Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

NỮ CA SĨ PHI NHUNG XINH ĐẸP !




Phi Nhung: Chuyện chồng con nên để... kiếp sau
Thứ ba, 01/12/2009 - 4:40:39 PM

Sinh ra không biết mặt bố, mới 8 tuổi mẹ lại từ giã cõi đời, một mình Phi Nhung lăn lộn đủ thứ nghề nuôi 6 đứa em cùng mẹ khác cha. Đến giờ, ở cái tuổi mà đáng lẽ đã yên bề gia thất, được hưởng hạnh phúc làm mẹ nhưng chị vẫn cứ thui thủi một mình. "Kiếp này tôi không cần một người đàn ông ở bên cạnh", nữ ca sĩ tâm sự.

- Lâu lâu mới có dịp hát cho khán giả ở các tỉnh phía Bắc, mọi người đón nhận chị thế nào?

- Đi diễn ở đâu tôi cũng được sự ưu ái và nhiều tràng vỗ tay của mọi người nhưng tôi không cảm thấy vui vì chỉ trình diễn các ca khúc cũ. Tôi muốn mỗi lần về nước lại có bài hát mới, lạ dành cho khán giả. Nói thực khi thể hiện lại những ca khúc đã quá quen thuộc, tôi buồn lắm. Thế nhưng, biết sao được khi đa số người nghe lại chỉ yêu cầu tôi hát chúng.

Tôi cũng đang hoàn thành nốt CD đầu tiên phát hành tại Việt Nam như một món quà dành cho những người luôn yêu mến giọng hát của tôi trong từng ấy năm. Thị trường âm nhạc trong nước bây giờ rất sôi động, khán giả lại khó tính nên tôi phải suy nghĩ thật kỹ để chọn lựa những gì đặc biệt nhất cho quê nhà. Nếu khán giả kiều bào cho tôi một thương hiệu thì khán giả trong nước lại là một sức ép lớn bắt tôi sáng tạo, tìm tòi, lao động nhiều hơn để vừa lòng họ.

Làm bất cứ cái gì tôi cũng chắc chắn sẽ thành công và lần ra CD này, khán giả sẽ càng thương tôi nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi gặp khá nhiều khó khăn trong việc tìm các sáng tác mới ưng ý của các nhạc sĩ Việt.



- Nếu chỉ nghe giọng hát chất chứa đầy nỗi niềm, ai cũng đoán chị là người mềm yếu. Vậy chị lấy sức mạnh ở đâu để vượt qua khoảng thời gian cực khổ thời thơ ấu và trở thành giọng ca hải ngoại được yêu thích như bây giờ?

- Tôi rất nam tính. Nếu không có sự mạnh mẽ thì làm sao tôi có được ngày hôm nay. Mẹ mất từ khi tôi mới lên 8 nên tôi phải đi làm nuôi 6 đứa em cùng mẹ khác cha ăn học. Để làm được điều đó tôi buộc bản thân dần dần trở nên cứng rắn. Nhưng bây giờ, thực sự tôi cũng thấy hơi mệt mỏi. Tuy nhiên, còn chút hơi thở nào tôi vẫn cố gắng mang lại niềm vui cho mọi người. Kể cả đến khi tôi chết thì cái tên Phi Nhung vẫn đọng trong lòng khán giả.

Lúc sống, nếu có tiền người ta có thể xây bao nhiêu lâu đài tùy thích nhưng khi chết thì chỉ nằm trong một ngôi mộ thôi. Vì vậy, trong lúc còn sống mình phải làm tốt những việc mình có khả năng. Tôi nghĩ thế nên cứ làm việc theo những gì mình cho là đúng.

- Nhưng cũng phải đến thời điểm chị nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình chứ?

- Tôi nghĩ kiếp sau tôi sẽ được là chính mình, sống sung sướng và hạnh phúc, còn kiếp này tôi làm cho mọi người nhiều hơn. Ông Trời dường như đã sắp đặt cho tôi số phận như thế rồi, tôi đành chấp nhận. Tôi đi hát, dành tiền làm từ thiện giúp đỡ những bà con đang hàng ngày đối mặt với cuộc sống thiếu thốn.

Còn chuyện chồng con của bản thân, tôi nghĩ nên dành cho kiếp sau, kiếp này tôi không cần một người đàn ông ở bên cạnh. Nói vậy thôi chứ lúc cái duyên đưa đẩy, gặp người phù hợp tôi cũng không thể tránh được. Bây giờ, tôi chỉ mong những người xung quanh hiểu tấm lòng của tôi dành cho họ.

- Chị tin vào duyên số ông Trời sắp đặt nhưng người ta vẫn nói, mỗi người đều có thể tự thay đổi số phận của mình, chị thấy sao?

- Tôi không ham bói toán, mê tín dị đoan, cũng không phải con nhà Phật nhưng tôi tin vào số phận. Mẹ sinh tôi ở trong chùa nên từ bé tôi hay vào đây để tâm hồn mình được thanh tịnh. Tôi không làm theo lời người khác, tôi chỉ làm theo những gì mình nghĩ và trái tim mình mách bảo.


Phi Nhung từng hai lần yêu nhưng đều tan vỡ, theo cô đó là "vì tôi quá yêu nghề nên người ta bỏ tôi".
- Chị nói gì nếu có người cho rằng chị là người phụ nữ đa đoan?

- Người con gái nào theo nghiệp cầm ca cũng đều đa đoan hết, có chăng họ cố tình giấu, không cho mọi người biết thôi.

- Nhưng trong làng giải trí không hiếm những nữ ca sĩ vừa có sự nghiệp thành công, lại có gia đình hạnh phúc đó thôi?

- Cái đó là giả tạo, người ca sĩ hết mình vì khán giả thì cuộc đời họ chỉ có nỗi khổ chứ không hề sung sướng. Nếu bạn đi hỏi 10 người thì 9 người sẽ thật lòng nói với bạn câu này. Nhưng tôi vẫn chấp nhận điều đó để mang lại niềm vui cho người khác.

- Từng hai lần yêu và chung sống như vợ chồng, bây giờ tình yêu với chị có ý nghĩa như thế nào?

- Cả hai người đàn ông không ai phụ bạc tôi cả mà chỉ vì tôi yêu nghề quá nên người ta bỏ tôi. Chắc kiếp trước tôi mắc nợ và làm khổ nhiều người quá nên kiếp này tôi phải chịu cảnh cô đơn.

- Có thể sống không chồng nhưng một đứa con vẫn là nỗi khao khát của không ít người phụ nữ, chị thì sao?

- Con thì tôi có nhiều lắm vì tôi có cả một trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở Bình Phước. Tôi thành lập nơi này được gần một năm cùng với người bạn thân là một sư cô trong chùa. Sư cô có trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy còn tôi đi hát đế kiếm tiền nuôi bọn trẻ.

- Chị lành tính nhưng lại hoạt động trong làng giải trí vốn đã có quá nhiều xô bồ. Khi đối mặt với những cạm bẫy của nghề, chị xử lý thế nào?

- Chẳng ai có thể lừa được tôi, trừ khi tôi cho họ lừa. Cũng có nhiều người lừa gạt tôi lắm nhưng tôi nghĩ, người đi lừa mới tội nghiệp vì họ phải suy nghĩ, làm sao có thể lừa được Phi Nhung, chứ tôi thì không sao. Cái bụng tôi không xấu nên tôi không quan tâm đến chuyện người ta nói gì về mình. Tôi muốn sống thật thoải mái.

- Mỗi lần hát các ca khúc buồn, đôi mắt chị luôn đong đầy nước. Những giọt nước mắt ấy chị dành cho khán giả hay chính bản thân mình?

- Tôi là người rất dễ rơi nước mắt trước những số phận giống mình. Có lẽ cho đến khi chết tôi mới không rơi nước mắt nữa. Khi đứng trên sân khấu nhập tâm vào một ca khúc tự dưng nước mắt tôi cứ chực trào ra. Tôi khóc cho những nỗi niềm ẩn sâu bên trong mỗi người khán giả đang ngồi dưới chứ tôi không khóc cho tâm sự của chính mình. Nếu người ta cho rằng tôi đang hát và khóc cho bản thân thì chưa đúng, họ chưa hiểu tôi mà thôi.

- Không chỉ ca hát, chị còn tấu hài, đóng phim. Chị cảm thấy mình hợp với lĩnh vực nào nhất?

- Làm bất cứ việc gì tôi cũng đều tự tin nên nghề nào tôi cũng thấy mình hợp. Mấy tháng trước tôi có sang Trung Quốc đóng phim Trạng sư Trần Mộng Cát. Mới đầu tôi thấy mình đúng là đang leo lên lưng cọp vì diễn viên thoại bằng tiếng Trung mà tôi lại nói bằng tiếng Việt. Tôi mắc cỡ vì không hiểu họ nói gì. Nhưng rồi, tôi quen dần và nhập vai tốt hơn.

- Nếu có lời mời chị đóng phim ở Việt Nam thì sao?

- Tôi luôn sẵn sàng nếu như có đạo diễn nào đưa ra lời mời nhưng tôi chỉ sợ người ta phân biệt tôi là con lai. Tôi sinh ra ở Việt Nam, người thân cũng ở đây, chỉ có mặt cha đẻ là tôi không biết. Nhiều lúc tôi muốn tìm cha để xem ông là người như thế nào nhưng đến giờ kết quả vẫn chỉ là số 0. Tôi không hận cha, chỉ thương mẹ thôi. Vì mẹ, tôi nuôi cả 6 đứa em, cũng vì mẹ mà tôi hát nhạc quê hương, dòng nhạc mẹ thích nghe nhất khi còn sống. Có thể nói, mẹ là người có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời tôi.

ANH HÙNG ĐÔNG HỒ !




Còn một "Người muôn năm cũ"
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Chưa có một tài liệu sử học mang tính khoa học nào nói về sự tồn tại của nghề vẽ tranh của Đông Hồ là bao nhiêu năm nhưng nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, một trong những người còn nặng nợ với duyên nghiệp của tổ tiên thì khẳng định với tôi, ít nhất phải có trên năm trăm năm. Theo gia phả dòng họ, ông Chế cho biết, từ thế kỷ 15, đời vua Cảnh Hưng, gia đình ông đã có truyền thống làm tranh. Làng Đông Hồ ngày xưa nằm trong xã Tú Hồ, trong bốn thôn của xã chỉ duy nhất có người thôn Đông Hồ là làm được tranh. Cũng là thôn duy nhất không có ruộng cày cấy. Người dân chỉ chuyên tâm vào làm vẽ tranh. Và ở thời hoàng kim của làng, không có gia đình nào là không có người tham gia vẽ tranh. Nhưng mỗi gia đình có một thế mạnh và những bức vẽ khác nhau nên tạo ra được những nét đa dạng và phong phú của loại hình nghệ thuật này. Từ tháng 8 âm lịch, người dân đã bắt đầu làm tranh, đợi đến tháng 12 âm sẽ đem bán ở đình Đông Hồ, phục vụ người dân và du khách thập phương. Ngày đó, chợ đình cũng chỉ họp một tháng 5 phiên, những bức tranh như: Đám cưới chuột, Đàn lợn âm dương, đánh ghen, trèo dừa... là được người dân ưa chuộng nhất. Nhà ai ít nhất cũng phải có một vài bức tranh treo trong nhà. Nó là dấu hiệu cho năm mới.
So với các loại hình nghệ thuật khác, tranh Đông Hồ là một loại hình mang đậm dấu ấn của văn hoá dân gian. Các bức tranh đều khuyết danh, được nhiều thệ hệ bồi đắp, phong phú thêm dần vào nội dung các bức vẽ. Cũng không ai có thể đưa ra một câu khẳng định chính xác. Tranh Đồng Hồ có bao nhiêu loại, bao nhiêu nội dung... Đến một người bỏ cả đời ra làm tranh, nhằm vực lại nét văn hoá của tổ nghiệp như ông Chế bây giờ có trong tay 180 bản vẽ các loại tranh. Cũng chẳng biết đã đủ hay không, nhiều hay ít? Dù ông Chế có nói rằng, phát hiện bất kỳ một bản vẽ nào, dù có phải mua với giá bao nhiêu, ông cũng sẽ cố gắng có được để thu về một mối.

Một bức tranh Đông Hồ được hình thành bởi năm màu sắc. Màu trắng của giấy Điệp, đỏ của son, vàng của hoa hoè, đen lá tre và xanh của chàm. Tức là hoàn toàn màu và chất liệu tự nhiên có trong dân gian. Không bị chi phối của hoá chất. Và, mỗi bức tranh đều là những bài học ý nghĩa được đúc rút từ cuộc sống và phản ánh cuộc sống. Ví như Đám cưới chuột, họ hàng nhà chuột muốn cưới vợ, rước chú rể cùng lá cờ ghi chữ “Nghênh hôn” thì bên cạnh lại phải có một bộ phận khác mang quà cáp đến cho ‘ông mèo” với lá cờ “Thủ lễ”. Đó là bức tranh nhằm đả kích tầng lớp thống trị thời phong kiến. Hay bức tranh “Hứng dừa” lại là lời ca về lòng chung thuỷ, thuận vợ thuận chồng với hai câu thơ: “Trong như ngọc trắng như ngà/Đây trèo đấy hứng cho vừa lòng nhau”. Bức “Đánh ghen” có vẽ cây đa, một ông chồng và hai bà vợ là một ngụ ý lên án chế độ đa thê. Bà vợ hai được chồng yêu chiều nên thách thức bà vợ cả, ông chồng khó xử chẳng biết can ngăn ra sao nên các tác giả dân gian cho thêm vào hai câu thơ: “Thôi thôi nuốt giận làm lành/Chi đừng sinh sự nhục mình nhục ta”. Tranh Đông Hồ là những bức tranh phản ánh về cuộc sống, văn hoá, tình cảm và tín ngưỡng... Được các tác giả khuyết danh nghĩ ra nhưng nhìn vào những phân tích ở trên thì chúng ta có thể thấy, dù khuyết danh nhưng đó phải là sản phẩm của những người trí thức, được đọc sách vở thánh hiền. Hàng trăm năm nay, vẽ tranh đã tạo nên cho Đông Hồ một tên gọi, một sự nhắc nhớ về cội nguồn văn hoá. Câu ca này đã có rất lâu, nhưng nhiều người già vẫn thuộc: “Cô kia mà thắt lưng xanh/Có về làng Mái với anh thì về/Làng Mái có lịch có lề/Có sông tắm mát có nghề làm tranh”. Làng Đông Hồ, ngày xưa còn có tên gọi là làng Mái
Một người muôn năm cũ...
Bây giờ vào làng Đông Hồ hỏi thăm gia đình ông Chế thì ai cũng biết. Ông cũng chẳng nổi tiếng gì nhưng ở cái làng mà một thời nhà nhà vẽ tranh cho đến bây giờ những người còn theo nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó có gia đình ông, thì mọi người phải biết. Có một thời gian dài làm giảng viên của trường ĐH Mỹ Thuật Công Nghiệp, rồi cán bộ của NXB Mỹ Thuật thì có thể nói chất “nghệ”, nhu cầu được gắn với giấy điệp, bản khắc... trong ông còn đậm lắm. Đấy chưa kể, ông còn là hậu duệ đời thứ 22 của một dòng họ vẽ tranh Đông Hồ nức tiếng xứ Kinh Bắc một thời.
Năm nay đã 73 tuổi, từ khuôn mặt cho đến dáng đi chẳng khác một lão nông tri điền nhưng được mục sở thị những ngón tay ông múa trên tấm giấy điệp rất mực tài hoa thì mới hiểu tại sao, ở người đàn ông đã thất thập cổ lai hi này lại đam mê và còn đắm đuối với nét văn hoá của cha ông đến vậy. Về hưu năm 1995, sau bao nhiêu năm mải mê với công việc của viên chức nhà nước, có tuổi trở về làng. Bước vào mảnh đất sản sinh ra nghề vẽ tranh mà như bước vào nơi xa lạ, ông Chế đã khóc nức nở. Dấu tích của một thời chẳng còn mấy, ông Chế đã ba ngày ba đêm ra thắp hương lên phần mộ của tổ tiên để làm sao các bậc tiền nhân soi đường chỉ lối cho ông có thể vực lại nghề truyền thống của dòng họ, làng xã, chứ cứ thế này thì chẳng bao lâu nữa từ tranh Đông Hồ có lẽ sẽ biến mất thực sự. Mà như thế thì những thế hệ đi sau như ông và lớp con cháu quả thật có tội với bậc tiền nhân. Ông viết đơn đi khắp nơi, run rủi thế nào, nhà văn hoá Hữu Ngọc cũng biết chuyện, ông Ngọc ngồi nói chuyện với ông Chế suốt một buổi chiều rồi từ giã ra về, chẳng biết ý tứ thế nào nhưng ông Chế bảo, những tâm tư tình cảm cũng như trăn trở ông kể hết. Ở tuổi của ông, để làm kinh tế hoặc vụ lợi gì cho mình thì không có lý. Ba ngày sau, Quỹ văn hoá Thuỵ Điển và nhà văn hoá Hữu Ngọc lại xuống Bắc Ninh. Lúc này con đường của ông Chế ít nhiều đã bớt đơn độc. Chút tài sản tích góp được mấy chục năm làm công chức, ông Chế bỏ hết ra tìm mua những bản khắc cổ đang còn rải rác trong nhân gian. Mấy đứa con ông phát hoảng nhưng giờ thì ít nhiều chúng đã hiểu tấm lòng của ông.

Hiện nay ông Chế đang có trong tay 26 bản khắc cổ. Có những bản đã tồn tại gần 10 đời, những bức tranh tồn tại hàng trăm năm... Hai người con thấy ông đắm đuối quá, cũng tình nguyện bỏ nghề làm hàng mã đang phát triển để quay lại cùng bố làm tranh. Để có thể có đất gây dựng lại nghề truyền thống, được sự giúp đỡ của một số tổ chức phi chính phủ, UBND Huyện Thuận Thành đã cho gia đình ông thuê 5500m2 đất để ông có thể hoạt động như mục đích đề ra: sưu tầm, bảo tồn, phục chế và phát triển tranh Đông Hồ. Còn sức còn làm. Cái mong muốn mà ông Chế bảo ông còn có thể thực hiện được là đào tạo những nghệ nhân làm tranh. Nhưng thấy vẫn còn mông lung lắm. Vì ở làng, bây giờ chỉ còn gia đình ông và một hộ nữa là vẫn đang theo nghề vẽ tranh. Với một làng nghề truyền thồng có hàng trăm năm như Đông Hồ thì có thể nói đây là những hộ gia đình đang đơn thương độc mã. Cũng chẳng biết họ sẽ xoay xở như thế nào với cơ chế thị trường…
Hướng đi nào cho tranh?
“Đúng là với một làng nghề có truyền thống lâu đời như Đông Hồ mà chỉ còn hai hộ gia đình làm thì qủa là buồn và đáng lo.” Ông phó chủ tịch xã Song Hồ, Nguyễn Như Điều cũng phải cám cảnh nói với chúng tôi như vậy. Theo lời ông Điểu, với những nét văn hoá độc đáo không chỉ của Bắc Ninh mà còn mang tính quốc gia như tranh Đông Hồ mà bây giờ ở vào một hoàn cảnh như vậy thì không ổn. Nhưng ở thẩm quyền của xã thì xã chịu. “Người dân không tìm được đầu ra. Mà cấp xã như chúng tôi thì liên hệ giao dịch để tạo một hướng đi cho những nghệ nhân là rất khó. Cũng mong làm sao các cơ quan báo chí, rồi các tổ chức xã hội nêu ra được thực trang để biết đâu qua đó có những hướng giải quyết, vực dậy chưa nói nhưng bảo tồn và lưu giữ những nét văn hoá phi vật thể này thì rất cần. Có chủ trương là chúng tôi thực hiện ngay. Thậm chí đào tạo cho con em bằng việc mở các lớp học chúng tôi cũng sẵn sàng.”

Có dịp tiếp xúc với một số người nước ngoài đến thưởng ngoạn tranh ở nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, họ cũng tỏ ra rất thú vị và yêu mến những nét hoạ từ bức tranh đã tồn tại trên đất nước Việt Nam hàng mấy thế kỷ. Ông Chế bảo ngày nào cũng có khoảng 8 đến 10 đoàn khách quốc tế đến thăm và thưởng ngoạn tranh. Cuối năm 2007 vừa qua, ông Lê Doãn Hợp, uỷ viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch cũng đã có dịp đến thăm và viết lưu niệm tại gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế: “Chúc bác Nguyễn Đăng Chế tiếp tục phát huy truyền thống gia đình trong việc tôn vinh văn hoá dân tộc từ nghề làm tranh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế và chấn hưng văn hoá dân tộc, đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế thắng lợi.” Với ông Chế, những ghi nhận đó là nguồn động viên để ông tin vào con đường mình đang đi. Nhưng ông cũng buồn, vì tuổi đã cao, mà con đường thì còn xa quá...
(ST)

PHẠM TIẾN DUẬT



Cố nhà thơ Phạm Tiến Duật

Tiểu sử nhà thơ Phạm Tiến Duật
Phạm Tiến Duật sinh ngày 14 tháng 1, 1941 - 4 tháng 12, 2007, ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Cha ông là nhà giáo, dạy chữ Hán và chữ Pháp, còn mẹ làm ruộng, không biết chữ. Ông tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, nhưng sau đó không tiếp tục với nghề giáo mà quyết định lên đường nhập ngũ.

Trong thời gian này, ông sống và chiến đấu chủ yếu trên tuyến đường Trường Sơn. Đây cũng là thời gian ông sáng tác rất nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng. Năm 1970, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ, Phạm Tiến Duật được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Chiến tranh kết thúc, ông về làm việc tại Ban Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt nam. Hiện nay, ông sống ở Hà Nội, là Phó trưởng Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam. Ông cũng là người dẫn chương trình của một chương trình dành cho người cao tuổi của kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam

Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.

Ngày 19 tháng 11 năm 2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký lệnh tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Ngày 4 tháng 12 năm 2007, vào khoảng 8h50, ông mất tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vì căn bệnh ung thư phổi.

Đóng góp

Ông đóng góp chủ yếu là tác phẩm thơ, phần lớn thơ được sáng tác trong thời kỳ ông tham gia quân ngũ. Thơ của ông được các nhà văn khác đánh giá cao và có nét riêng như: giọng điệu sôi nổi, trẻ trung và có cái "tinh nghịch" nhưng cũng rất sâu sắc. Nhiều bài thơ của ông đã được phổ nhạc thành bài hát trong đó tiêu biểu nhất là "Trường Sơn đông, Trường Sơn tây".

Những tập thơ chính:

• Vầng trăng quầng lửa (thơ, 1970), nổi tiếng nhất với tác phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính"
• Thơ một chặng đường (thơ, 1971)
• Ở hai đầu núi (thơ, 1981)
• Vầng trăng và những quầng lửa (thơ, 1983)
• Thơ một chặng đường (tập tuyển, 1994)
• Nhóm lửa (thơ, 1996)
• Tiếng bom và tiếng chuông chùa (trường ca, 1997)
• Tuyển tập Phạm Tiến Duật (in xong đợt đầu ngày 17-11-2007, khi Phạm Tiến Duật đang ốm nặng)

Ông được ca tụng là "con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại", "cây săng lẻ của rừng già”, "nhà thơ lớn nhất thời chống Mỹ”. Thơ ông thời chống Mỹ từng được đánh giá là "có sức mạnh của một sư đoàn".

ĐIỆN KÍNH THIÊN ( HÀ NỘI )



Điện Kính Thiên

Hoàng thành Thăng Long qua các triều đại có thể to nhỏ khác nhau, vòng thành có thể rộng hẹp khác nhau, nhưng trên trục hoàng đạo nối từ Cửa Bắc đến Cửa Nam có một địa điểm không khi nào thay đổi, đó chính là Điện Kính Thiên.

Từ khi triều Nguyễn rời đô vào Huế, đã đổi cả tên lẫn đơn vị hành chính của Kinh thành Thăng Long ra Bắc Thành rồi tỉnh Hà Nội, thành quách bị phá đi xây gọn nhỏ lại.(CÓ TIN NÓI DO NGUYỄN ÁNH TRẢ THÙ TRIỀU TRƯỚC ĐÃ GIẾT CHA NGUYỄN ÁNH MÀ THÀNH QUÁCH BỊ PHÁ ĐI) Không gian của Điện Kính Thiên xưa, nay được làm nền xây Hành Cung để mỗi lần Hoàng đế ngự giá Bắc Hà làm nơi Ngài ngự và tiếp kiến quần thần.

Điện Kính Thiên đương nhiên không còn như xưa, duy nhất còn mấy đôi rồng đá rất đặc trưng của nghệ thuật tạo hình thời Lê là còn nguyên vẹn, trừ mấy đôi rồng nhỏ phía sau đã bị mất. Toà Hành Cung vẫn hiện diện khi quân Pháp mới chiếm thành nên ta mới có hính ảnh toà nhà xây trên nền Điện cũ khá hoành tráng. Ảnh này được chụp nhưng để in họ phải chuyển sang hình thức khắc đồng (iconographie) (ảnh 1).

Nhưng rồi toà kiến trúc ấy cũng biến mất, thay bằng những bức tường dày xây gạch làm công trình phòng thủ của đội quân chiếm đóng khi chiến sự chưa chấm dứt (ảnh 2).

Hình bóng những tên lính đánh thuê ngoại quốc lố nhố trên nền điện linh làm ta liên tưởng đến câu ca trong áng văn vần “Hà Thành thất thủ” nói lên cái nỗi nhục của một dân tộc bị mất nước :

“Kính Thiên ngai ngự thiếp vàng
Tây ngồi đánh chén với đoàn thanh lâu”

Đến năm 1887, khi công cuộc bình định của người Pháp đã hoàn thành, trên nền điện cũ, thực dân xây một kiến trúc hoàn toàn Tây phương làm Đại bản doanh lực lượng Pháo binh thuộc địa (Direction d’ Artillerie)

Sau ngày ta tiếp quản Thủ đô (1954), khu vực thành cũ trở thành doanh trại quân đội ta và Toà nhà trên Điện Kính Thiên được củng cố tầng hầm để trở thành “Tổng hành dinh” chỉ huy cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Vì thế ngày nay, không gian này trở thành một di tích “kép” cho cả hai thời đại, Điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long xưa (đang được đệ trình UNESCO công nhận quần thể Hoàng thành là Di sản Văn hoá Thế giới) và Bộ Tổng chi huy Quân đội Nhân dân, di tích lịch sử quan trọng của Lịch sử hiện đại Việt Nam.

HỘI ĐÀM MỸ TRUNG 18/11/2009



Xét trong bối cảnh thế giới hiện nay, phát triển quan hệ Trung – Mỹ là nhu cầu của cả hai bên, đều xuất phát từ lợi ích riêng mỗi nước. Với Mỹ, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, tỉ giá quốc tế của đồng USD trên mức độ rất lớn đã chịu hạn chế của Trung Quốc, ngoại tệ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình khôi phục kinh tế sau khủng hoảng của Mỹ. Ngoài ra, hiện nay Mỹ đang rất cần sự ủng hộ và phối hợp của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân ở I-ran và Triều Tiên. Chính vì thế, trong ngày thứ hai thăm Trung Quốc, Tổng thống Ô-ba-ma đã cam kết không tìm cách “kìm hãm Trung Quốc”. Còn về góc độ của Trung Quốc, hiện tại sự phát triển kinh tế của Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc nhất định vào Mỹ, có mối quan hệ cùng chung lợi ích với Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã không ngại ngần cho rằng quan hệ Trung-Mỹ tốt đẹp đáp ứng lợi ích cơ bản của hai nước.

Sau khi Tổng thống Ô-ba-ma lên cầm quyền, chính sách đối với Trung Quốc đã được điều chỉnh từ “phức tạp” dưới thời người tiền nhiệm Bu-sơ sang “toàn diện”. Nhưng điều chỉnh đến đâu lại là một vấn đề khác. “Vực thẳm” nghi kị và lo ngại vốn tồn tại lâu nay giữa hai nước đã thực sự được xóa bỏ hay chưa vẫn là điều chưa ai dám khẳng định. Trên bình diện ngoại giao, hai nước đều tỏ thái độ mềm mỏng và thiện chí, nhưng chưa làm thay đổi hoàn toàn bản chất hợp tác và cạnh tranh vốn có trước đây trong quan hệ giữa hai nước.

Tổng thống Ô-ba-ma nói rằng, với tất cả những gì xảy ra trên thế giới ngày nay, sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc giờ đây quan trọng hơn bao giờ hết. Có lẽ ông Ô-ba-ma nhận ra rằng, một Trung Quốc với tầm ảnh hưởng vượt ra khỏi khu vực đã bắt đầu có bước biến chuyển tới vị thế cân bằng với Mỹ. Với nhiều lợi thế, Trung Quốc đã buộc Mỹ phải xem xét lại khái niệm “Trung Quốc - đối thủ” để tiến tới “Trung Quốc – đối tác”. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà sự nghi kị và lo ngại lẫn nhau vẫn tồn tại thì điều quan trọng nhất lúc này là hai nước cần phải làm yên lòng nhau vì những mục tiêu chiến lược của mình.

NỀN KINH TẾ MỚI


MỘT NGÔI SAO CHỔI LƯỚT NGANG TRỜI !


Các nền kinh tế mới nổi châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Inđônêsia, và Singapore) công bố tổng sản phẩm quốc nội GDP quí II/2009 tăng bình quân trên 10%. Trung Quốc được đánh giá là quốc gia đầu tiên thoát khỏi khủng hoảng, bởi vì:
Thứ nhất, nhờ kết hợp thành công nền kinh tế thị trường với hơn 30 năm mở cửa, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc liên tục đạt từ 9%;
Thứ hai, chính phủ Trung Quốc có nhiều chính sách tiền tệ linh hoạt, đây là điều mà các nền kinh tế mới nổi khác chưa thể chuẩn bị được;
Thứ ba, Trung Quốc có thị trường tiêu thụ nội địa lớn, điều này các quốc gia khác không thể có và dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới (hơn 2 nghìn tỉ USD) và có thể đạt 2,7 tỉ USD vào cuối năm 2009. Sản xuất công nghiệp trong tháng 7/2009 của Trung Quốc tăng trưởng 11%, đầu ra của sản phẩm điện tử và ô tô đạt cao kỷ lục. Gói kích thích kinh tế khổng lồ 586 tỉ USD đã có tác động quyết định đến sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Trong khi ngành công nghiệp ô tô của thế giới đang lao đao thì doanh số xe hơi của Trung Quốc vẫn tăng 30% trong 8 tháng đầu năm 2009. Trung Quốc vượt Mỹ và trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản trong nửa đầu năm 2009. Trong bối cảnh tiêu dùng giảm mạnh trên thế giới, Trung Quốc chuyển hướng sang kích cầu nội địa, lĩnh vực có tiềm lực lớn. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự đoán sau 2 năm Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vói tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 12% năm 2012.

Việt Nam là thị trường mới nổi có sức hấp dẫn nhất châu Á do chi phí sản xuất thấp và số dân trong độ tuổi lao động tương đối nhiều. Việt Nam nằm trong top 10 nước có tốc độ tăng trưởng cao. Các nền kinh tế mới nổi châu Á bật nhanh nhờ có 3 yếu tố cơ bản sau:

Thứ nhất, do ngành chế tạo ở những nước này chiếm tỉ trọng lớn trong ngành kinh tế. Ngành điện tử và ô tô là 2 ngành công nghiệp có tính tuần hoàn cao, nhu cầu giảm nhanh nhưng cũng tăng nhanh khi kinh tế có dầu hiệu phục hồi;

Thứ hai, do mức giảm xuất khẩu đã chậm lại trong những tháng đầu năm 2009;

Thứ ba, do chương trình chấn hưng nền kinh tế có qui mô lớn hơn so với các nước phương tây, hiệu quả nhanh hơn dẫn đến nhu cầu tiêu thụ ở thị trường nội địa khôi phục nhanh hơn.

Theo báo cáo của Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ (NIC), các nền kinh tế mởi nổi châu Á sẽ có triển vọng sáng sủa nhờ thị trường tiêu dùng rộng lớn, hứa hẹn nhanh chóng vượt cả Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cộng lại. Năm 2025, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; năm 2035 tổng sản phẩm quốc dân của Trung Quốc và Ấn Ðộ vượt Mỹ; Giai đoạn 2040-2050, GDP của BRIC bắt kịp G-7. Ngân hàng Thương mại Mỹ Goldman Sachs đánh giá, tài sản của BRIC sẽ vượt của Mỹ, Ðức, Pháp, Anh, Italy và Nhật Bản gộp lại vào năm 2040. Công ty Tài chính toàn cầu Barclays ước đoán, vào năm 2017 Ấn Ðộ có 411.000 triệu phú USD (hiện có 100.000 người), đứng thứ tám thế giới về số người có tài sản trên 1 triệu USD vào năm 2017. Trung Quốc hiện có số tỉ phú lớn thứ 2 thế giới (sau Mỹ) với khoảng 260 người. Tổng tài sản của 1000 người giàu nhất Trung Quốc trong Báo cáo thường niên của Tạp chí Hurun ngày 14/10/2009 có giá trị 571 tỉ USD, tăng 130 tỉ USD so với năm 2008.

Những nền kinh tế mới nổi có sức hút đầu tư nước ngoài (FDI) lớn.

Với 3 tỷ dân và sở hữu phần lớn dự trữ ngoại hối trên thế giới, các nền kinh tế mởi nổi châu Á sẽ trở thành nơi đầu tư được lựa chọn vì có đủ điều kiện phát triển và khá ổn định về chính trị. Tình hình các nước BRIC lành mạnh, tiềm lực tài chính tốt, tỷ lệ giới trẻ cao sẽ là những nhân tố hỗ trợ tăng trưởng lâu dài nên càng thu hút giới đầu tư quốc tế.

Tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu Hàn Quốc đạt 14,8 tỉ USD (tháng 6/2009) và dự báo xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục ổn định nhờ những xử lý lính hoạt và hiệu quả của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) trong việc giải quyết nợ nước ngoài nhưng vẫn duy trì dự trữ ngoại tệ ở mức trên 210 tỉ USD (đứng thứ 6 trên thế giới). Đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc trong 7 tháng đầu năm 2009 tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Hàn Quốc đang tiếp tục tạo dựng môi trường "ngoại thương thân thiện" thông qua nhiều biện pháp khuyên khích đầu tư nước ngoài. Cụ thể, chính phủ miễn hoàn toàn thuế thuê đất cho khu vực có vốn đầu tư nước ngoài để sản xuất vật liệu và phụ tùng máy móc.

Trong số 5 địa điểm thu hút FDI lớn nhất thế giới, thì các nền kinh tế mới nổi chiếm tới 4, đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nga. Ba thị trường đang nổi là Brazil, Trung quốc và Ấn Độ thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài, bởi vì, Thứ nhất, đối với Trung quốc, nhờ có chính sách tài khóa linh hoạt và mức dự trữ lớn 2 nghìn tỷ USD; Thứ hai, thị trường chứng khoán của Ấn Độ có giá cao hơn chứng khoán ở các nước châu Á khác do các công ty của Ấn Độ làm ăn tốt hơn và tạo cơ hội thu lời chứng khoán cao hơn; Thứ ba, trong khi nhu cầu dầu và nguyên liệu cơ bản giảm mạnh thì hàng hóa nông nghiệp được sản xuất tại Brazil lại ít bị ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế. Hệ thống ngân hàng của Brazil vững chắc với mức nợ trong tầm kiểm soát và tăng trưởng trong cho vay nội địa. FDI vào Trung Quốc mỗi năm đạt khoảng 87 tỷ USD và chiếm khoảng 6% tổng FDI toàn cầu giai đoạn 2007-2011. Trung Quốc vẫn là điểm đến hàng đầu cho FDI đứng trên cả Mỹ, Brazil và Nga.

Các nền kinh tế mới nổi có tiềm năng lớn về thị trường tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ

Dân số đông và thị trường rộng lớn là những điểm hấp dẫn khác nữa của các nền kinh tế mới nổi. Trong khi dân số của các nước phát triển chỉ khoảng 960 triệu người năm 2008 thì dân số của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển chiếm tới 5.721 triệu người. Riêng nhóm BRIC đã chiếm 42% dân số thế giới và 13% khối lượng giao dịch thương mại toàn cầu năm 2008. Dân số ở các nền kinh té mới nổi và đang phát triển trẻ hơn (chiếm 46,8%) so với 29,7% ở các nước phát triển. Các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng nội địa. Giới trẻ sẽ là những người tiêu dùng nhiều nhất, giúp cho nền kinh tế trụ vững chắc. Một khi đã trụ vững và vượt qua khỏi khủng hoảng thì thị trường tiêu thụ ở các nền kinh tế mới nổi này sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư ở tất cả các lĩnh vực.

Các nền kinh tế mởi nổi sẽ giữ vai trò lãnh đạo mới trong xu hướng kinh tế toàn cầu.

Các nền kinh tế mởi nổi châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc và Ấn Ðộ, sẽ định hướng nền kinh tế thế giới trong tương lai và có sức mạnh ngày càng lớn. Về tốc độ phát triển, BRIC có thể bắt kịp G-8. BRIC sẽ bù đắp sự giảm sút tiêu dùng ở các nước phát triển (riêng ở Mỹ chiếm 21% GDP toàn cầu). Các nền kinh tế mới nổi sẽ cung cấp không chỉ nguyên vật liệu và nhân công rẻ, mà quan trọng hơn, là cung cấp khả năng và tính sáng tạo của con người.

Hàn Quốc đã vươn lên thành nước xuất khẩu lớn thứ 10 trên thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đạt 104,9 tỉ USD (4/2009) vượt Canada. Chỉ số lòng tin tiêu dùng của người dân Hàn Quốc và của giới doanh nghiệp liên tục tăng. Hàn Quốc vượt qua khủng hoảng và phục hồi nhanh nhờ thặng dư cán cân vãng lai và những yếu tố cơ bản sau: Thứ nhất, chính phủ Hàn Quốc đã thúc đẩy thực hiện các chính sách ổn định tài chính và tài chính mở rộng từ cuối năm 2008; Thứ hai, Hàn Quốc có lượng dự trữ ngoại tệ dồi dào, lên đến 240 tỉ đô-la Mỹ, tỉ lệ lãi suất và tỉ giá hối đoái ổn định giúp cho nền kinh tế phục hồi nhanh; Thứ ba, công nghiệp ô tô đóng tàu và công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc có tính cạnh tranh cao, giữ vững sức mạnh cho xuất khẩu ổn định của quốc gia, Với nền tảng chính trị vững chắc, Hàn Quốc sẽ không gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các biện pháp can thiệp tài chính mạnh mẽ. Theo OECD, Hàn Quốc sẽ là một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng GDP cao (khoảng 4,9%) trong giai đoạn 2011 -2017.

Với tiềm năng tăng trưởng, sự năng động trong kinh doanh, tỷ lệ tiết kiệm cao, dân số lao động chăm chỉ và một loạt các biện pháp đối phó với khủng hoảng, các nền kinh tế mới nổi đã vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính. Hiện 2/3 thế giới sống trong các nền kinh tế mới nổi, vì vậy, nếu các nền kinh tế mởi nổi có vai trò hơn nữa và cùng hợp sức lại, cùng cố gắng để giải quyết các vấn đề về kinh tế, xã hội thì sẽ làm cho các nền kinh tế mới nổi hấp dẫn hơn và ít rủi ro hơn.
(st)

CHỮ TÂM LÀ GÌ ?


BOM NGUYÊN TỬ ĐƯỢC MỸ THẢ 1945,NHỜ VẬY NHẬT ĐẦU HÀNG, CHẤM DỨT THẾ CHIẾN THỨ II ?
Chữ Tâm

Tâm là một điểm tuy nhỏ nhưng quan trọng, nên người ta mới gọi là tâm điểm.
Tâm của con người càng quan trọng hơn vì nó nói lên nhân cách của một con người:
- Tâm lệch lạc thì cuộc sống nghiêng ngã đảo điên.
- Tâm gian dối thì cuộc sống bất an.
- Tâm ghen ghét thì cuộc sống hận thù.
- Tâm đố kỵ thì cuộc sống mất vui.
- Tâm tham lam thì cuộc sống dối trá …
Cho nên , ta không những đem tâm của mình đặt ngay trên ngực để yêu thương, mà còn:
- Đặt trên tay để giúp đỡ người khác.
- Đặt trên mắt để nhìn thấy nổi khổ của tha nhân.
- Đặt trên trán để mau mắn chạy đến với người cùng khổ.
- Đặt trên miệng để nói lời an ủi với người bất hạnh.
- Đặt trên tai để biết nghe lời than trách, góp ý của người khác.
- Đặt trên vai để biết chịu trách nhiệm và chia sẻ trách nhiệm với anh em chị em.
Thân xác không tim thì thân xác chết, làm người không có tâm thì cuộc sống chỉ có hận thù và là mối nguy hiểm cho mọi người