kéo dài thì lấy chi trả nợ và lấy tiền đâu ra để hoạt động? Ông Thanh ra đi để lại một thành phố khá hào nhoáng nhưng cạn tiền cùng với món nợ không nhỏ. Những người kế nhiệm ông ắt phải gặp không ít khó khăn. Người ta thấy ông Thanh hay quát nạt thuộc cấp và những người nầy răm rắp cúi đầu không dám có một chút phản ứng. Người ta cũng thấy thuộc cấp của ông kể cả những vị chủ tịch và phó chủ tịch thành phố chỉ là bóng mờ bên ông. Ngay cả ông Tuấn Anh bây giờ đang đường đường ở ghế bộ trưởng Bộ Thể thao Văn hóa Du lịch, trước đây là chủ tịch thành phố dưới quyền ông Thanh cũng mờ nhạt đến nỗi dân gian đã đưa điều ấy vào đồng dao và dường như dân Đà Nẵng ai cũng thuộc làu và công nhận là đúng: Trời của Thanh, đất của Thanh Con chim trên cành cũng của Thanh Con chim trong q. mới của Tuấn Anh. Nhiều người khen ngợi ông Thanh về điều đó, vì ông sáng quá nên ai đứng cạnh cũng bị mờ, nhưng theo tôi đó là điều đáng chê bai. Ông Thanh thể hiện sự độc đoán và tỏ ra kém cỏi trong công tác tổ chức (hoặc là quá giỏi tổ chức theo ý đồ riêng của ông). Ông đã xây dựng một bộ máy gồm phần lớn những người bất tài và xu nịnh. Kẻ xu nịnh và bất tài thì không hề dám phản ứng lại cấp trên khi bị nhiếc mắng. Do vậy khi ra đi, ông còn để lại cho Đà Nẵng thêm một gánh khó nữa bên cạnh gánh khó về tài chính. Tuy nhiên nhìn toàn cục, ông vẫn là sản phẩm tốt nhất của hệ thống hiện nay dù ông có mắc ít nhiều khuyết điểm. Nhưng ông có phải là thánh đâu mà không có khuyết điểm. Ngay cả người được hệ thống nầy phong thánh là ông Hồ Chí Minh thì cũng mắc khuyết điểm đấy thôi. (Cải cách ruộng đất đưa đến cái chết oan ức bao nhiêu dân lành là một trong những sai lầm của ông ấy). Trong hệ thống, sau thất bại thảm thương trong việc chỉnh đảng và trị tham nhũng, nhiều người kỳ vọng vào ông Thanh, bám vào cái phao ông, khi ông được đưa ra Hà Nội để giữ ghế trưởng ban nội chính của đảng. Các đồng chí của ông và dân chúng đang chán ngán và tuyệt vọng mong rằng ông sẽ là một Bao Công mặt sắt đen xì, đủ tài đức tiêu diệt “bầy sâu bự” đang nhung nhúc khắp nơi. Nhưng rồi cũng không ít ý kiến ngược lại. Không tin ông làm được gì trong tình thế hiện nay và cũng không tin mấy vào đức độ và quyền năng của ông để ông có thể làm gì. Theo tôi, muốn đánh giá đúng tác dụng của ông khi đảm nhận chức vụ mới thì phải biết trong đầu ông ta đang nghĩ gì, đang muốn gì. Nếu ông cho rằng đây là lúc phải để lại dấu ấn với đời, công tâm lao hết mình vào cuộc chiến chống tham nhũng, không cần e dè để giữ ghế, một mất một còn với đám tham ô thì tôi tin rằng, ở chừng mực và ý nghĩa nào đó, với bản lĩnh của ông, ông cũng sẽ làm thành công. Đó là điều tốt đẹp giúp cải thiện phần nào bộ mặt của hệ thống. Chỉ thế thôi. Nếu ông nghĩ rằng đây là cơ hội bắt đầu cho sự thăng tiến, ra nhậm chức để tiếp tục đi lên cao hơn để cuối đời hưởng được vinh hoa phú quý ở đỉnh cao như các ông vua tập thể khác thì ông chẳng dại chi thực lòng chiến đấu. Ngoài mặt ông sẽ hô to nhiều lời bỗ bã gây ấn tượng (như ông đã từng làm và ngay mới hôm qua ông đã hô) nhưng bên trong, ông ngấm ngầm thỏa hiệp với các thế lực khác để được chia chác cả lợi ích lẫn chức quyền cao hơn. Đây là con đường dễ đi và đi theo mục tiêu nầy, tôi tin rằng với bản lĩnh chính trị khôn ngoan của ông, ông cũng sẽ thành công. Có khi ông lên đến thủ tướng, chủ tịch nước hoặc tổng bí thư không biết chừng. Dĩ nhiên là khi ấy việc cứu chữa hệ thống như nhiều kẻ ngây thơ mong đợi tiếp tục thất bại. Đó là đứng nhìn từ trong hệ thống. Còn đứng từ hệ quy chiếu bên ngoài thì sao? Ông Nguyễn Văn An nói hệ thống nầy bị lỗi. Nhưng đúng ra phải nói rằng hệ thống nầy xây dựng trên nền tảng là chủ nghĩa Mác- Lê nin, mà nền tảng đó, nói theo TS Hà sỹ Phu là đã sụp đổ từ trong lý luận lẫn ngoài thực tiễn. Không thể trám trét vết nứt của một ngôi nhà xây trên một cái nền đã sụp. Một hệ thống như vậy thì không thể sửa lỗi bằng cách vá víu được, lại càng không thể vá víu bằng sự trông chờ vào một cá nhân nào đó là sản phẩm của hệ thống nầy. Ông Thanh hay mười ông Thanh cũng thế. Giống nhau tất, đều là sản phẩm của hệ thống.