Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2009

Tìm hiểu Văn Học thị trường

“Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập”

Đây là cuốn sách tập hợp 41 bài phát biểu, tham luận của các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, các đại biểu tham gia cuộc Hội thảo khoa học “Văn học, nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập” do Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 11/2008, vừa được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành.
Theo Lời nhà xuất bản, văn học, nghệ thuật thời kỳ đổi mới đã có những biển đổi sâu sắc, những đặc điêm mới, đã đạt được những thành tựu đáng kể: mở rộng đề tài, chủ đề; đa dạng trong nghệ thuật biểu hiện; có nhiều hình thức hoạt động, nhiều điều kiện giới thiệu, phổ biến tác phẩm; đội ngũ văn nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ hoạt động năng động, tự chủ hơn; trình độ lãnh đạo, quản lý được nâng cao hơn… Tuy nhiên, văn học nghệ thuật cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém cần vạch rõ, uốn nắn, đấu tranh, khắc phục…Nhưng, cho dù còn những hạn chế, văn học nghệ thuật đã, đang và sẽ tham gia tích cực vào việc phản ánh, tác động, cải biến hiện thực, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Hoà nhịp cùng sự nghiệp chung của đất nước, văn học nghệ thuật vẫn đang vận động, phát triển và đặt ra những vấn đề mới, những yêu cầu mới về lý luận thực tiễn đòi hỏi phải luôn có sự nhận xét, đánh giá, nghiên cứu một cách khoa học, định hướng phát triển văn học nghệ thuật một cách đúng đắn, phù hợp, thuyết phục. Cuốn sách “Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập” được ấn hành chính là để góp phần đáp ứng những yêu cầu ấy.
Tiếp sau phần Mở đầu gồm 3 bài viết mang tính định hướng, đề dẫn, 38 tham luận được trình bày theo 3 phần: Phần thứ nhất – Những vấn đề lý luận chung; Phần thứ hai – Quản lý nhà nước về văn hoá; Phần thứ ba – Vấn đề thị trường các sản phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật ở nước ta. Các bài viết đã đề cập đến những vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách trong đời sống văn học nghệ thuật nước ta như: sự tác động của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đến các hoạt động tinh thần của xã hội, vấn đề xã hội hóa nghệ thuật, việc đổi mới hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hoá, các vấn đề về quản lý văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường…, qua đó cho thấy rõ những bước tiến, những thành tựu đã đạt được, những thách thức, trăn trở, những việc cần phải làm, phải rút kinh nghiệm… để văn học nghệ thuật phát triển xứng đáng với dân tộc và thời đại. Là một tập hợp của trí tuệ và tâm huyết cùng đồng thuận hướng tới sự phát triển của văn học nghệ thuật đất nước, các bài viết trong “Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập” cũng đã góp phần đề xuất, kiến nghị những hướng giải quyết cho các câu hỏi hết sức quan trọng đặt ra hiện nay: Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế, giao lưu văn hoá quốc tế, văn nghệ sĩ phải làm gì? Đảng, Nhà nước phải có trách nhiệm gì để phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà trong sự bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc?
Thông qua những kiến giải sâu rộng trên cơ sở bám sát thực tiến đời sống văn học nghệ thuật, cuốn sách sẽ giúp bạn đọc có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu về những vấn đề lớn, quan trọng của văn học nghệ thuật nước nhà hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét