Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009


999 năm đất rồng thiêng Hà Nội (09/10/2009)
1000 năm tưởng là dài, nhưng cái chớp mắt của lịch sử đã vụt đưa chúng ta đến điểm mốc 999 năm. Chỉ một năm nữa thôi, Thăng Long đã 1000 tuổi tròn. 999 năm trước, Thái tổ Lý Công Uẩn đã định đô nơi đây. Đến thời đại mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại tái khẳng định Hà Nội là chốn định đô... Chào mừng 999 năm Thăng Long – Hà Nội, thật kỳ diệu, vào thời khắc lịch sử này, Hà Nội cũng tưng bừng chào đón 55 năm ngày giải phóng Thủ đô và Lễ công bố Năm du lịch Quốc gia 2010 Hà Nội...

1000 năm trước vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La lập nên kinh đô Thăng Long. Nhưng nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm” này trước đó hàng ngàn năm cũng đã từng là kinh đô của nhà nước Âu Lạc. Sau ngàn năm Bắc thuộc, Cổ Loa (Hà Nội) lại được vua Ngô Quyền đưa trở lại vị trí đế đô.

Loạn 12 sứ quân khiến kinh đô Cổ Loa mất vị thế. Đinh Tiên Hoàng đã được lịch sử trao cho sứ mệnh hợp nhất các sứ quân. Vua Đinh chọn Hoa Lư làm kinh đô. Rồi đến lượt nhà Tiền Lê cũng vậy.

Hoa Lư địa thế hiểm, có núi non bao bọc nhưng thực chất chỉ xứng ở tầm vóc của một quân thành. Vua Lý Thái Tổ vừa mới được các quan “bầu” lên ngôi đã ra một quyết định cực kỳ sáng suốt: Dời đô.

Nhà văn Siêu Hải – người con của Hà Thành, từng viết đến lòa mắt cho kỳ được 5 tiểu thuyết, tư liệu về Thăng Long, Hà Nội cổ và cận hiện đại nói: “999 năm, đọc lại những lời “Chiếu dời đô” của đức vua Lý Thái Tổ, lòng tôi không khỏi bồi hồi, dâng trào tự hào, kiêu hãnh. Tự hào về ông cha, kiêu hãnh về Thủ đô văn hiến oai hùng”.

Đi trên đê đường Hoàng Hoa Thám hay đường Đê La Thành, bạn có biết mình đang đi trên những đoạn tường thành của kinh đô Thăng Long xưa?. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Đạm dày công nghiên cứu đưa ra ý kiến: kinh thành Thăng Long dưới thời Lý là vòng bao từ Vĩnh Tuy lên phía Bắc bao quanh Hồ Tây qua Nhật Tân, Cầu Giấy rồi tiếp theo sông Tô Lịch (chứ không phải sông Kim Ngưu) tới Ngã Tư Sở, Ngã tư Vọng, Ngã tư Trung Hiền...

Nhà Trần và nhà Lê sau này nới rộng thêm nhưng diện tích kinh thành không tăng lên là bao.
Trong suốt ngàn năm lịch sử, từ thời Lý đến nay, cũng có khi Thăng Long không được chọn là đất đế đô. Nhưng chẳng hiểu sao, các triều đại dời đô khỏi Thăng Long thì vận số của đất nước cũng như vương triều ấy thật ngắn ngủi và cuối triều thường để lại nhiều tai tiếng. Nhà Hồ, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn đã chứng minh điều đó...

Ngẫm xem sự thăng hoa của những lần Thăng Long – Hà Nội được chọn làm đất đế đô, Thủ đô, chúng ta không khỏi kinh ngạc với hai lần định đô kỳ lạ. Lần định đô thứ nhất: Vua Lý Thái Tổ, lần định đô thứ hai: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai mốc son định đô này rạng rỡ bao ý nghĩa. Bằng “thiên nhãn”, vua Lý Thái Tổ đã nhìn thấu Đại La – kinh đô cũ của Cao Vương có thế rồng cuộn hổ ngồi, là nơi trọng yếu, tụ hội của bốn phương đất nước. Chỉ có một nơi như thế mới có thể là nơi kinh đô muôn đời. Và quả thực, nhà Lý đã mở ra thời kỳ phong kiến độc lập tự chủ của dân tộc. Các triều phong kiến khác cứ kế thừa và nối tiếp.

Lần định đô kỳ lạ thứ hai diễn ra năm 1945. Ngày 2- 9 – 1945, trước quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc lễ khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Năm 1954, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, những đoàn quân Việt Nam đã trở về tiếp quản thủ đô.

Cũng chính trên bầu trời thủ đô Hà Nội thân yêu, những máy bay B52 của Mỹ đã phải đền tội năm 1972. Và kể từ khi thống nhất Tổ quốc, dù chịu bao nhiêu khó khăn nhưng vị thế đất nước ngày một được củng cố và phát triển.

Từ mảnh đất Thủ đô thân yêu, nhiều quyết sách của Đảng, Nhà nước đã ra đời. Việt Nam dần từng bước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Có ai nghĩ một đất nước năm 1945 chết đói hơn 2 triệu người, vừa qua thời bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN lại có thể là nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới. Có ai nghĩ chúng ta lại được một đất nước có ngành công nghiệp đóng tàu nhất thế giới như Anh đặt hàng... Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới...

Có mối liên quan nào không: Giữa phong thủy của nơi chọn đất đế đô và sự phát triển hưng thịnh của đất nước?.
Dù câu trả lời chưa có một hội đồng khoa học nào kết luận thì thủ đô Hà Nội vẫn cứ ngày một sôi động và phát triển, xứng đáng là vị thế thủ đô của một nước, là trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa của quốc gia...

Đi trong TP. Hà Nội thời điểm này, ta bắt gặp nhiều hoạt động văn hóa thật tưng bừng, náo nhiệt. Và bạn cũng đừng nên hỏi những người dân hay Ban tổ chức xem hoạt động này được tổ chức nhân dịp kỷ niệm nào. Bởi vì dù nhân dịp 999 năm Thăng Long - Hà Nội, 55 năm ngày giải phóng Thủ đô hay mừng Lễ công bố Năm Du lịch Quốc gia 2010 thì tất cả đều dành cho Thủ đô Thăng Long – Hà Nội yêu mến của chúng ta...
(ST)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét