Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2009

Hội nghị các cơ quan chống tham nhũng Đông Nam Á


Hội nghị các cơ quan chống tham nhũng khu vực Đông Nam Á lần thứ 5

21:13 | 29/09/2009

Trong 2 ngày 29 và 30-9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị các cơ quan chống tham nhũng (CTN) khu vực Đông Nam Á lần thứ 5 (SEA-PAC 5) với sự tham dự của hơn 50 đại biểu trong nước và quốc tế. Đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đến dự và phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng khẳng định: Đảng và Nhà nước Việt Nam quyết tâm cải cách mạnh mẽ nền hành chính để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước. Việt Nam coi trọng việc xây dựng một nhà nước pháp quyền, trong đó đề cao đạo đức công vụ, sự liêm khiết của cán bộ, công chức, sự công khai, minh bạch và đơn giản hóa của các quy trình, thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Việt Nam đặc biệt coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng để tạo dựng và duy trì môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, có sự cạnh tranh bình đẳng nhằm đảm bảo sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và vững chắc của đất nước.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, thể chế được tăng cường, hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng được xây dựng tương đối toàn diện. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn còn diễn ra phức tạp. Chính phủ Việt Nam đã kiểm điểm nguyên nhân và đề ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, trong đó rất coi trọng việc trao đổi thông tin, chia sẻ và học tập kinh nghiệm của các nước qua các diễn đàn, hội nghị quốc tế và khu vực về phòng, chống tham nhũng. Phó Thủ tướng tin tưởng Hội nghị SEA-PAC 5 là một diễn đàn tốt, hữu ích để các cơ quan thanh tra, chống tham nhũng của quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cùng chia sẻ thông tin và học tập kinh nghiệm lẫn nhau, cùng bàn bạc, thảo luận đưa ra những sáng kiến hay và cơ chế phù hợp thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan này, từng bước đẩy lùi vấn nạn tham nhũng, vì sự phát triển và sự thịnh vượng chung của khu vực. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Thanh tra Chính phủ Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch Ban Thư ký SEA-PAC nhiệm kỳ 2009-2010, có nhiều đóng góp tích cực và hiệu quả cho hoạt động của Ban Thư ký SEA-PAC.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nhấn mạnh: Hội nghị được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các đồng nghiệp, các cơ quan thanh tra, phòng chống tham nhũng các nước trong khu vực chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, rà soát và tăng cường các chương trình hợp tác, từ đó nâng cao hơn nữa vai trò, chức năng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, phòng chống tham nhũng trong khu vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực Đông Nam Á.

Tổng Thanh tra cũng nêu rõ những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật hỗ trợ thi hành, Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống tham nhũng; phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan và cán bộ công chức Nhà nước. Thời gian tới, Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục coi công tác phòng chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tập trung chỉ đạo, thực hiện mạnh mẽ hơn.

Trong ngày làm việc đầu tiên, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Thanh tra Thường trực Mai Quốc Bình, Hội nghị đã họp phiên chính thức thông qua chương trình làm việc, Biên bản Hội nghị SEA-PAC 4 và bàn tiếp về những vấn đề còn chưa thống nhất tại kỳ họp trước như Điều khoản tham chiếu của Ban Thư ký SEA-PAC; vấn đề tên gọi, lôgô, khẩu hiệu, trang điện tử của SEA-PA … Đại diện Phi-líp-pin, Chủ tịch Ban Thư ký nhiệm kỳ 8/2008 - 9/2009 đã đọc báo cáo kết quả làm việc của Ban Thư ký và chuyển giao công việc cho Việt Nam, Chủ tịch Ban Thư ký mới nhiệm kỳ 9/2009 - 2010.

Các đại biểu tiếp tục thảo luận theo chủ đề các nước Đông Nam Á với công tác PCTN; các biện pháp tăng cường hình ảnh, vị trí, vai trò của SEA-PAC trong khu vực; các biện pháp tăng cường hiệu quả hợp tác của SEA-PAC - thúc đẩy các hoạt động tăng cường năng lực với sự trợ giúp tài chính của các tổ chức quốc tế; sự hợp tác tương trợ pháp lý trong điều tra chống tham nhũng. Các nước thành viên cung cấp đầu mối tiếp nhận yêu cầu tương trợ pháp lý và báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng; chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt về phòng, chống tham nhũng tại quốc gia mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét