Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2009

Con người Sở Khanh




Tác giả: Phạm Duy Tốn


Thầy thông Ất làm việc ở sở… tỉnh…, mới kết duyên với cô Giáp, là lệnh ái ông bá hộ Đinh. Hai bên lấy nhau cũng là xứng đôi phải lứa. Thiên hạ chẳng ai chê cười điều gì.
Thầy Ất đẹp trai, mặt mày nhẵn nhụi. Chàng vừa trạc tuổi thanh xuân; hình dung chải chuốt, áo quần bảnh bao.
Cô Giáp, người mũm mĩm, trông cũng xinh xinh. Nàng đương xuân chỉ nhị đào, rượu nồng dê béo, ai nào chẳng ưa!
Nhà ông bá, bà bá cũng có, cho nên đám cưới to. Đồ tư trang sắm đủ: vòng, xuyến, hột, hoa, mớ ba, mớ bảy, chẳng thiếu thứ gì. Giá người không kể, chỉ những đồ vàng cô dâu đeo ở trong mình, cũng đã ngót nghìn đồng bạc, lại còn tiền hồi môn, kẻ đồn một nghìn, người nói năm trăm; nhưng thực sự thì chỉ có bốn gói mà thôi, mỗi gói năm mươi nguyên(1) chẵn.
Quý hoá lắm thay! Thầy Ất được cả người lẫn của; Thật là chuột sa chĩnh gạo…
Cưới xong, hai vợ chồng mới, dọn nhà ở riêng. Trừ lúc nào thầy thông đi làm việc thì thôi, còn khi ở nhà, hai người cứ bám chặt lấy nhau, không chịu rời ra một phút. Ngày đêm đóng kín cửa lại, vợ chồng hú hí với nhau: Loan ôm phượng, phượng bồng loan. Miệt mài trong cuộc truy hoan, trai tơ gái nõn, xuân đang mặn mà. Tha hồ vui chữ “Nghi gia”!…
*
* *
Cách ít lâu, một hôm chồng bảo vợ rằng:
- Mình ơi, mình với tôi, ta lên Hà Nội chơi một phen cho phỉ chí. Tôi sẽ đưa mình đi coi hát tuồng, đi ăn cao lâu; lên xem Quán Thánh, trại Hàng hoa, xuống chơi Bôn Be, hồ Hoàn Kiếm. Thuê xe cao su, dạo khắp mọi nơi cho thoả thích. Mình có ưng không?
Vợ hớn hở vui mừng hỏi:
- Thế thì hôm nào đi?
- Để yên xem… Hôm nay thứ mấy?… Thứ Tư, có phải không… Vậy thì mai tôi xin phép, đến thứ Bảy ta đi.
- Thật chứ?
- Thật.
- Ừ, thế thì nhất định thứ Bảy đi, nhé!
- Nhất định.
*
* *
Tối thứ Sáu vợ bảo chồng rằng:
- À này mình ạ. Hai trăm bạc tôi đem gửi thầy đẻ, nhé? Mang đi làm gì cho nó phiền, nhỉ?
Chồng đáp:
- Ừ, đem cả đi làm gì!… Ơ! Thế nhưng mà ngộ mình còn muốn mua bán sắm sửa gì nữa chăng? Bất nhược cứ đem quách cả đi cho tiện.
- Ừ, mà phải. Mấy khi lên Hà Nội tội gì chẳng sắm? Để mai đổi cả lấy giấy mang đi cho khỏi nặng.
*
* *
Chiều hôm sau, lúc sắp ra tàu, bố vợ dặn rằng:
- Trong mình mang nhiều tiền bạc, đi đường phải cẩn thận lắm mới được. Tôi chỉ lo vợ chồng trẻ, mê ăn mê ngủ, mà ở tàu thuỷ, thì kẻ cắp như rươi.
Chàng rể thưa:
- Xin thầy đừng ngại. Con ở sở, lắm khi chủ giao cho bạc nghìn, giắt ở trong lưng, một mình con còn chẳng hề gì, huống hồ nay lại có cả nhà con nữa thì thầy còn lo sợ gì!
Bà bá bảo rằng:
- Ấy ở nhà không sao, chứ đi tàu thì phải giữ. Tiền đã bỏ vào trong ví, mà để vào valít cẩn thận rồi, có phải không?…
Thế thì những hoa, hột, vòng, xuyến, nhẫn của chị thông, cũng nên tháo hết ra mà cất vào trong valít ấy. Người ngồi đâu thì để liền ngay bên cạnh; hễ nằm thì gối đầu lên trên, nhé.
- Vâng, vâng.
Vội vàng miệng nói tay làm, bao nhiêu bộ cánh thu cả vào valít, chỉ để lại đôi hoa đeo tai mà thôi.
*
* *
Tầu xúplê(2), kéo neo, xịch xịch chạy. Hai giờ đêm, đến bến Hà thành. Đèn hiệu sáng trưng, cô thông nom cũng choáng mắt.
Chồng bảo vợ rằng:
- Ta thuê xe cao su vào ôten(3) cho tiện.
Vợ ưng:
- Ừ, đi đâu cũng được. Nhưng mà có xa không?
Chồng nói:
- Không. Chỉ năm xu xe, chạy nhoáng một cái đến nơi ngay.
Rồi gọi:
- Cao su!… Hai cái!
Vợ lên một xe, chồng lên một xe. Xe vợ chạy trước, xe chồng chạy sau.
Xe kéo rập rình, qua hết phố này sang phố khác. Đêm khuya, đường sá vắng ngắt, thiên hạ ngủ im. Đến Hàng Đào, phu xe hỏi:
- Đi cà phê nào đây, cô?
- Tôi cũng chẳng biết nữa. Anh thử hỏi xe sau xem.
Phu xe ngoảnh lại, chẳng thấy bóng cao su nào. Cô thông thò đầu ra, bảo quay xe lại; nhìn mãi cũng không thấy gì.
Hai bên hàng phố, cửa đóng kín mít; bốn bề im lặng như tờ. Dãy đèn điện sáng choang, thăm thẳm một dải đường dài trắng xoá…
Cô thông giật mình:
- Ô hay! Xe kia đi vào đường nào?… Đây là phố gì, hử bác?
- Phố Hàng Đào.
- Bác có biết xe sau chạy ngả nào, không?
- Không biết!
- Chết chửa! Coi khéo chẳng lại lạc, nhé…
Cậu culi(4) giở giọng nói ngay:
- Ơ hay! Có lẽ bây giờ cứ đứng giữa đường này, ư? Cô bảo tôi kéo đi đâu, chứ?
- Hãy khoan đã, bác. Thử đợi tí nữa, xem sao. Ngộ xe nhà tôi đi chậm chăng, vì còn mắc cái valít nặng.
Culi bèn nạc mỡ rằng:
- Thôi, mất cậu rồi. Đừng mong người với valít nữa. Hụt món này, ta lõng món khác vậy.
Cô ta nghe nói, lạnh gáy cả người; những lo ngay ngáy, bụng bảo dạ rằng: “Chết nỗi! Bây giờ làm thế nào đây? Bơ vơ phận gái, đêm khuya một mình ở nơi đất khách, biết nương vào đâu?… Mà chồng thì đi đường nào? Sao lại có lạc được? Lẽ đâu vô ý thế!…”
Còn đang lúng túng, thì có phulít(5) đi qua, hỏi: “Cái gì?”
Cô kia vừa buồn, vừa hãi, thấp cao kể rõ sự tình. Phu-lít bảo: “Đi lên bóp!”
Ấy mới rầy rà! Ấy mới thật là chết! Làm thế nào được bây giờ. Trời ơi!…
May sao, giữa lúc ấy, có một thầy ra dáng làm việc tây, cũng đi qua đó; thấy lôi thôi, đứng lại gần xem.
Thốt nhiên, thầy ta giương mắt trừng trừng, nhìn vào tận mặt người đàn bà mà hỏi:
- Có phải cô Giáp đấy, không?
Cô Giáp ngạc nhiên, đổi lo ra mừng:
- Phải, tôi đây… Kìa, thầy Bính!…
- Chết rồi! Cô lên đây bao giờ?… Lên làm gì trên này?… Đi với ai?… Đêm hôm khuya khoắt, sao lại chỉ có một mình thôi?
- Tôi vừa ở tàu thuỷ lên với nhà tôi…
- Vậy… thầy đâu?
- Xe tôi đi trước, xe nhà tôi đi sau. Bây giờ trông lại, không thấy đâu nữa. Dễ thường lạc rồi, thầy ạ.
- Hừ!… Lạ thật! Sao lại lạc được?
Thấy Bính nghĩ một lát, rồi lại đoán rằng:
- Hay là gặp anh em, còn đứng lại nói chuyện chăng?… Nhưng cũng không có lẽ… Ai lại bỏ vợ bỡ ngỡ, đi một mình trong thành phố đêm khuya như vậy!… Thôi, để tôi nói với thầy đội. Xin mời cô hãy về tạm đằng nhà, nghỉ ngơi với mẹ cháu cho tiện. Rồi sáng mai ta sẽ liệu.
*
* *
Mai cũng chẳng thấy gì; kia cũng chẳng thấy gì. Trong hai ba ngày, tịnh vô âm tín.
Cô Giáp sốt gan sốt ruột. Hai vợ chồng thầy Bính trong lòng cũng áy náy mà phân vân: “Ô hay! Tìm hết nơi này, hỏi hết chỗ kia, sao mà chẳng thấy tăm hơi đâu cả, là nghĩa làm sao? Kì thật!…”
Đến ngày thứ tư nhân ngồi nói chuyện việc cưới mình, cô Giáp mới thuật lại cả đầu đuôi: “Chồng tôi nghe đâu người ở tỉnh X(6). Cha mẹ mất sớm, mồ côi một mình, trước sau chẳng có ai cả; thân lập lấy thân. Thầy đẻ thương tình mà gả, chứ nào có phải rằng là tham của tham cải gì đâu! Vả chưng chồng tôi vốn là thanh bạch. Thôi thì nhờ trời, nhờ quan trên, có lẽ nay mai cũng lo được bổ vào làm việc Nhà nước. Tiền của bây giờ chẳng ngại, chỉ cốt lấy chút công danh với họ hàng làng nước. Nay hai vợ chồng đem nhau lên Hà Nội chơi. Có mang cả mấy trăm bạc đi nữa…”
Thầy Bính bèn hỏi rằng:
- Thế thì bạc ấy đâu?
- Ấy, nhà tôi giữ. Bỏ ở trong valít… Valít nhà tôi mang… Lại bao nhiêu đồ vàng của tôi, cũng để cả trong valít ấy.
Thầy Bính lắc đầu, thở dài nhìn cô Giáp mà nói rằng:
- Thôi, cô mắc lừa rồi, cô ạ.
*
* *
Cô Giáp không hiểu:
- Mắc lừa ai?… Thầy bảo tôi mắc lừa ai?…
- Mắc lừa thằng bợm, chớ mắc lừa ai? … Nó cuỗm cả vàng lẫn bạc, nó tếch lên ngàn rồi… Sao lai tin cái đứa vu vơ, trên không chằng dưới không rễ thế?!…
- Nhà… nhà… nhà tôi ấy ư?
- Chứ lại gì!
Cô Giáp chết điếng người. Ngồi lặng im một lát, rồi bưng mặt khóc oà lên:
- Trời đất ôi! Ngờ đâu con người thế, mà xỏ lá ba que!…
- Cô ơi, đời bây giờ, thiếu gì những giống tốt mã dài đuôi, làm nghề cậu Sở!… Thôi đà mắc lận thì thôi, đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh!…
*
* *
Cách hai ba tháng sau, dò la mãi, quả nhiên biết rõ tin rằng: Cậu Sở ấy đồng mưu với một ả giang hồ, để lập cái kế tàn nhẫn này, mà lấy của cải và hại một đời người đàn bà đầu xanh tuổi trẻ. Xong rồi, hai đứa đem nhau đi trốn sang đâu Xiêm, Lào, để cùng vui hưởng cái của bất nhân bất nghĩa.
Tạp chí Nam Phong,
số 20, Tháng 2 – 1919

Chú thích:
(1) Đồng, tiếng Hán.
(2) Tiếng Pháp: souffler: thổi còi.
(3) Tiếng Pháp: hotel: khách sạn.
(4) Tiếng Pháp: coolie: phu.
(5) Tiếng Pháp: police: cảnh sát.
(6) Nguyên in: XXX.

Nước Đời lắm nỗi



Tác giả: Phạm Duy Tốn

Khi tôi ở Sài Gòn, nhân một đêm nhớ nhà, chẳng biết làm gì cho vui, thẩn thẩn thơ thơ, dạo chơi trong phố.
Tiết thu lạnh lẽo, lác đác mấy hạt mưa sa, hiu hắt hơi may, đầy đường lá cây rải rác. Đường sá đêm khuya vắng ngắt, trước sau không thấy bóng người.
Than ôi! Cảnh vật tiêu điều, càng khiến cho tôi trăm phần ngao ngán…
Đi vơ đi vẩn, chẳng biết đi ngả nào, qua hết phố này lại sang phố khác. Hồi lâu đến trước một nhà, ngó trong đèn lửa sáng trưng, những người chật ních, mới sực nhớ ra là nơi tiệm hút. Tôi dừng chân đứng lại thử bước vào xem; rồi đến ngồi bên một người đang nằm tiêm thuốc. Người ấy trông chừng cũng đã nhiều tuổi, thấy tôi đến gần, vẫn nằm vắt chân chéo khoeo, kéo một hơi thẳng, không thở tị tí khói nào. Tôi biết ngay va(1) là tay lão luyện.
Tôi liếc mắt trông người rất là bẩn thỉu. Móng tay đen sì, nước da xanh ngắt, đầu tóc bù xù, áo quần xốc xếch. Rõ thật tồi tàn!
Va hút xong, ngẩng mặt nhìn tôi, thủng thỉnh hỏi:
- Anh vào đây bao giờ?
Tôi ngạc nhiên trông. Va lại nói:
- Anh quên tôi rồi ư?
Tôi ngần ngừ đáp rằng:
- Vâng… Tôi quên, không nhớ là ai đấy.
- Đạo đây mà!
Tôi giật nảy mình. Té ra là anh Lương Duy Đạo, bạn học cũ với tôi!
Tôi vội vàng nắm chặt lấy tay anh ta:
- Giời ơi! Anh đấy ư? Chết nỗi, thế mà tôi không nhận ra, xin anh miễn chấp. Vậy chứ anh vào đây từ bao giờ?
- Đã lâu, ngót hai mươi năm nay rồi.
- Anh làm gì ở trong này?
- Chẳng làm gì cả. Chỉ phiện rền thôi.
Tôi chán ngắt.
Anh ta cầm tẩu, tiêm thuốc. Vừa tiêm vừa nói:
- Anh vào đây, làm chi?
- Tôi đi buôn.
- Buôn bán làm quái gì! Không thú.
- Thế thì anh bảo làm gì?
- Chẳng làm gì cả.
- Ô hay! Người ta ở đời cũng phải làm công việc gì mới được chứ. Có lẽ đâu lại ăn không ngồi rồi ư?
- Anh tính người đời sống được mấy gang tay! Tội gì vất vả cho khổ cái thân! Tôi đây chẳng thiết làm gì cả.
Anh ta giơ tẩu mời tôi hút. Tôi lấy tay gạt đi. Anh ta kéo một hơi rồi lại đủng đỉnh nói:
- Thật tôi chẳng thiết làm gì hết. Chỉ cứ thế này mãi, đến bao giờ già thì chết. Chẳng tiếc gì sốt, chỉ tiếc cái bàn đèn thôi. Vợ con không có, chẳng lo phiền gì. Ấy thế mà hơn, anh ạ.
Tôi ngắm anh ta, trong lòng ngao ngán quá. Bèn hỏi:
- Trước kia, anh có thế đâu?
Anh ta nín lặng, không trả lời. Tôi lại nói:
- Có lẽ nào anh lại không làm gì cả, không ưa thích cái gì hay sao?
Anh ta lắc đầu đáp rằng:
- Tôi ngủ đến trưa thì dậy. Ăn xong, lại đây hút, đến tối về ăn, rồi lại đây hút, cho đến sáng thì về ngủ. Hơn hai mươi năm nay, ngày nào cũng thế, đêm nào cũng vậy, mà cũng chẳng thích cái gì cả.
Lại tiêm thuốc, mời tôi. Tôi từ chối. Anh ta lại hút. Hút xong, ngồi dậy.
Tôi nói:
- Nhưng trước khi chưa vào đây, anh còn đang ở Hà Nội kia mà?
- Phải, rồi sau tôi lại vào trong này.
- Tại làm sao thế?
- Chẳng tại làm sao cả.
- Không có lẽ… Năm nay anh bao nhiêu tuổi rồi?
- Ba mươi tám. Nhưng trông người đến ngót năm mươi, có phải không?
Tôi nhìn kĩ bạn học cũ tôi. Quả nhiên tóc bạc, trán nhăn, mắt sâu, má hóp, mặt mũi hốc hác như thể ông cụ già. Tôi nói:
- Ừ, trông anh già thật. Chắc anh có điều gì buồn bực, hẳn! Hay là nỗi riêng còn vướng mối tình chi đây?
Anh ta lắc đầu, cúi gầm mặt xuống, ngồi im, không đáp lại. Tôi hỏi luôn:
- Anh Đạo ơi, anh có sự gì khổ tâm, xin cứ nói cho tôi nghe, hoạ may tôi có khuyên giải được chút nào chăng? Vả lại nói ra nó cũng nhẹ bớt gánh sầu, anh ạ.
Anh ta nghe tôi nói thiết tha làm vậy, bấy giờ nét mặt ủ ê; ngồi lặng một lát, rồi ngẩng mặt nhìn tôi, thở dài mà nói:
- Anh ơi, hở môi ra cũng thẹn thùng; nước đời lắm nỗi lạ lùng khắt khe! Bấy lâu nay tôi vẫn vùi dập mớ lửa sầu ở trong lò khảm, bây giờ anh lại bới móc nó ra, thật là khổ quá!… Nhưng, anh nói cũng phải. Nếu gặp được người tri kỉ, thở than nông nỗi, cởi mở ruột gan, thì có lẽ cũng hả được cơn phiền não. Anh ân cần muốn biết tôi vì đâu nên nỗi nước này. Vậy, tuy rằng cực trăm phần, tủi nghìn nỗi, song tôi cũng xin kể, để anh nghe.
Tôi gật đầu:
- Xin anh cứ nói. Hoạ may cái điều đau đớn của anh có bổ ích cho đời chăng!
Anh Đạo uống một hớp nước, rồi thì nói:
- Năm ấy là năm 189… Tôi hãy còn nhớ rõ như ngày hôm qua. Bấy giờ cha tôi làm thông phán ở toà Sứ tỉnh… Quyền thế lẫy lừng, ai cũng sợ nể. Cha mẹ tôi chỉ sinh được có một mình tôi thôi. Tính cha tôi thì nóng nảy, dữ tợn và nghiêm khắc lắm. Mẹ tôi người hiền lành, thuỳ mị, nhưng mà gan góc, lì lì cả ngày chẳng nói một câu.
Tôi yêu mẹ tôi lắm. Còn cha tôi, thì tôi sợ hãi một niềm, không mấy khi dám dàn tận mặt.
Năm ấy tôi lên mười bốn tuổi. Đang độ vẻ vang sung sướng, hớn hở tươi cười như thể cánh hoa non. Tưởng cuộc đời là nhất, không còn gì vui thú cho bằng…
Cuối tháng Năm gặp kì nghỉ hè, tôi về chơi với cha mẹ tôi. Bỗng một đêm, xảy ra sự ghê gớm, làm cho tôi suốt đời không lúc nào quên được. Đêm hôm ấy, trời mưa rầu rĩ, gió thổi hắt hiu, cảnh vật tự hồ như xui nhau mà làm cho cái bi kịch càng thêm thê thảm. Tôi vừa mới thiu thiu chợp ngủ, thốt nhiên nghe thấy ở phòng bên cạnh là nơi cha mẹ tôi nằm, có tiếng ầm ầm như thể hai người cãi nhau. Tôi bèn vùng quăng trở dậy sẽ bước xuống đất, rón rén lại gần nghe, thì quả nhiên thấy tiếng cha tôi quát tháo rằng:
- Tao đã nói tao cần đến tiền, thì mày phải đưa mấy cái văn tự ấy cho tao. Nhược bằng mày cứ khăng khăng một mực không đưa, thì đừng có trách tao là người bội bạc nhé.
Mẹ tôi khảng khái đáp lại rằng:
- Văn tự ấy, có phải của thầy đâu, mà thầy đòi tôi chứ? Chẳng qua là của riêng cha mẹ tôi để lại cho tôi, thì bây giờ tôi lại giữ lấy cho thằng con tôi, để về sau nó khỏi liếm lá đầu chợ. Chứ chắc gì vào thầy nữa bây giờ? Cơ nghiệp thầy đã phá tan nát cả rồi. Nay tôi còn chút vốn riêng, để về sau mẹ con tôi nuôi nhau, thầy lại toan lột hết đem cho đĩ nốt hay sao? Khi nào tôi có chịu! Thầy muốn làm gì thì làm. Tuỳ ý.
Tôi nghe thấy nói làm vậy, tưởng chừng sét đánh lưng trời. Trong người tôi còn đương bàng hoàng như mê chưa tỉnh, phút nghe tiếng “huỳnh huỵch” ở phòng bên. Tôi vội vàng mở hé cửa dòm sang, thì thấy cha tôi một tay bóp cổ mẹ tôi ấn xuống giường, còn một tay thì đấm tát, tối tăm cả mặt mũi lại.
Đầu tóc mẹ tôi rũ rượi, hai tay mẹ tôi giơ để đỡ đòn, nhưng mà không lại. Còn cha tôi thì như người điên cuồng, cứ hăm hở bạ đâu đánh đấy. Mẹ tôi ngã lăn từ trên giường xuống đất, mà không kêu không khóc, chỉ thấy hai tay bưng lấy mặt nằm im. Cha tôi lật sấp mẹ tôi xuống, rồi thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, đấm đá mẹ tôi vô hồi kì trận, mãi mãi mà vẫn không thôi.
Anh ơi, anh ơi, tôi trông thấy thế, hốt hoảng kinh thần, tưởng chừng trời long đất lở. Tôi sợ hãi quá, bèn kêu lên một tiếng to. Cha tôi ngoảnh lại, trông thấy tôi, liền buông mẹ tôi ra. Còn tôi khiếp đảm tinh thần, ù té chạy trốn xuống bếp, ngồi cho đến sáng.
Hôm sau mẹ tôi băng huyết, thụ bệnh, trùm chăn nằm ở trên giường. Khi tôi vào thăm, chỉ ôm đầu tôi mà nức nở khóc, chẳng nói được câu gì. Còn cha tôi, thì lại cứ như thường, không nói năng gì đến chuyện đó cả.
Cách mấy ngày thì mẹ tôi chết, nghe đâu như có mang được hai ba tháng… Rồi sau hết hè tôi lại về trường học…
Thôi, anh ạ, từ đó tôi chán hết cả mọi sự ở đời. Biết rằng toàn đảo điên điên đảo cả. Tôi đã một lần trông thấy cảnh thảm dường ấy, thì thôi, tâm thần đổi hết, từ đây không hề ham muốn, ước ao cái gì, hoặc yêu thương quý báu ai nữa sốt. Lúc nào cũng sực nhớ, tưởng tượng như còn trông thấy ở trước mặt cái bi kịch: mẹ tôi nằm lăn dưới đất mà cha tôi thì tay đấm chân đá chẳng thương xót cái người yếu đuối đã đem thân bồ liễu nương gửi ở dưới bóng cây tùng… Giời đất ơi, cay nghiệt quá!… Mẹ ơi, con thương, con nhớ mẹ vô cùng!…
Nói đến đó, anh Đạo nước mắt tuôn rơi tầm tã. Tôi không cầm lòng được cũng khóc sụt sùi.
Rồi anh ta lại nói:
- Mẹ tôi chết được ít lâu, cha tôi lấy người nhân ngãi là vợ Tây. Nghe đâu như bây giờ vẫn hãy còn sống cả. Từ thuở ấy tôi không gặp mặt cha tôi nữa mà cũng chẳng rõ tin tức thế nào.
Anh Đạo nói xong, lại nằm tiêm thuốc, hút luôn mấy mồi. Tôi trông nét mặt thảm sầu, không thể sao tả cho hết được.
Muốn nói vài câu vỗ về nhưng nghẹn ở cổ không sao nói ra lời được. Tôi bèn đứng dậy, thở dài lắc đầu nhìn anh Đạo mà ngao ngán trong lòng… Lúc từ giã bạn cũ trở ra ngoài mới than một câu rằng:
- Trời đất ơi! Quả nhiên nước đời lắm nỗi lạ lùng khắt khe thật.
Rồi về nhà trọ suốt đêm hôm ấy không tài nào ngủ được.
Tạp chí Nam Phong,
số 23, Tháng 5 – 1919

Sống chết mặc bay



Tác giả Phạm Duy Tốn
Gần một giờ đêm. Trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà lên to quá; khúc đê làng… thuộc phủ… xem chừng núng thế lắm, không khéo thì vỡ mất.
Dân phu kể hàng trăm nghìn con người, từ chiều đến giờ, hết sức gìn giữ, kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp, nào cừ, bì bõm dưới bùn lầy, ngập quá khuỷu chân, người nào người ấy, lướt thướt như chuột. Tình cảnh này trông thật là thảm.
Tuy đánh trống liên thanh, ốc thổi vô hồi, tiếng người xao xác, gọi nhau sang hộ, nhưng xem chừng ai cũng mệt lử cả rồi. ấy vậy mà trên trời thời mưa vẫn tầm tã trút xuống, dưới sông thời nước cuồn cuộn bốc lên. Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi với sức trời! Thế đê không sao cự lại được với thế nước! Lo thay! Nguy thay! Khúc đê này hỏng mất!…
Ấy, lũ con dân đang chân lấm tay bùn, trăm lo nghìn sợ, đem thân hèn yếu đuối mà đối với sức mưa to lớn, để bảo thủ lấy tánh mạng gia tài; thế thời quan cha mẹ ở đâu?
Thưa rằng: Ðang ở trong đình kia, cách đó chừng bốn năm trăm thước. Ðình ấy cũng ở trên mặt đê, nhưng cao mà vững chãi, dẫu nước to thế nữa, cũng không việc gì.
Trong đình, đèn thắp sáng trưng; nha lệ lính tráng, kẻ hầu người hạ, đi lại rộn ràng. Trên sập mới kê ở gian giữa, có một mình quan phụ mẫu, uy nghi chễm chện ngồi. Xung quanh sập, bắc bốn ghế mây, bắt đầu từ phía hữu quan, thì có thầy đề, rồi lần lượt đến thầy đội nhất, thầy thông nhì, sau hết, giáp phía tay tả ngài, thì đến chánh tổng sở tại, cùng ngồi chầu bài.
Ngoài kia tuy mưa gió ầm ầm, dân phu rối rít; nhưng trong này xem chừng tĩnh mịch, nghiêm trang lắm, trừ quan phụ mẫu ra, mọi người không ai dám to tiếng. So với cảnh trăm họ đang vất vả lấm láp, gội gió tắm mưa, như đoàn sâu lũ kiến ở trên đê, thời ở trong đình rất là nhàn nhã, đường bệ, nguy nga: nào quan ngồi trên, nào nha ngồi dưới; người nhà, lính lệ như khoanh tay sắp hàng, nghi vệ tôn nghiêm, như thần như thánh. Thỉnh thoảng nghe tiếng quan phụ mẫu gọi: “Ðiếu, mày!” tiếng tên lính thưa: “Dạ”; tiếng thầy Ðề hỏi: “Bẩm, bốc?” tiếng quan lớn truyền “Ừ”. Kẻ này: “Bát sách… Ăn”, người kia: “Thất văn… Phỗng”, lúc mau, lúc khoan, ung dung êm ái, khi cười, khi nói, vui vẻ dịu dàng. Thật là tôn kính, xứng đáng với một vì phúc tinh…
Khi đó, ván bài quan đã chờ rồi. Ngài xơi bát yến vừa xong, ngồi khểnh vuốt râu, rung đùi, mắt đang mải trông đĩa nọ, bỗng nghe ngoài xa, tiếng kêu vang dậy trời đất… Mọi người giật nảy mình, duy quan vẫn điềm nhiên, chỉ lăm le chực người ta bốc trúng quân mình chờ mà hạ. Vì ngài sắp ù to.
Có người khẽ nói:
- Bẩm, đê có khi vỡ!
Ngài cau mặt gắt rằng:
- Mặc kệ.
Rồi ngài xếp bài lại, quay gối dựa sang bên tay phải, nghiêng mình, bảo thầy đề lại:
- Có ăn không thì bốc chứ!
Thầy đề vội vàng:
- Dạ, bẩm bốc.
Vừa lúc đó, thì tiếng người kêu rầm rĩ, càng nghe, càng lớn. Lại có tiếng ào ào như thác chảy xiết; rồi lại có tiếng gà, tiếng chó, trâu, bò kêu vang tứ phía.
Bấy giờ ai nấy ở trong đình, đều nôn nao sợ hãi. Thốt nhiên một người nhà quê, mình mẩy lấm láp, tất tả chạy xông vào, thở không ra lời:
- Bẩm… quan lớn… Ðê vỡ rồi!
Quan lớn đỏ mặt, tía tai, quay ra, quát rằng:
- Ðê vỡ rồi!… Ðê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày! Có biết không?… Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắc gì nữa à?
- Dạ, bẩm…
- Ðuổi cổ nó ra!
Ngài quay vào, hỏi thầy đề:
- Thầy bốc quân gì thế?
- Dạ, bẩm con chưa bốc.
- Thì bốc đi chứ!
Thầy đề, tay run cầm cập, thò vào đĩa nọc, rút một con bài lật ngửa, xướng rằng:
- Chi chi!
Quan lớn vỗ tay xuống sập kêu to:
- Ðây rồi!… Thế chứ lại!
Rồi ngài vội vàng xoè bài, miệng vừa cười, vừa nói:
- Ù! Thông tôm, chi chi nẩy!… Ðiếu mày!…
*
* *
Ấy, trong khi quan lớn ù ván bài to như thế, thì khắp mọi nơi miền đó, nước tràn lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết; kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ, tình cảnh sầu thảm, kể sao cho xiết!
Tạp chí Nam Phong,
số 18, tháng 12 – 1918

Dự phỏng đoán ĐH 11 tháng 1/2011


Trương Tấn Sang-2006

19.10.2009

Trong Bộ Chính trị Đảng ta hiện nay, có 15 vị, thì có 5 vị cùng sinh năm 1949. Đó là ông Trương Tấn Sang, thường trực Ban bí thư, giống như chức Phó tổng bí thư. Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng. Ông Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Công an. Ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng. Và ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Hà Nội. Năm 1949 là năm Kỷ Sửu, cầm tinh con trâu. Trong Bộ chính trị có 5 con trâu kéo cày, thì quả là khỏe. Cho nên Đảng ta chắc còn mạnh nhiều năm nữa. Ông Trương Tấn Sang, còn gọi là Tư Sang, nguyên là Giám đốc Sở nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Thường vụ Thành ủy, thời ông Phan Văn Khải còn làm Chủ tịch thành phố, giai đoạn 1991-1996. Khi đó, ông Sang còn rất trẻ, chỉ hơn 40 tuổi.

Trong Khóa 6 Thành ủy TP Hồ Chí Minh 1996-2000, ông Sang làm Chủ tịch thành phố, rồi Bí thư. Khi làm Bí thư TP Hồ Chí Minh, ông Sang đương nhiên được vào Bộ chính trị, từ khóa Đại hội Đảng toàn quốc thứ 8 (1996-2001). Khi đó, ông Sang đứng thứ 14 trong Bộ chính trị.

Khóa 8 này, Bộ chính trị có tới 23 vị. Vì Bộ chính trị khóa 8 đông như vậy, nên cần có Thường vụ Bộ chính trị gồm 7 vị, bao gồm cả ông Nguyễn Tấn Dũng, khi đó chỉ là Trưởng Ban kinh tế trung ương. Ông Thủ tướng Phan Văn Khải, (làm Thủ tướng từ 1997 đến 2006), khi đó lại không được vào Thường vụ Bộ chính trị, chỉ là Ủy viên Bộ chính trị thường, vai trò kém hơn Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị. Sở dĩ có chuyện như vậy, là vì ông Nguyễn Tấn Dũng được ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt (làm Thủ tướng từ năm 1992 đến 1997) đỡ đầu. Không có ông Kiệt đỡ đầu, thì ông Dũng không thể lên nhanh như diều như vậy được. Ông Kiệt đưa ông Dũng từ Bí thư tỉnh Kiên Giang ra Hà Nội, làm Thứ trưởng Bộ Nội Vụ (nay là Bộ Công an) hơn 1 năm, rồi đưa sang làm Trưởng Ban kinh tế Trung ương, để ông Dũng làm quen với việc quản lý kinh tế. Sau đó, ông Kiệt cố gài bằng được ông Dũng vào Thường vụ Bộ chính trị, vì ông Kiệt muốn đưa ông Dũng làm Thủ tướng, thay ông Kiệt vào năm 1997, khi ông Kiệt nghỉ hưu, chuyển sang làm Cố vấn. Thế nhưng kế hoạch của ông Kiệt không thành, nên vào năm 1997, ông Phó Thủ tướng Phan Văn Khải lên làm Thủ tướng, chứ không phải là ông Dũng. Rồi sau đó cơ cấu Thường Vụ Bộ chính trị cũng bị xóa bỏ. Mặc dù không thành, nhưng ông Kiệt cũng đưa được ông Dũng sang làm Phỏ Thủ tướng thường trực, để chờ thời. 10 năm sau, nguyện vọng của ông Kiệt đưa ông Dũng làm Thủ tướng mới thực hiện được, vào năm 2006.

Trở lại chuyện ông Tư Sang. Ông làm Bí thư Sài Gòn được gần 1 năm, thì ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư Sông Bé được điều về làm Phó bí thư Sài Gòn, vào tháng 1 năm 1997. Khi ông Triết về Sài Gòn, thì tỉnh Sông Bé được tách ra làm 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Tỉnh Sông Bé thời ông Triết làm Bí thư đã có sự phát triển vượt bậc, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài. Sài Gòn dưới thời ông Sang làm Bí thư trì trệ bao nhiêu, thì Sông Bé phát triển rực rỡ bấy nhiêu. Khi đó, Sông Bé thu hút tới 70% vốn đầu tư nước ngoài, còn Sài Gòn chỉ được 30%. Cho đến bây giờ, tỉnh Bình Dương vẫn là điểm thu hút đầu tư nước ngoài mạnh hàng đầu của Việt Nam.

Chính vì lẽ đó, Trung ương dự kiến ông Triết sẽ lên làm Thủ tướng thay ông Khải, khi ông Khải nghỉ vào khóa Đại hội Đảng 9 năm 2001. Và bước đệm chuẩn bị nhân sự này, là đưa ông Triết về làm Phó Bí thư Sài Gòn, để lên làm Bí thư, sau đó ra Hà Nội làm Thủ tướng là vừa đẹp. Thế nhưng ông Sang biết là ra Hà Nội là tương lai của ông sẽ chấm dứt, nên ông lần lữa không muốn ra. Thế cho nên ông Triết đành phải ra Hà Nội làm Trưởng Ban dân vận Trung ương vào tháng 12 năm 1997, sau 11 tháng làm Phó bí thư Sài Gòn, để chờ thời.

Ông Sang kể cũng là người rắn đầu. Đầu năm 2000, ông Sang mới chịu ra Hà Nội, làm chân Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, để ông Triết quay lại Sài Gòn làm Bí thư. Vì ông Sang vẫn còn trẻ, nên không có cớ gì để đưa ông ra khỏi Bộ chính trị, nên vào Đại hội Đảng khóa 9, năm 2001-2006, ông vẫn là Ủy viên Bộ chính trị, ở vị trí số 10 trong 15 vị.

Trong suốt 6 năm làm Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương, người ta thấy ông Tư Sang đôi khi xuất hiện đi thăm đồng bào bị bão lụt. Hầu như chỉ có vậy. Cái chức vụ “hữu danh vô thực” đó, làm sao sánh được với khi ông còn làm vua ở Sài Gòn hoa lệ. Ông Sang bị mất uy tín nhiều, vì thời ông làm Bí thư Sài Gòn, để xảy ra vụ 5 Cam, và nhiều vụ bê bối khác, mà ông Triết phải là người dọn dẹp.

Ở Đại hội 10 năm 2006-2011, bầu Tổng bí thư không khó lắm, vì vẫn chỉ có ông Nông Đức Mạnh là có đủ uy tín. Nên ông Mạnh được bầu lại làm Tổng bí thư khóa nữa dễ dàng. Bầu Thủ tướng mới gay go. Ông Nguyễn Tấn Dũng mặc dù được ông Võ Văn Kiệt chuẩn bị khá kỹ càng, cho nắm đủ các chức vụ liên quan đến kinh tế, kể cả kiêm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong 2 năm 1998-1999, nhưng ông vẫn không có nhiều uy tín về khả năng lãnh đạo. Cho nên trước khi vào Đại hội 10 năm 2006, khóa Đại hội 9 phải có tới Hội nghị trung ương thứ 15 để thảo luận về nhân sự.

Một khóa Đại hội Đảng 5 năm, thường chỉ có 12 hoặc 13 Hội nghị Trung ương, mỗi năm 2 Hội nghị. Nhưng riêng Đại hội 9 (2001-2006) phải có tới 15 Hội nghị, để thống nhất chọn ông Dũng làm Thủ tướng cho khóa Đại hội 10 (2006-2011).

Trong tiến trình đấu đá nội bộ đó, tự nhiên ông Trương Tấn Sang được lợi. Tại Đại hội 10, ông Sang được giữ lại làm Ủy viên Bộ chính trị khóa nữa, và hơn nữa, lại được vào làm Thường trực Ban bí thư. Ông Sang ở giữa, chẳng vào phe nào, hơn nữa cái chức vụ Trưởng Ban kinh tế Trung ương cũng khó mà có thế lực để kéo bè kéo cánh. Thế cho nên ông Nông Đức Mạnh chọn ông Sang làm Phó cho mình. Tại Đại hội 10 năm 2006, ông Sang giữ vị trí số 5 trong Bộ chính trị. Trước đó, người tiền nhiệm của ông Sang là ông Phan Diễn, làm Thường trực Ban bí thư khóa 9, chỉ đứng số 7 trong Bộ chính trị.

Người giữ vị trí số 2 trong Bộ chính trị là ông Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Công an. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng ta, ông Bộ trưởng Công an chiếm vị trí số 2 trong Bộ chính trị. Bình thường, vị trí trong Bộ chính trị là: số 1, Tổng bí thư. Số 2 là Chủ tịch nước. Số 3 là Thủ tướng. Số 4 là Chủ tịch Quốc hội. Sau đó là các vị trí khác, có thể thay đổi thứ tự.

Vào tháng 10 năm 2009, người ta thấy có sự thay đổi khá bất ngờ. Ông Sang từ vị trí số 5, nhảy vọt lên vị trí số 2 trong Bộ chính trị. Ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, quê Đà Nẵng, từ vị trí số 12, nhảy vọt lên vị trí số 3. Còn Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từ vị trí số 3 xuống số 4. Thủ tướng Dũng từ số 4 xuống số 5. Ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, mới được vào Bộ chính trị tháng 1 năm 2009, nay nhảy lên vị trí số 11, trên ông Hồ Đức Việt số 12. Và ông Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh từ vị trí số 2, rơi xuống vị trí số 8.

Rất có thể vào Đại hội 11 năm 2011-2016, ông Trương Tấn Sang sẽ làm Tổng bí thư, và ông Nguyễn Văn Chi, sinh năm 1945, đại diện miền Trung, sẽ làm Chủ tịch nước. Khi đó Thủ tướng chắc chắn phải là người miền Bắc, có thể sẽ là ông Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, hoặc ông Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Thường trực Ban bí thư có thể là ông Tô Huy Rứa, hoặc ông Hồ Đức Việt.

Mọi dự đoán trên cũng chỉ là tương đối.

Rất có thể đến phút thứ 89, các ẩn số cuối cũng mới xuất hiện. Đại hội 11 tháng 1 năm 2011 chắc chắn sẽ có nhiều bất ngờ.
(ST)

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009

Tài nguyên có hạn - trí tuệ vô hạn


Tài nguyên có hạn - trí tuệ vô hạn
65% tiến sĩ là các quan chức trong các bộ, các sở, chỉ có khoảng 35% tiến sĩ tham gia giảng dạy Đại học và nghiên cứu khoa học
khảo sát về “sinh viên với nghề nghiệp” của 20 trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh, cho kết quả như sau. Chỉ có 3,1% tỷ lệ sinh viên lựa chọn doanh nghiệp Nhà nước

Cần lắm một đội ngũ hùng hậu cán bộ,
chuyên gia khoa học công nghệ - cơ sở vững chắc
để trở thành một nước công nghiệp

Trong trật tự kinh tế mới, những nước đầu tư nhiều nhất cho giáo dục là những nước có sức cạnh tranh mạnh nhất. Đầu thập kỷ 90 (thế kỷ trước) sự thần kỳ của kinh tế một số nước châu Á, còn gọi là phép lạ đã chứng minh giáo dục đi trước một bước đã mở đường cho kinh tế phát triển. Họ đã nhìn ra rất sớm “Tài nguyên có hạn - Trí tuệ vô hạn”, trí tuệ là kho tài nguyên vô tận. Ít ai dám ngờ một nước bại trận như Nhật và mấy nước mới thoát khỏi là thuộc địa như Hàn Quốc, Singapore... sự phát triển tương đối nhanh hơn các nền kinh tế phương Tây vốn đã phát triển từ lâu.

Người Nhật có tỷ lệ bằng cấp khoa học cao hơn bất kỳ nước nào trên thế giới, 68 phần trăm của tất cả các bằng đã phát ra so với 25 phần trăm tại Mỹ, Hàn Quốc có số lượng tiến sĩ tính theo đầu người cao nhất thế giới, riêng tập đoàn Deawoo năm 1990 đã thuê 1000 tiến sĩ, phần lớn tốt nghiệp ở Mỹ. Nhà doanh nghiệp và nhà khoa học là một, vì muốn nâng cao chất lượng hàng hóa hoặc hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh dứt khoát phải dựa vào khoa học - công nghệ. Nhiều trường đại học ở Hàn Quốc thuộc sở hữu của các công ty, tập đoàn.

Nhìn sang Nhật Bản và Hàn Quốc, tiến sĩ, giáo sư của nước ta về số lượng không đến nỗi kém họ là bao nhiêu nhưng khoảng cách về nhiều mặt ta thua kém họ xa. Chất lượng đội ngũ cao học không bằng họ, nhiều trường hợp ở ta học tại chức cũng được thi cao học, tốt nghiệp không khó nếu giỏi chạy chọt, lót tay. Tiến sĩ ta nhiều người chưa chứng minh là nhà khoa học chuyên nghiệp xứng đáng với học vị tiến sĩ vì họ được cấp học vị qua những cống hiến mang tính hành chính và quản lý hơn là những cống hiến mang tính khoa học mà một luận án tiến sĩ đòi hỏi. Bài báo được đăng trong các tạp chí chuyên ngành quốc tế và khu vực là tiêu chuẩn làm thước đo giá trị của tiến sĩ, giáo sư, trong tổng số các công trình nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam được đăng trong các tạp chí quốc tế và khu vực mới chỉ bằng 1 phần 5 của Thái Lan, 1 phần 10 của Singapore. Trong danh sách 500 công ty và 500 thương hiệu uy tín nhất thế giới, chưa có Việt Nam và khi mở rộng con số này lên 2000 do tổ chức Forbes xếp hạng những công ty lớn nhất thế giới, có 57 quốc gia chia nhau sở hữu các công ty lớn này. Đông Nam Á có Singapore 14 công ty, Malaysia 13 công ty, Thái Lan 13 công ty, Philippine 1 công ty. Vẫn chưa có Việt Nam. Ta xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới nhưng gạo Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu, cà phê của ta ngon nổi tiếng nhưng xuất khẩu vẫn qua trung gian là chính, vì vậy nhiều khi cà phê ta nhưng lại mang nhãn hiệu nước ngoài.

Tiến sĩ, giáo sư ta quá đông chọn con đường quản lý hành chính, tới 65% tiến sĩ là các quan chức trong các bộ, các sở, chỉ có khoảng 35% tiến sĩ tham gia giảng dạy Đại học và nghiên cứu khoa học. Khoa học công nghệ yếu kém, công nghiệp vươn lên rất chậm biểu hiện cụ thể ở nền kinh tế ta vẫn phát triển theo chiều rộng, dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô và những mặt hàng gia công mang giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh của ta vẫn chủ yếu dựa vào tài nguyên và cơ bắp. Hai ngành da giày, dệt may mang lại nguồn thu ngoại tệ mỗi năm còn hơn dầu thô vẫn nhập nguyên liệu chính là vải và da gần 80%, kể cả phụ liệu: khoen, móc, nút, chỉ, những chi tiết đơn giản từ kim loại và nhựa cũng phải nhập. Kế hoạch trồng bông đã hơn 10 năm trên đất nhân dân ta vốn từng trồng bông, 150.000 ha để có được 80.000 tấn bông sơ, đáp ứng 50% dệt may, đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nhập quá nhiều nên phần thu còn lại của ngành da, giày chẳng còn là bao, đời sống công nhân da, giày thường xuyên khó khăn.

Tư tưởng bằng cấp, tư tưởng làm quan làm cho trí tuệ Việt Nam không tập trung vào cuộc cạnh tranh kinh tế khốc liệt, chưa xây dựng được một đội ngũ hùng hậu cán bộ, chuyên gia khoa học công nghệ, vốn là cơ sở vững chắc để trở thành một nước công nghiệp. Ngày nay thế giới đánh giá một nước mạnh hay yếu không chỉ ở dân số và diện tích mà trước hết ở số công ty (tập đoàn), số thương hiệu của nước đó được cả thế giới biết đến. Công ty và thương hiệu đã làm rạng rỡ một số nước dù dân số không đông, lại nghèo tài nguyên, Hàn Quốc là một ví dụ, từ cuối thập kỷ 90 (thế kỷ trước) đã được tham gia OECD, tổ chức một số nước công nghiệp tiên tiến, sánh vai với Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật.

Bao giờ Việt Nam mới có công ty, tập đoàn, mới có thương hiệu được cả thế giới biết đến? Quá khứ anh hùng, hiện tại cũng phải anh hùng mới có thể đuổi kịp thiên hạ. Rất mong vì đây là lòng tự trọng của cả dân tộc nhưng “bao giờ” thì lại không dễ trả lời vì lực cản vẫn còn không ít. Một tin gần đây nhất làm cho chúng ta còn phải băn khoăn, một cuộc khảo sát về “sinh viên với nghề nghiệp” của 20 trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh, cho kết quả như sau. Chỉ có 3,1% tỷ lệ sinh viên lựa chọn doanh nghiệp Nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước vẫn được coi là cái xương sống của nền kinh tế ta, lại chỉ có hơn 3% sinh viên muốn đến làm việc. Không lo sao được và khi được hỏi làm cách nào các doanh nghiệp Nhà nước cải thiện được hình ảnh để có thể thu hút nhân tài, ông Hồ Đức Hùng, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế phát triển của trường đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã trả lời: “Để thu hút nhân tài và không muốn tụt hậu so với các thành phần kinh tế khác thì khu vực doanh nghiệp Nhà nước phải thay đổi toàn diện. Phải xem lại chính sách, cơ chế, nhất là việc trả lương, thưởng cho người lao động. Việc tuyển dụng và cất nhắc, nâng bậc lương, thưởng không nên lấy lý lịch làm đầu, không chú trọng hình thức bằng cấp mà phải dựa vào thực tài của người lao động.

999 năm đất rồng thiêng Hà Nội (09/10/2009)
1000 năm tưởng là dài, nhưng cái chớp mắt của lịch sử đã vụt đưa chúng ta đến điểm mốc 999 năm. Chỉ một năm nữa thôi, Thăng Long đã 1000 tuổi tròn. 999 năm trước, Thái tổ Lý Công Uẩn đã định đô nơi đây. Đến thời đại mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại tái khẳng định Hà Nội là chốn định đô... Chào mừng 999 năm Thăng Long – Hà Nội, thật kỳ diệu, vào thời khắc lịch sử này, Hà Nội cũng tưng bừng chào đón 55 năm ngày giải phóng Thủ đô và Lễ công bố Năm du lịch Quốc gia 2010 Hà Nội...

1000 năm trước vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La lập nên kinh đô Thăng Long. Nhưng nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm” này trước đó hàng ngàn năm cũng đã từng là kinh đô của nhà nước Âu Lạc. Sau ngàn năm Bắc thuộc, Cổ Loa (Hà Nội) lại được vua Ngô Quyền đưa trở lại vị trí đế đô.

Loạn 12 sứ quân khiến kinh đô Cổ Loa mất vị thế. Đinh Tiên Hoàng đã được lịch sử trao cho sứ mệnh hợp nhất các sứ quân. Vua Đinh chọn Hoa Lư làm kinh đô. Rồi đến lượt nhà Tiền Lê cũng vậy.

Hoa Lư địa thế hiểm, có núi non bao bọc nhưng thực chất chỉ xứng ở tầm vóc của một quân thành. Vua Lý Thái Tổ vừa mới được các quan “bầu” lên ngôi đã ra một quyết định cực kỳ sáng suốt: Dời đô.

Nhà văn Siêu Hải – người con của Hà Thành, từng viết đến lòa mắt cho kỳ được 5 tiểu thuyết, tư liệu về Thăng Long, Hà Nội cổ và cận hiện đại nói: “999 năm, đọc lại những lời “Chiếu dời đô” của đức vua Lý Thái Tổ, lòng tôi không khỏi bồi hồi, dâng trào tự hào, kiêu hãnh. Tự hào về ông cha, kiêu hãnh về Thủ đô văn hiến oai hùng”.

Đi trên đê đường Hoàng Hoa Thám hay đường Đê La Thành, bạn có biết mình đang đi trên những đoạn tường thành của kinh đô Thăng Long xưa?. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Đạm dày công nghiên cứu đưa ra ý kiến: kinh thành Thăng Long dưới thời Lý là vòng bao từ Vĩnh Tuy lên phía Bắc bao quanh Hồ Tây qua Nhật Tân, Cầu Giấy rồi tiếp theo sông Tô Lịch (chứ không phải sông Kim Ngưu) tới Ngã Tư Sở, Ngã tư Vọng, Ngã tư Trung Hiền...

Nhà Trần và nhà Lê sau này nới rộng thêm nhưng diện tích kinh thành không tăng lên là bao.
Trong suốt ngàn năm lịch sử, từ thời Lý đến nay, cũng có khi Thăng Long không được chọn là đất đế đô. Nhưng chẳng hiểu sao, các triều đại dời đô khỏi Thăng Long thì vận số của đất nước cũng như vương triều ấy thật ngắn ngủi và cuối triều thường để lại nhiều tai tiếng. Nhà Hồ, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn đã chứng minh điều đó...

Ngẫm xem sự thăng hoa của những lần Thăng Long – Hà Nội được chọn làm đất đế đô, Thủ đô, chúng ta không khỏi kinh ngạc với hai lần định đô kỳ lạ. Lần định đô thứ nhất: Vua Lý Thái Tổ, lần định đô thứ hai: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai mốc son định đô này rạng rỡ bao ý nghĩa. Bằng “thiên nhãn”, vua Lý Thái Tổ đã nhìn thấu Đại La – kinh đô cũ của Cao Vương có thế rồng cuộn hổ ngồi, là nơi trọng yếu, tụ hội của bốn phương đất nước. Chỉ có một nơi như thế mới có thể là nơi kinh đô muôn đời. Và quả thực, nhà Lý đã mở ra thời kỳ phong kiến độc lập tự chủ của dân tộc. Các triều phong kiến khác cứ kế thừa và nối tiếp.

Lần định đô kỳ lạ thứ hai diễn ra năm 1945. Ngày 2- 9 – 1945, trước quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc lễ khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Năm 1954, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, những đoàn quân Việt Nam đã trở về tiếp quản thủ đô.

Cũng chính trên bầu trời thủ đô Hà Nội thân yêu, những máy bay B52 của Mỹ đã phải đền tội năm 1972. Và kể từ khi thống nhất Tổ quốc, dù chịu bao nhiêu khó khăn nhưng vị thế đất nước ngày một được củng cố và phát triển.

Từ mảnh đất Thủ đô thân yêu, nhiều quyết sách của Đảng, Nhà nước đã ra đời. Việt Nam dần từng bước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Có ai nghĩ một đất nước năm 1945 chết đói hơn 2 triệu người, vừa qua thời bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN lại có thể là nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới. Có ai nghĩ chúng ta lại được một đất nước có ngành công nghiệp đóng tàu nhất thế giới như Anh đặt hàng... Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới...

Có mối liên quan nào không: Giữa phong thủy của nơi chọn đất đế đô và sự phát triển hưng thịnh của đất nước?.
Dù câu trả lời chưa có một hội đồng khoa học nào kết luận thì thủ đô Hà Nội vẫn cứ ngày một sôi động và phát triển, xứng đáng là vị thế thủ đô của một nước, là trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa của quốc gia...

Đi trong TP. Hà Nội thời điểm này, ta bắt gặp nhiều hoạt động văn hóa thật tưng bừng, náo nhiệt. Và bạn cũng đừng nên hỏi những người dân hay Ban tổ chức xem hoạt động này được tổ chức nhân dịp kỷ niệm nào. Bởi vì dù nhân dịp 999 năm Thăng Long - Hà Nội, 55 năm ngày giải phóng Thủ đô hay mừng Lễ công bố Năm Du lịch Quốc gia 2010 thì tất cả đều dành cho Thủ đô Thăng Long – Hà Nội yêu mến của chúng ta...
(ST)

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2009

Tham nhũng lòng tin


Tham nhũng lòng tin
tP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm, ông Lê Hoàng Quân, Trưởng Ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tồn đọng, kéo dài.
TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm, ông Lê Hoàng Quân, Trưởng Ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tồn đọng, kéo dài.
Ngoài lưu ý việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản từ các nguồn vốn ngân sách và vốn ODA trong các công trình trọng điểm, ông Trưởng ban còn chỉ đạo cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Tham nhũng thuộc nhóm tội phạm có chức vụ, chỉ có cán bộ có chức quyền mới thực hiện được hành vi này. Quan chức càng lớn thì cơ hội tham nhũng càng lớn. Cho nên, công tác phòng chống tham nhũng thực ra là chống lại sự tha hóa, biến chất và lòng tham của quan chức, xây dựng một đội ngũ cán bộ thanh liêm, có trách nhiệm với nhân dân, có tấm lòng với đất nước.
Người dân thấy rõ, biết rõ tham nhũng đang hoành hành. Nhưng làm sao chống tham nhũng lại là việc quá khó khăn.
Tham nhũng vật chất để vinh thân phì gia mặc cho đất nước mãi đứng bên lề của xã hội văn minh là một tội lớn. Nhưng còn có một hành vi tham nhũng khác không có tội danh trong Bộ luật Hình sự, nhưng là một tội lớn đáng lên án. Lãnh đạo của nhiều địa phương để xảy ra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, nhiều vấn nạn xã hội như tai nạn giao thông, ngập nước, kẹt xe nhưng vẫn bám lấy chức quyền của mình thì đó là tham nhũng quyền lực.
Tham nhũng quyền lực thì mới có điều kiện và cơ hội để tham nhũng tiền của, đây là mối quan hệ không thể tách rời mang tính bản chất nhất của tham nhũng. Một khi xã hội tồn tại nhiều cán bộ tham nhũng tiền của, nhiều quan chức tham nhũng quyền lực thì sẽ tạo ra một hành vi vi phạm khác, đó là tham nhũng lòng tin. Đây là hành vi vô cùng nguy hiểm. Chính vì vậy nên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh từng nói: “tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ”.


Lê Thanh Phong

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009

Tình yêu chẳng tuân theo quy luật tiến hoá ?




Theo quy luật tiến hóa, phụ nữ thường chọn những anh chàng có thể chu cấp cho mình và có nòi giống tốt để truyền lại cho những đứa con. Nhưng một phụ nữ đã chọn một chàng họa sĩ, chẳng có thu nhập gì, không có sức khỏe cường tráng mà cũng chẳng biết tương lai ra sao.
Xét về mặt tiến hóa, cô ấy là người thất bại. Nhưng anh chàng kia cũng chẳng thành công hơn. Anh đáng nhẽ phải chọn một cô gái trẻ đẹp có thể sinh ra nhiều đứa con khỏe mạnh. Nhưng thay vào đó người anh chọn là một phụ nữ hơn anh 15 tuổi và đã qua thời kỳ vàng son để sinh con.
Sự thật là rất nhiều người không làm theo sự chỉ dẫn của tạo hóa để có thể truyền lại những bộ gene tốt nhất cho thế hệ sau. Đó là bởi tình yêu, chứ không phải sự chọn lọc tự nhiên, đã dẫn đường chỉ lối, và tình yêu luôn là quân bài bí ẩn trong trò chơi sinh sản.
Mọi người vẫn cho rằng sự chọn lọc tự nhiên luôn can thiệp vào tình yêu và tình dục. Nhưng không phải vậy, nhiều người vẫn lên giường với những người mình không yêu và tình dục với những người mình yêu lại vô cùng chán ngắt. Và đôi chúng ta còn sinh con với cả những người không phù hợp một chút nào.
Tại sao sự chọn lọc tự nhiên không tác động tới việc kết hợp tình yêu với tình dục để cho con đường sinh sản được thành công hơn?
Câu trả lời là sự tiến hóa không dựa vào tình yêu. Nó chỉ cần tới tình dục.
Con người, giống như động vật, bị thôi thúc quan hệ tình dục bởi đó là cách duy nhất để truyền lại gene. Với hầu hết loài vật, đó là một phi vụ hoàn toàn minh bạch. Con cái bước vào giai đoạn động tình khi rụng trứng, khiến chúng hứng thú với sex và cơ thể đảm bảo để thực hiện được hành vi. Khi đó, chúng sẽ giao phối với những con đực đánh bại được các con khác.
Việc quan hệ của loài người thì phức tạp hơn, bởi phụ nữ không trải qua một giai đoạn động tình, chúng ta hoàn toàn có thể làm tình ngoài thời điểm rụng trứng khi việc thụ thai không thể xảy ra. Và bởi con gái không thiếu, nên cánh đàn ông không phải đấu đá với nhau để giành quyền tiếp cận. Đàn ông cũng không cần bộ lông hoành tráng, chiếc sừng to để hấp dẫn đối phương, mặc dù một số anh chàng cũng khoe khoang bằng chiếc xe hơi sang trọng hay ví tiền dày cộp.
Việc giao hợp của con người còn phức tạp hơn nhiều bởi chúng ta được ban tặng một bộ não lớn buộc ta phải suy nghĩ rất nhiều về mọi thứ, đặc biệt là tình yêu và sex.
Chúng ta gặp một loạt bạn tình tiềm năng và dành vô vàn thời gian để đánh giá chọn lựa. Chẳng có con thằn lằn nào làm như vậy.
Hoặc chúng ta có thể yêu điên cuồng một ai đó trong tức thì, mê muội trong vài tháng, rồi sau đó một ngày tỉnh dậy chúng ta tự hỏi tại sao người này lại ở trên giường với mình. Hoặc chúng ta ân ái với người mà sẽ mang lại bộ gene xấu nhất, nhưng chúng ta vẫn cứ tiếp tục quấn chặt lấy người ấy.
Con người cũng khao khát những ngôi sao điện ảnh, người mẫu, ca sĩ, lãng phí thời gian và năng lượng cho những mối tình đơn phương không bao giờ có hậu, bởi những nhân vật nổi tiếng đấy chẳng hề biết ta là ai.
Cuộc sống tình dục của con người càng trở nên rắm rối hơn bởi bộ não chúng ta đã bị bủa vây bởi những hoóc môn làm xáo trộn công việc sinh con đơn giản của tạo hóa.

Với những phức tạp này, thật kỳ lạ khi con người vẫn không bị tuyệt chủng từ lâu.

Nhưng rõ ràng là có nhiều người vẫn đang quan hệ với những bạn đời phù hợp theo mặt tiến hóa, vẫn sinh con và truyền lại bộ gene.

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2009

Vũ trụ Vĩ Đại !


5. Cụm sao mở M35 chứa hàng trăm ngôi sao, được chụp bởi kính viễn vọng Canada – Pháp – Hawai có trang bị camera Megacam.


4. Thiên hà Tam giác, một trong những thiên hà vệ tinh của thiên hà Andromède, được chụp bởi kính viễn vọng Canada – Pháp – Hawai có trang bị camera Megacam.



3. Tinh vân IC 2118, còn có tên gọi Đầu phù thủy , được chụp bởi kính viễn vọng Canada – Pháp – Hawai có trang bị camera Megacam.

2. Thiên hà Abell 2151 được chụp bởi kính viễn vọng Canada – Pháp – Hawai trang bị camera Megacam.

1. Hình ảnh được chụp bởi tàu thăm dò Cassini (Nasa – Esa). Ở phía ngoài cùng là các đường vành đai Sao Thổ, tiếp đó là vệ tinh Titan. Quả cầu nhỏ phía trên các vành đai Sao Thổ là vệ tinh Epimetheus.
Vũ trụ kỳ ảo
Cập nhật lúc 19:29, Thứ Bảy, 24/10/2009 (GMT+7)
, Vũ trụ bao la luôn đem đến cho chúng ta những điều bất ngờ thú vị. Tại Paris, đang diễn ra một cuộc triển lãm ảnh mang tựa đề: Sự kỳ ảo của vũ trụ (Le Mystère de l’Univers) , trưng bày những bức ảnh đẹp nhất về vũ trụ, được chụp bởi các loại kính viễn vọng. Triển lãm được mở cửa miễn phí và tự do cho những ai quan tâm, từ ngày 21/10 – 1/11.

Chúng ta hãy cùng chiêm ngưỡng một số bức ảnh được trưng bày tại đây.