Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

HIẾN PHÁP TRUNG QUỐC -( Từ điều 1-55)

Năm vùng tự trị: Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, khu tự trị Nội Mông Cổ, khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, khu tự trị dân tộc Duy ngô nhĩ Tân Cương, và khu tự trị Tây Tạng. Bốn thành phố trực thuộc Trung ương: Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Trùng Khánh. Ngoài ra, Trung Quốc có hai đặc khu hành chính là Hồng Kông và Ma Cao. 9. Đảng chính trị: Trung Quốc có một đảng chính trị lớn đang cầm quyền là Đảng cộng sản Trung Quốc. Ngoài ra còn có một số đảng nhỏ khác. 10. Độ tuổi được tham gia bầu cử: Công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đủ 18 tuổi không phân biệt dân tộc, chủng tộc, giới tính, nghề nghiệp, thành phần gia đình, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ giáo dục, tình hình tài chính, giới hạn cư trú đều có quyền bầu cử và ứng cử; trừ những người mà theo quy định của pháp luật bị tước quyền chính trị. 11. Hệ thống pháp luật: Hệ thống pháp luật Trung Quốc phỏng theo hệ thống luật dân sự của Châu Âu. Dân luật Trung Quốc là sự hỗn hợp giữa pháp luật của hệ thống dân luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa. 12. Bộ máy nhà nước i) Ngành lập pháp Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là cơ quan quyền lực cao nhất, có khoảng 3.000 thành viên với nhiệm kỳ 5 năm. Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc họp mỗi năm một kỳ trong khoảng thời gian gần 2 tuần vào mùa xuân và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản như: 1) Sửa đổi Hiến pháp; 2) Giám sát việc thực thi Hiến pháp, 3) Ban hành và sửa đổi các đạo luật cơ bản về các lĩnh vực hình sự, dân sự và tổ chức bộ máy nhà nước; 4) Bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo Nhà nước; 5) Giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước, các kế hoạch phát triển kinh tế, thành lập hoặc bãi bỏ các tỉnh, các khu tự trị, các khu hành chính đặc biệt; 6) Giám sát hoạt động của Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc; Quốc vụ viện, Hội đồng Quân ủy Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong thời gian giữa các kỳ họp, Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ của Đại hội. Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc có 150 thành viên có nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc. ii) Ngành hành pháp Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là nguyên thủ Quốc gia. Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc bầu ra với nhiệm kỳ 5 năm. Quốc Vụ viện nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa còn gọi là chính phủ nhân dân trung ương là cơ quan hành pháp nhà nước cao nhất, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất. Nhiệm kỳ của Quốc vụ viện trùng với nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc. Thủ tướng lãnh đạo công tác Quốc Vụ viện. Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Uỷ viên Quốc vụ viện không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ. iii) Ngành tư pháp Toà án nhân dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là cơ quan xét xử của nhà nước. Nước Cộng hoà nhân dân Trung TUYỂN TẬP HIẾN PHÁPMỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI 187 Hoa thành lập Toà án nhân dân tối cao, Toà án nhân dân các cấp địa phương, các Toà chuyên môn và Toà quân sự. Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất trong hệ thống tư pháp của Trung Quốc. Các thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc bổ nhiệm. Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan công tố cao nhất của Trung Quốc. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc bổ nhiệm. II. HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA (Được thông qua ngày 04/02/1982, có hiệu lực từ 04/12/1982) LỜI NÓI ĐẦU Trung Quốc là một trong những quốc gia có lịch sử lâu đời nhất trên thế giới. Nhân dân các dân tộc Trung Quốc đã cùng nhau xây dựng nên một nền văn hoá huy hoàng, sán lạn, với truyền thống cách mạng quang vinh. Từ sau năm 1840, nước Trung Quốc phong kiến từng bước trở thành nước nửa thuộc địa, nửa phong kiến. Nhân dân Trung Quốc tiếp bước thế hệ đi trước, anh dũng đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc và tự do dân chủ. Thế kỷ 20, Trung Quốc đã xảy ra sự thay đổi lịch sử long trời lở đất. Năm 1911, Tôn Trung Sơn lãnh đạo cách mạng Tân Hợi lật đổ đế chế phong kiến, thành lập nước Trung Hoa dân quốc. Nhưng nhiệm vụ lịch sử của nhân dân Trung Quốc đánh bại chủ nghĩa đế quốc và phong kiến vẫn chưa hoàn thành. Năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc do lãnh tụ Mao Trạch Đông lãnh đạo nhân dân các dân tộc Trung Quốc tiến hành đấu tranh vũ trang và các hình thức đấu tranh khác trong cuộc trường chinh gian khổ, cuối cùng đã lật đổ sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phong kiến và chủ nghĩa tư bản quan liêu, giành thắng lợi vĩ đại cách mạng chủ nghĩa dân chủ mới, thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Từ đó nhân dân Trung Quốc nắm được quyền lực nhà nước, trở thành chủ nhân quốc gia. Sau khi thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Trung Quốc từng bước thực hiện chủ nghĩa dân chủ mới quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đã hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với chế độ tư hữu tư liệu sản xuất, xoá bỏ chế độ người bóc lột người, thành lập chế độ xã hội chủ nghĩa, lấy cơ sở là chuyên chính dân chủ nhân dân với nền tảng liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo, trên thực tế, chuyên chính giai cấp vô sản được củng cố và phát triển. Nhân dân Trung Quốc và quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã đánh thắng chủ nghĩa đế quốc, đánh thắng sự xâm lược của chủ nghĩa bá quyền, chiến tranh phá hoại và vũ trang đẫm máu, bảo vệ độc lập, an ninh quốc gia, tăng cường an ninh quốc phòng. Về mặt kinh tế, đã giành được những thành tựu vô cùng quan trọng, hình thành tương đối hoàn chỉnh hệ thống công nghiệp XHCN, sản xuất nông nghiệp nâng cao rõ rệt. Các sự nghiệp giáo dục, khoa học, văn hoá…phát triển mạnh mẽ. Việc giáo dục tư tưởng XHCN giành được thành tựu rõ rệt. Đời sống của phần lớn bộ phận dân cư được cải thiện đáng kể. Sự thắng lợi của cách mạng chủ nghĩa dân chủ mới Trung Quốc và những thành tựu của sự nghiệp XHCN do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nhân dân các dân tộc Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của lý luận Mác- Lê nin, tư tưởng Mao Trạch Đông kiên trì chân lý, sửa chữa sai lầm, gian khổ đấu tranh và giành được thắng lợi. Từ nay về sau, nhiệm vụ căn bản của nước ta là tập trung lực lượng tiến hành xây dựng hiện đại hoá XHCN. Nhân dân các dân tộc Trung Quốc sẽ tiếp tục dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, với sự chỉ đạo của chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Mao Trạch Đông kiên trì chuyên chính dân chủ nhân dân, kiên trì con đường XHCN, kiên trì cải cách đổi mới, không ngừng hoàn thiện các mặt của chế độ XHCN, phát triển dân chủ XHCN, kiện toàn pháp chế XHCN, tự lực cánh sinh, gian khổ phấn đấu, từng bước thực hiện hiện đại hoá công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng và khoa học kỹ thuật, xây dựng đất nước ta thành một nước XHCN giàu mạnh, dân chủ văn minh. Ở nước ta, giai cấp bóc lột đã bị xoá bỏ, nhưng đấu tranh giai cấp vẫn còn tồn tại trong một phạm vi và thời gian nhất định. Nhân dân Trung Quốc vẫn cần tiến hành đấu tranh với các thế lực phản động trong và ngoài nước, đấu tranh với phần tử chống đối nhằm phá hoại chế độ XHCN ở nước ta. Đài Loan là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Hoàn thành sự nghiệp thống nhất tổ quốc là trách nhiệm thiêng liêng của nhân dân cả nước Trung Quốc trong đó bao gồm đồng bào Đài Loan. Sự nghiệp xây dựng XHCN phải dựa vào giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức đoàn kết tất cả các lực lượng có thể đoàn kết. Trong quá trình lâu dài của cách mạng và xây dựng đã kết thành các đảng phái dân chủ và các đoàn thể nhân dân tham gia, do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo được toàn thể nhân dân lao động XHCN, người yêu nước XHCN và chiến tuyến thống nhất của đông đảo người yêu nước ủng hộ. Chiến tuyến thống nhất tiếp tục được củng cố và phát triển. Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc là tổ chức mặt trận yêu nước thống nhất rộng rãi, từng phát huy tác dụng quan trọng trong lịch sử. Từ nay về sau, trong đời sống chính trị cả nước, đời sống xã hội và trong các hoạt động đối ngoại hoà bình, trong sự nghiệp tiến hành xây dựng hiện đại hoá XHCN, trong đấu tranh thống nhất và đoàn kết bảo vệ nhà nước, sẽ từng bước phát huy các tác dụng quan trọng khác. Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là quốc gia đa dân tộc thống nhất, do cộng đồng các dân tộc trong cả nước tạo nên, xác lập quan hệ dân tộc XHCN bình đẳng, đoàn kết tương trợ lẫn nhau và quan hệ đó tiếp tục được tăng cường. Trong quá trình đấu tranh bảo vệ đoàn kết dân tộc, phản đối chủ nghĩa đại dân tộc, chủ yếu là chủ nghĩa dân tộc đại Hán, phản đối chủ nghĩa dân tộc địa phương. Nhà nước cố gắng hết sức để thúc đẩy sự phồn vinh giữa các dân tộc trên cả nước. Thành tựu cách mạng và xây dựng Trung Quốc là không tách rời khỏi sự ủng hộ của nhân dân toàn thế giới. Tương lai của Trung Quốc có mối quan hệ mật thiết với tương lai của thế giới. Trung Quốc kiên trì chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, kiên trì 5 nguyên tắc chung sống hoà bình, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, phát triển quan hệ ngoại giao và kinh tế, giao lưu văn hoá với các nước, kiên trì chống lại chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa thực dân, tăng cường đoàn kết nhân dân các nước trên thế giới, ủng hộ nhân dân các nước đang phát triển và các dân tộc bị áp bức trong sự nghiệp chính nghĩa, giành lấy và bảo vệ nền độc lập, phát triển kinh tế dân tộc, nỗ lực để bảo vệ hoà bình thế giới và thúc đẩy sự tiến bộ của loài người. Bản hiến pháp này dùng hình thức pháp luật xác nhận thành quả đấu tranh của nhân dân các dân tộc Trung Quốc. quy định chế độ và nhiệm vụ căn bản của nhà nước, là luật cơ bản của nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Nhân dân các dân tộc trong cả nước, tất cả các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, các chính đảng và đoàn thể xã hội, các tổ chức sự nghiệp, các doanh nghiệp đều phải lấy Hiến pháp làm tiêu chuẩn xử sự căn bản trong hoạt động của mình và có trách nhiệm trong việc bảo vệ sự tôn nghiêm của Hiến pháp, bảo đảm Hiến pháp được thi hành. CHƯƠNG I NGUYÊN TẮC CHUNG Điều 1. Thể chế nhà nước Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là nhà nước xã hội chủ nghĩa của chuyên chính dân chủ nhân dân, với nền tảng là liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo. Chế độ xã hội chủ nghĩa là chế độ cơ bản của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân phá hoại chế độ xã hội chủ nghĩa. Điều 2. Chính thể nhà nước Tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua cơ quan đại diện là Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc và Đại hội Đại biểu nhân dân các cấp địa phương. Nhân dân dựa vào quy định pháp luật, thông qua cách thức và hình thức quản lý công việc nhà nước, quản lý các ngành kinh tế và văn hoá, quản lý công việc xã hội. Điều 3. Nguyên tắc tập trung dân chủ Các cơ quan nhà nước nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa được tổ chức và hoạt động dựa trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ. Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc và Đại hội Đại biểu nhân dân các cấp đều chịu trách nhiệm trước nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Cơ quan hành chính, cơ quan xét xử, cơ quan kiểm sát đều do Đại hội Đại biểu nhân dân bầu ra, chịu trách nhiệm, và chịu sự giám sát của cơ quan này. Sự phân cấp chức năng, quyền hạn của cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương phải tuân theo sự lãnh đạo thống nhất từ trung ương dựa trên nguyên tắc phát huy đầy đủ tính chủ động, tích cực của địa phương. Điều 4. Chính sách dân tộc Các dân tộc đang sinh sống trên đất nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa hoàn toàn bình đẳng. Nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các dân tộc thiểu số, bảo vệ và phát triển sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị và áp bức dân tộc thiểu số, nghiêm cấm hành vi phá hoại sự đoàn kết, gây chia rẽ các dân tộc. Nhà nước dựa vào đặc điểm và yêu cầu của các dân tộc thiểu số, giúp đỡ các khu vực dân tộc thiểu số nhanh chóng phát triển kinh tế và văn hoá. Địa phương tập trung các dân tộc thiểu số sinh sống thực hiện chế độ khu tự trị, xây dựng cơ quan tự trị, thi hành quyền tự trị. Địa phương tự trị các dân tộc là bộ phận không thể tách rời của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Các dân tộc đều có quyền tự do sử dụng và phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình, có quyền tự do giữ gìn hoặc thay đổi phong tục tập quán của mình. Điều 5. Sự tôn nghiêm và thống nhất của pháp chế Nhà nước bảo vệ sự thống nhất và tôn nghiêm của pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tất cả quy phạm pháp luật, văn bản pháp quy hành chính và văn bản pháp quy mang tính địa phương đều không được trái với hiến pháp. Tất cả các cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang, các đảng phái chính trị và đoàn thể xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đều phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật. Mọi hành vi vi phạm hiến pháp và pháp luật, đều bị truy cứu. Hành vi của mọi tổ chức hoặc cá nhân đều không được vượt quá quy định của hiến pháp và pháp luật. Điều 6. Chế độ công hữu và nguyên tắc phân phối theo lao động Cơ sở của chế độ kinh tế xã hội chủ nghĩa nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, gồm sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể quần chúng lao động. Chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa xoá bỏ chế độ người bóc lột người, thực hiện nguyên tắc làm theo năng lực, hưởng theo lao động. Điều 7. Kinh tế quốc doanh Kinh tế quốc doanh là kinh tế dựa trên sở hữu toàn dân xã hội chủ nghĩa, là lực lượng chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Nhà nước bảo đảm sự ổn định và phát triển của kinh tế quốc doanh. Điều 8. Kinh tế tập thể Công xã nhân dân nông thôn, hợp tác sản xuất nông nghiệp và các hình thức hợp tác kinh tế khác như sản xuất, dịch vụ, tín dụng, tiêu dùng, là chế độ kinh tế tập thể của quần chúng lao động XHCN. Người lao động tham gia vào tổ chức kinh tế tập thể nông thôn, có quyền kinh doanh trên đất phần trăm, diện tích rừng phần trăm, nghề phụ gia đình, trồng trọt chăn nuôi trong phạm vi quy định của pháp luật. Các hình thức hợp tác kinh tế giữa các ngành công nghiệp thủ công, công nghiệp, xây dựng, vận tải, thương nghiệp, dịch vụ…ở các thành phố thị trấn đều là kinh tế sở hữu tập thể quần chúng lao động xã hội chủ nghĩa. Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức kinh tế tập thể ở thành phố, thị trấn, khuyến khích, chỉ đạo, và giúp đỡ việc phát triển kinh tế tập thể. Điều 9. Tài nguyên thiên nhiên Tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản, nguồn nước, rừng, đồi núi, thảo nguyên, đất hoang, đầm lầy…đều thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dân. Ngoài ra, các tài nguyên rừng, đồi núi, đồng cỏ, đất hoang do pháp luật quy định thuộc sở hữu tập thể. Nhà nước bảo đảm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ động, thực vật quý hiếm. Nghiêm cấm mọi tổ chức hoặc cá nhân dùng bất cứ thủ đoạn nào chiếm đoạt hoặc phá hoại tài nguyên thiên nhiên. Điều 10. Chế độ đất đai Đất đai ở thành phố thuộc sở hữu nhà nước. Đất đai ở nông thôn, ngoại ô thành phố, ngoài do pháp luật quy định thuộc sở hữu nhà nước, thì thuộc sở hữu tập thể, đất ở, đất phần trăm, diện tích đất đồi núi phần trăm đều thuộc sở hữu tập thể. Nhà nước căn cứ vào nhu cầu lợi ích công cộng, có thể tiến hành trưng dụng đất đai theo quy định của pháp luật. Mọi tổ chức hoặc cá nhân không được chiếm đoạt, mua bán, cho thuê hoặc chuyển nhượng đất đai dưới các hình thức trái quy định pháp luật. Mọi tổ chức và cá nhân phải sử dụng đất đai hợp lý. Điều 11. Kinh tế phi công hữu Kinh tế cá thể của người lao động thành phố thị trấn trong phạm vi quy định của pháp luật là sự bổ sung của kinh tế công hữu xã hội chủ nghĩa. Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của kinh tế cá thể. Nhà nước quản lý hành chính, chỉ đạo, giúp đỡ và giám sát kinh tế cá thể. Điều 12. Nguyên tắc không xâm phạm tài sản công cộng Tuyệt đối không xâm phạm tài sản công hữu thiêng liêng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước bảo vệ tài sản công xã hội chủ nghĩa. Nghiêm cấm mọi tổ chức hoặc cá nhân dùng bất cứ thủ đoạn nào chiếm đoạt hoặc phá hoại tài sản nhà nước và tập thể. Điều 13. Bảo vệ tài sản thuộc sở hữu tư nhân Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu nhà cửa và các tài sản được hình thành từ nguồn thu nhập và tích lũy hợp pháp của công dân. Nhà nước dựa vào các quy định của pháp luật, bảo vệ quyền thừa kế tư nhân về tài sản công dân. Điều 14. Chế độ sản xuất, tích luỹ và tiêu dùng Nhà nước thông qua việc nâng cao tính tích cực và trình độ kỹ thuật của người lao động, đẩy mạnh khoa học kỹ thuật tiên tiến, hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế và chế độ quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, thực hiện các hình thức chế độ trách nhiệm xã hội chủ nghĩa, cải tiến tổ chức lao động, không ngừng nâng cao sức sản xuất và hiệu quả kinh tế, phát triển sức sản xuất xã hội chủ nghĩa. Nhà nước thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Nhà nước thực hiện hợp lý việc tích luỹ và tiêu dùng, chú ý toàn diện đến lợi ích quốc gia, lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân, trên cơ sở phát triển sức sản xuất, từng bước cải thiện đời sống vật chất và đời sống văn hoá của nhân dân. Điều 15. Kinh tế kế hoạch Nhà nước thực hiện kinh tế kế hoạch trên cơ sở công hữu xã hội chủ nghĩa. Nhà nước thông qua cân bằng tổng hợp kinh tế kế hoạch và tác dụng bổ trợ của điều tiết thị trường, bảo đảm phát triển hài hoà kinh tế quốc dân. Nghiêm cấm tất cả các tổ chức hoặc cá nhân làm xáo trộn trật tự xã hội, phá hoại kế hoạch kinh tế nhà nước. Điều 16. Doanh nghiệp quốc doanh Doanh nghiệp quốc doanh phục tùng sự lãnh đạo thống nhất của nhà nước và hoàn thành kế hoạch của nhà nước, có quyền tự chủ trong quản lý kinh doanh trong phạm vi quy định pháp luật. Doanh nghiệp quốc doanh trên cơ sở quy định pháp luật, thực hiện quản lý dân chủ thông qua Đại hội Đại biểu công nhân viên chức và các hình thức khác. Điều 17. Doanh nghiệp tập thể Tổ chức kinh tế tập thể chịu sự chỉ đạo của kế hoạch nhà nước và tuân thủ pháp luật có liên quan, có quyền độc lập, tự chủ tiến hành các hoạt động kinh tế. Theo quy định của pháp luật, tổ chức kinh tế tập thể quản lý người lao động dựa trên nguyên tắc dân chủ; người lao động có quyền bầu hoặc bãi miễn người quản lý, quyết định những vấn đề quan trọng trong hoạt động quản lý kinh doanh. Điều 18. Đầu tư nước ngoài Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa cho phép doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân nước ngoài đầu tư tại Trung Quốc, hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc hoặc với các tổ chức kinh tế khác tiến hành các hình thức hợp tác kinh tế theo quy định của pháp luật nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Tất cả các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nước ngoài hoặc doanh nghiệp liên doanh đều phải tuân thủ pháp luật nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Tất cả các quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp đều được pháp luật nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa bảo vệ. Điều 19. Sự nghiệp giáo dục Nhà nước phát triển sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa, nâng cao trình độ văn hoá, khoa học toàn dân. Nhà nước thành lập các trường học, phổ cập giáo dục cấp tiểu học, phát triển giáo dục cấp trung học cơ sở, giáo dục dạy nghề và giáo dục phổ thông trung học, đồng thời phát triển giáo dục mầm non. Nhà nước thực hiện phát triển các loại hình giáo dục, xoá mù chữ, tiến hành giáo dục chính trị, văn hoá, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ đối với công nhân, nông dân, công nhân viên chức nhà nước, và người lao động khác, khuyến khích nhân tài tự học. Nhà nước khuyến khích tổ chức kinh tế tập thể, tổ chức đơn vị sự nghiệp nhà nước và các lực lượng xã hội khác xây dựng các loại hình giáo dục đào tạo theo quy định của pháp luật. Nhà nước đẩy mạnh sử dụng phổ biến tiếng phổ thông trong phạm vi cả nước. Điều 20. Sự nghiệp khoa học Nhà nước phát triển khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, phổ cập tri thức khoa học và kỹ thuật, khuyến khích các thành quả nghiên cứu khoa học và sáng tạo phát minh kỹ thuật. Điều 21. Sự nghiệp vệ sinh, y tế và giáo dục thể chất Nhà nước phát triển sự nghiệp vệ sinh y tế, phát triển ngành y tế hiện đại và y học truyền thống, khuyến khích và ủng hộ các tổ chức kinh tế tập thể nông thôn, đơn vị kinh tế, sự nghiệp nhà nước và các tổ chức dân phố (xã, phường) xây dựng cơ sở vệ sinh, y tế, triển khai hoạt động vệ sinh mang tính quần chúng, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Nhà nước phát triển sự nghiệp giáo dục thể chất, triển khai hoạt động thể chất quần chúng, tăng cường thể chất người dân. Điều 22. Sự nghiệp văn hoá Nhà nước phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật, phát thanh truyền hình, xuất bản, phát hành, bảo tàng văn hoá, thư viện và các sự nghiệp văn hoá khác phục vụ quần chúng nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội, triển khai hoạt động văn hoá mang tính quần chúng. Nhà nước bảo vệ di tích lịch sử, di sản văn hoá quý giá và các di sản văn hoá lịch sử quan trọng khác. Điều 23. Tầng lớp trí thức Nhà nước bồi dưỡng nhân tài, nhân viên chuyên nghiệp trên mọi lĩnh vực, đội ngũ tri thức, tạo điều kiện để phát huy mạnh mẽ tác dụng của họ trong sự nghiệp hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa, phục vụ chủ nghĩa xã hội. Điều 24. Xây dựng văn minh tinh thần Nhà nước chú trọng phổ cập, giáo dục lý tưởng, giáo dục đạo đức, giáo dục văn hoá, kỷ luật và giáo dục pháp chế, thông qua việc ban hành và chấp hành các quy tắc xử sự trong quần chúng ở phạm vi các thành phố, thị trấn, góp phần xây dựng văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa. Nhà nước nêu cao truyền thống yêu nước, dân tộc, yêu lao động, yêu khoa học, yêu chủ nghĩa xã hội, triển khai giáo dục sâu rộng trong nhân dân chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa quốc tế, chủ nghĩa cộng sản, tiến hành giáo dục chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng, phản đối chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa phong kiến và tư tưởng lạc hậu khác. Điều 25. Sinh đẻ kế hoạch Nhà nước áp dụng sinh đẻ kế hoạch, điều chỉnh sự tăng trưởng dân số phù hợp với sự phát triển xã hội và kinh tế. Điều 26. Đời sống, môi trường sinh thái Nhà nước bảo vệ và cải thiện cuộc sống và môi trường sống, phòng chống ô nhiễm và các hoạt động công ích khác. Nhà nước tổ chức và động viên việc trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng. Điều 27. Chế độ cơ quan nhà nước và cán bộ viên chức Tất cả các cơ quan nhà nước trên nguyên tắc tinh giản, thực hiện chế độ công tác trách nhiệm, thực hiện bồi dưỡng và thi sát hạch đối với cán bộ viên chức công tác trong bộ máy nhà nước, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, chống chủ nghĩa quan liêu. Tất cả các cơ quan nhà nước và cán bộ công nhân viên chức nhà nước phải dựa vào sự ủng hộ của nhân dân, thường xuyên bảo đảm mối liên hệ mật thiết với nhân dân, lắng nghe ý kiến và kiến nghị của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và nỗ lực phục vụ nhân dân. Điều 28. Bảo vệ trật tự xã hội Nhà nước bảo vệ trật tự xã hội chủ nghĩa, trấn áp các hoạt động phản quốc và các hoạt động phản cách mạng khác, xử lý các hoạt động làm nguy hại đến trật tự trị an, phá hoại kinh tế xã hội chủ nghĩa, và các hoạt động tội phạm khác, trừng trị và cải tạo các phần tử phạm tội. Điều 29. Lực lượng vũ trang Lực lượng vũ trang nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa thuộc về nhân dân, với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, chống xâm lược, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân yêu chuộng hoà bình, tham gia vào sự nghiệp xây dựng đất nước, nỗ lực phục vụ nhân dân. Nhà nước tăng cường xây dựng cách mạng hoá, hiện đại hoá, chính quy hoá lực lượng vũ trang, tăng cường lực lượng quốc phòng. Điều 30. Khu vực hành chính Các khu vực hành chính nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa được phân định như sau: 1. Cả nước phân thành Tỉnh, Khu tự trị, Thành phố trực thuộc. 2. Tỉnh, Khu tự trị phân thành Châu tự trị, Huyện, Huyện tự trị, Thành phố. 3. Huyện, Huyện tự trị phân thành Hương, Hương dân tộc, Trấn. Thành phố trực thuộc và thành phố tương đối lớn phân thành Khu và Huyện. Châu tự trị phân thành Huyện, Huyện tự trị, Thành phố. Khu tự trị, Châu tự trị, Huyện tự trị đều là tự trị dân tộc địa phương. Điều 31. Khu vực hành chính đặc biệt Nhà nước trong trường hợp cần thiết có thể thành lập khu hành chính đặc biệt. Trong khu hành chính đặc biệt thi hành chế độ căn cứ theo tình hình cụ thể do Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc quy định theo pháp luật. Điều 32. Chính sách bảo vệ đối với người nước ngoài Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nước ngoài trong phạm vi biên giới nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, người nước ngoài trong lãnh thổ Trung Quốc phải tuân thủ pháp luật nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Người nước ngoài vì lý do chính trị có yêu cầu nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa cho cư trú, có thể được nhà nước bảo vệ quyền lợi. CHƯƠNG 2 QUYỀN VÀ NGHĨAVỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN Điều 33. Quyền công dân Tất cả những người có quốc tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đều là công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Mọi công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đều bình đẳng trước pháp luật. Tất cả quyền lợi của công dân được Hiến pháp và pháp luật quy định, đồng thời Hiến pháp và pháp luật quy định nghĩa vụ của công dân. Điều 34. Quyền bầu cử và quyền ứng cử Công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đủ 18 tuổi không phân biệt dân tộc, chủng tộc, giới tính, nghề nghiệp, thành phần gia đình, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ giáo dục, tình hình tài chính, giới hạn cư trú đều có quyền bầu cử và ứng cử; trừ những người mà theo quy định của pháp luật bị tước quyền chính trị. Điều 35. Quyền tự do chính trị cơ bản Công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa có quyền tự do ngôn luận, xuất bản, lập hội, tham gia tổ chức đoàn thể, đi lại, biểu tình. Điều 36. Quyền tự do tín ngưỡng Công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân không được cưỡng chế công dân đi theo tôn giáo hoặc từ bỏ tôn giáo, không được phân biệt, kỳ thị người có tôn giáo và người không tôn giáo. Nhà nước bảo đảm hoạt động tôn giáo bình thường. Nghiêm cấm bất kỳ người nào lợi dụng hoạt động tôn giáo để phá hoại trật tự xã hội, tổn hại đến sức khoẻ của công dân, làm ảnh hưởng các chế độ giáo dục của nhà nước. Đoàn thể tôn giáo và sự nghiệp tôn giáo không chịu sự chi phối của thế lực bên ngoài. Điều 37. Quyền tự do thân thể Quyền tự do thân thể của công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là bất khả xâm phạm. Tất cả mọi công dân, trừ những người do Viện kiểm sát nhân dân phê chuẩn hoặc quyết định hoặc những người do Toà án nhân dân quyết định, và do cơ quan công an thi hành, đều không bị bắt giữ. Nghiêm cấm các hành vi giam giữ, bắt bớ trái pháp luật hoặc hạn chế tự do thân thể công dân, nghiêm cấm việc xâm phạm thân thể công dân một cách bất hợp pháp. Điều 38. Tôn trọng và bảo vệ danh dự Danh dự của công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa được tôn trọng và không bị xâm hại, nghiêm cấm việc làm nhục, xúc phạm, vu cáo, bức hại công dân dưới bất kỳ hình thức nào. Điều 39. Quyền bất khả xâm phạm nơi ở Nơi ở của công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa không bị xâm phạm. Nghiêm cấm các hành vi khám xét hoặc đột nhập một cách bất hợp pháp nơi ở của công dân. Điều 40. Quyền tự do thư tín và bảo mật thư tín Quyền tự do thư tín và bảo mật thư tín của công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa được pháp luật bảo vệ. Trừ trường hợp vì lý do an ninh quốc gia hoặc do yêu cầu của việc bắt giữ tội phạm hình sự, do cơ quan công an hoặc cơ quan kiểm sát tiến hành kiểm tra căn cứ theo trình tự quy định của pháp luật, nghiêm cấm bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào, vì bất cứ lý do gì xâm phạm quyền tự do thư tín hoặc quyền bảo mật thư tín của công dân. Điều 41. Quyền giámsát của công dân đối với cơ quan nhà nước Công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa có quyền phê bình và kiến nghị đối với bất kỳ cơ quan nhà nước hoặc nhân viên của cơ quan nhà nước; công dân có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc tố giác đối với bất kỳ hành vi không làm tròn trách nhiệm, trái pháp luật của cơ quan nhà nước hoặc nhân viên cơ quan nhà nước, nhưng không được phép bịa đặt hoặc bẻ cong sự thật để vu cáo hãm hại. Đối với khiếu nại, khiếu tố hoặc tố giác của công dân, cơ quan có liên quan phải điều tra rõ sự việc, có trách nhiệm xử lý. Nghiêm cấm mọi hành vi khống chế, đả kích, báo thù. Những người bị thiệt hại do cơ quan nhà nước hoặc người công tác trong cơ quan nhà nước gây ra có quyền đòi bồi thường theo các quy định pháp luật. Điều 42. Quyền và nghĩa vụ lao động Công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa có quyền và nghĩa vụ về lao động. Nhà nước thông qua nhiều hình thức tạo điều kiện về việc làm, tăng cường bảo đảm việc làm, cải tạo điều kiện lao động, và trên cơ sở phát triển sức sản xuất nâng cao thu nhập của người lao động và phúc lợi đãi ngộ. Lao động là trách nhiệm vinh quang của tất cả công dân có đầy đủ năng lực lao động. Người lao động ở trong doanh nghiệp quốc doanh và tổ chức kinh tế tập thể ở thành phố thị trấn đều phải có thái độ của người làm chủ quốc gia đối với lao động của chính mình. Nhà nước phát động thi đua, khen thưởng các điển hình lao động và các cá nhân lao động tiên tiến XHCN. Nhà nước phát động nghĩa vụ lao động việc làm đối với công dân. Nhà nước bồi dưỡng, giáo dục dạy nghề cần thiết trước khi công dân tìm việc làm. Điều 43. Quyền nghỉ ngơi của người lao động Người lao động là công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa có quyền nghỉ ngơi. Nhà nước phát triển các biện pháp nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, quy định chế độ thời gian làm việc và nghỉ ngơi của công nhân viên chức. Điều 44. Chế độ hưu trí Nhà nước căn cứ theo quy định của pháp luật thực hiện chế độ hưu trí đối với cán bộ công nhân viên chức làm việc tại cơ quan nhà nước và tổ chức đơn vị sự nghiệp. Cuộc sống của người nghỉ hưu được nhà nước và xã hội bảo đảm. Điều 45. Quyền được trợ cấp khó khăn Công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa nếu rơi vào tình trạng già yếu, bệnh tật, hoặc mất sức lao động, có quyền nhận được sự giúp đỡ vật chất của nhà nước và xã hội. Nhà nước phát triển bảo hiểm xã hội, cứu tế xã hội, và sự nghiệp y tế nhằm phục vụ quyền lợi của công dân. Nhà nước và xã hội bảo đảm đời sống cho thương binh, gia đình anh hùng liệt sỹ, ưu đãi gia đình quân nhân. Nhà nước và xã hội giúp đỡ, sắp xếp lao động, ổn định cuộc sống, giáo dục cho những công dân tàn tật như mù, điếc, câm và những công dân tàn tật khác. Điều 46. Quyền và nghĩa vụ giáo dục Công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa có quyền và nghĩa vụ được giáo dục. Nhà nước tạo điều kiện để thanh niên, thiếu niên, nhi đồng phát triển toàn diện về các mặt: đạo đức, trí lực, thể chất. Điều 47. Tự do hoạt động văn hoá Công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa có quyền tự do trong việc tiến hành nghiên cứu khoa học, sáng tạo văn học nghệ thuật và các hoạt động văn hoá khác. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong sự nghiệp giáo dục, khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật và sự nghiệp văn hoá khác. Điều 48. Nguyên tắc bình đẳng nam nữ Phụ nữ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa có quyền bình đẳng với nam giới trên các phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và đời sống gia đình. Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ, thực hiện trả lương bình đẳng giữa nam và nữ, bồi dưỡng và đề bạt cán bộ nữ. Điều 49. Chế độ hôn nhân, gia đình Hôn nhân, gia đình, bà mẹ và trẻ em được nhà nước bảo vệ. Hai bên vợ và chồng phải thực hiện nghĩa vụ kế hoạch hoá gia đình. Cha mẹ có nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục trẻ vị thành niên, người thành niên có nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ. Nghiêm cấm hành vi phá hoại tự do hôn nhân, ngược đãi người già, phụ nữ và trẻ em. Điều 50. Bảo đảm quyền lợi của Hoa kiều, người Trung Quốc về nước Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Hoa kiều, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của kiều bào và Hoa kiều. Điều 51. Hạn chế quyền tự do và quyền lợi công dân Công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa khi thực hiện quyền tự do và quyền lợi của mình không được xâm hại đến tự do và quyền lợi hợp pháp của nhà nước, xã hội, tập thể và công dân khác. Điều 52. Nghĩa vụ thống nhất tổ quốc và đoàn kết dân tộc Công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa có nghĩa vụ bảo vệ sự thống nhất Tổ quốc và đoàn kết các dân tộc trong nước. Điều 53. Nghĩa vụ tôn trọng pháp luật Công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa phải tôn trọng Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ bí mật quốc gia, giữ gìn tài sản công cộng, tuân thủ kỷ luật lao động, tuân thủ trật tự công cộng, tôn trọng đạo đức xã hội. Điều 54. Nghĩa vụ bảo vệ an toàn, danh dự, lợi ích của nhà nước Công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa có nghĩa vụ bảo vệ sự an toàn, danh dự và lợi ích quốc gia, không được có hành vi xâm hại đến sự an toàn, danh dự và lợi ích của nhà nước. Điều 55. Nghĩa vụ bảo vệ nhà nước và nghĩa vụ quân sự Bảo vệ tổ quốc, chống chiến tranh xâm lược là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia tổ chức dân quân theo quy định của pháp luật là nghĩa vụ vinh quang của mỗi công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.

1 nhận xét:

  1. Bạn hãy so sánh Hiến Pháp của VN và TQ, ai tài hơn ai !

    Trả lờiXóa