Thứ Hai, 19 tháng 10, 2009


Hôm nay, khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII
20/10/2009 0:03
* Tăng thời gian tranh luận
Hôm nay 20.10, kỳ họp thứ 6 Quốc hội (QH) khóa XII khai mạc. Kỳ họp dự kiến kéo dài đến ngày 27.11.
Tại cuộc họp báo do Văn phòng QH tổ chức hôm qua 19.10, Phó chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Sỹ Dũng cho biết, tại kỳ họp thứ 6, QH sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, gồm Luật Người cao tuổi; Luật Khám chữa bệnh; Luật Viễn thông; Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Dân quân tự vệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật Thuế tài nguyên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, QH cũng sẽ cho ý kiến 10 dự án luật khác, trong đó có những dự luật thu hút sự quan tâm của nhiều người, như: Luật Thuế nhà, đất; Luật An toàn thực phẩm; Luật Các tổ chức tín dụng... Ngoài ra, QH còn xem xét việc quyết định chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Thủy điện Lai Châu, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, báo cáo kết quả việc điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và các tỉnh liên quan...

Một trong những nội dung quan trọng khác là QH sẽ nghe Ủy ban Thường vụ QH báo cáo kết quả thực hiện giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nội dung này sẽ được truyền hình trực tiếp.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn, xu hướng chung tại kỳ họp này là giảm tham luận, giảm đọc và tăng tranh luận. Ông Trần Đình Đàn cho biết: “Nội dung thảo luận tại hội trường sẽ mời các thành viên Chính phủ nghe, nếu có đại biểu nào cần trao đổi, các bộ trưởng có thể thẳng thắn trả lời ngay tại phiên họp”. Ở các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Đàn nhấn mạnh: "Chủ yếu dành thời gian cho đại biểu hỏi, tranh luận, trao đi đổi lại chứ không đọc. Cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, vướng mắc ở đâu, giải quyết ra sao và bao giờ thì xong”.

Tại kỳ họp này sẽ không có báo cáo vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên vì đã được Chính phủ báo cáo đầy đủ trong kỳ họp thứ 5. Còn đánh giá kết quả của gói kích cầu và Đề án tái cấu trúc nền kinh tế được Chính phủ gửi đầy đủ tới các ĐBQH.


Những bức xúc của cử tri

Theo Ủy ban Trung ương MTTQ VN, trước ngày khai mạc kỳ họp thứ 6, QH khóa XII, đã có 1.687 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới QH. Các ý kiến của cử tri bày tỏ sự phấn khởi trước việc kiềm chế được lạm phát, ngăn chặn suy giảm kinh tế, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội được quan tâm, chính trị ổn định, trật tự xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường, vị thế của nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được khẳng định.

Cử tri băn khoăn về giá cả nhiều mặt hàng tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân, nạn ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông không giảm, tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trung ương, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực còn thấp, đặc biệt là chất lượng giáo dục đại học và quản lý giáo dục hiện nay còn nhiều hạn chế, cải cách thủ tục hành chính còn chậm, tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi...

Các ý kiến cử tri phản ánh nhiều nơi thu hồi đất nông nghiệp, lâm nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, sân golf chưa hợp lý, quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Việc đền bù, tái định cư chưa được quan tâm đúng mức, trong khi đó người nông dân bị thu hồi đất phần lớn chưa được đào tạo nghề, hoặc được đào tạo nhưng rất hình thức, chất lượng tay nghề không cao nên rất khó kiếm được việc làm, dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Nhiều cử tri không đồng tình với việc tăng giá nước sinh hoạt và giá điện trong khi chất lượng chưa đảm bảo cho người tiêu dùng. Các cử tri bức xúc trước tình trạng chậm trễ trong việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường của các địa phương, các ngành chức năng.

Cử tri cũng lên tiếng về tình trạng nhiều cơ quan, doanh nghiệp của Nhà nước quản lý và sử dụng đất đai, nhà xưởng, kho bãi không đúng mục đích gây lãng phí nghiêm trọng tại các đô thị, nhất là tại TP.HCM và Hà Nội.

Trong công tác phòng chống tham nhũng, cử tri kiến nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật tập trung giải quyết dứt điểm những vụ án tham nhũng lớn và đưa tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân theo dõi, giám sát.Không lừa dân, Mỵ dân !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét